Cuộc sống nguy hiểm của nữ cửu vạn ở biên giới Marốc – Tây Ban Nha

Thứ Ba, 04/06/2019, 22:43
Aziza, 30 tuổi, vác một tải hàng hóa từ biên giới Tây Ban Nha – Marốc đến nhà ở Fnideq, một ngôi làng nằm trong Tetouan, Marốc, cách biên giới khoảng 4 dặm. Cũng giống như nhiều phụ nữ Marốc nghèo khó khác sống ở vùng nông thôn, Aziza đang phải tìm đến công việc khuân vác đầy rủi ro để kiếm sống.


Cơ hội ít ỏi dành cho phụ nữ nông thôn

Từ nhà đến khu vực biên giới lấy hàng hóa chỉ mất 15 phút đi bộ nhưng Aziza phải đến đó vào 22 giờ hôm trước xếp hàng. Khu công nghiệp mở cửa vào khoảng 6 giờ sáng. Là người khuân vác, nhiệm vụ chính của những phụ nữ như Aziza là vận chuyển chăn, đồ trẻ em, lốp xe hơi và nhiều thứ khác qua lại giữa Tây Ban Nha và Marốc, tối đa 7 lần/ngày.

Aziza làm việc cùng với những đồng nghiệp khác là Daouia, 42 tuổi, Zora, 48 tuổi và Fatima, 41 tuổi. Họ có đặc điểm chung là không được học hành đến nơi đến chốn, sống ở vùng nông thôn Marốc gần biên giới Tây Ban Nha, đã ly dị hoặc góa bụa, đều đang nuôi con nhỏ. Tất cả những người phụ nữ này đề nghị không sử dụng tên thật vì sợ bị trả thù. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, họ cùng nhau ăn một bữa trưa đơn giản trong con hẻm nhỏ đầy rác thải.

“Chúng tôi mới làm công việc này, người làm lâu nhất được hai năm, ít nhất mới sáu tháng. Công việc nặng nhọc và mệt mỏi nhưng đó là một trong số ít cơ hội dành cho phụ nữ nông thôn như chúng tôi. Dù không muốn làm nhưng thực sự, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ”, Aziza nói.

Hàng ngày, hàng ngàn phụ nữ từ Ma rốc bất chấp nguy hiểm đến khu vực biên giới Tây Ban Nha khuân vác hàng hóa để mưu sinh.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2018, chỉ 1/4 phụ nữ nông thôn ở Marốc làm việc ngoài xã hội. Phụ nữ làm việc cho các công ty chỉ chiếm 3%. Trong quan niệm của nhiều người ở vùng nông thôn Marốc, phụ nữ có trách nhiệm phải chăm sóc gia đình trước sau đó mới nghĩ đến việc đi làm việc bên ngoài. 

Mặc dù Chính phủ Marốc đã nỗ lực mở rộng cơ hội giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc sửa đổi Bộ luật Gia đình vào năm 2004 nhưng thực tế không có nhiều thay đổi. Phụ nữ Marốc không có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm và khẳng định bản thân.

Khi sử dụng người để khuân vác, vận chuyển hàng hóa, các nhà cung cấp tránh được thuế hải quan và người lao động nhận được một khoản thanh toán nhỏ cho hoạt động này. Những người khuân vác được trả khoản tiền từ 3,3-5,6 USD/lần. 

Lao động cật lực trong một ngày, những người khuân vác có thể kiếm được trung bình từ 22 USD đến 28 USD. Khoản thu nhập này có thể tăng lên nếu các cơ quan chức năng thắt chặt biên giới, đóng cửa trạm kiểm soát để ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp vào châu Âu.

Aziza không có lựa chọn nào khác, buộc phải làm công việc khuân vác để kiếm sống.

Ít nhất 6 phụ nữ đã thiệt mạng trong những vụ giẫm đạp

Zora nói rằng, cô sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cái chết của đồng nghiệp mà cô từng chứng kiến. Vào tháng 1/2018, khi xếp hàng chờ đến lượt lấy hàng, cô đã tận mắt nhìn thấy một Cảnh sát Marốc bảo vệ biên giới đánh người phụ nữ bằng thắt lưng. Cả đám đông hỗn loạn, nhiều người tháo chạy tạo ra một vụ giẫm đạp.

Những người phụ nữ bị mắc kẹt trong không gian chật hẹp. Họ phải xếp hàng lần lượt vào khu vực công nghiệp lấy hàng. Một bên, Cảnh sát Marốc giám sát những người khuân vác. 

Ở phía bên kia, Cảnh sát Ceuta cũng thường xuyên để mắt đến họ. Để kiểm soát những cuộc hỗn chiến, nhiều cảnh sát cởi thắt lưng và đánh người khuân vác. Nỗi sợ hãi khiến đám đông hoảng loạn và chạy trốn. Từ năm 2017 đến 2018, ít nhất sáu nữ khuân vác đã bị thiệt mạng.

“Tôi nghĩ rằng mình đã chết trong cuộc hỗn loạn đó”, Zora nói, đôi mắt mở to vì sợ hãi khi kể lại câu chuyện xảy ra hơn một năm trước. “Tôi đã làm công việc bốc vác trong hai năm và không có lựa chọn nào khác. Tôi là một góa phụ, mẹ của ba đứa con, không biết đọc và viết. Nếu không bán sức lao động của mình, tôi không biết lấy đâu ra tiền để nuôi các con nhỏ”, Zora nói tiếp.

Redudante Mohamed, 42 tuổi, thành viên tình nguyện của DIGMUN - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ceuta, Tây Ban Nha cho biết, phụ nữ nông thôn Marốc gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống: không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, không có cơ hội để phát triẻn. Với sự tài trợ của các quỹ công cộng và tư nhân, DIGMUN đang nỗ lực mở các lớp học miễn phí hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ở Marốc. 

Mạnh Tường

.
.