Cuộc khủng hoảng… bao cao su cho nữ giới ở Uganda

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:17
Tờ Guardian (Anh) đưa tin, mặc dù Chính phủ Uganda đã chi khá nhiều tiền để mua hàng triệu bao cao su cho nữ giới để bảo vệ họ trước đại dịch HIV/AISD nhưng không mang lại hiệu quả tích cực. Số ca nhiễm HIV/AIDS ở nước này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chỉ 2% phụ nữ có nhu cầu sử dụng bao cao su

Tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, đặc biệt trong số những người hành nghề mại dâm đang gây ra mối lo ngại có thể dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm HIV.

Năm ngoái, Tập đoàn Tiếp thị Y tế Uganda (UHMG), đơn vị cung cấp các biện pháp tránh thai cho biết, 1,2 triệu bao cao su đã được mua với giá 600.000 USD. Nguồn kinh phí do Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tài trợ.

Các nhà vận động nói rằng, phần lớn bao cao su cho nữ giới không được sử dụng và cần có hành động để nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích của việc sử dụng bao cao su.

Trong khi đó, Uganda đang đối mặt với tình trạng thiếu 150 triệu bao cao su cho nam giới trong năm nay.

Dinah Apio, nhân viên nhóm hành động vì quyền con người và phòng chống HIV/ AIDS (AGHA) cho biết: "rất đáng lo ngại là việc sử dụng bao cao su nữ vẫn còn thấp trong nhóm đối tượng có nguy cơ mắc HIV/AIDS cao nhất.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nỗ lực phòng chống HIV/AIDS. Những nhà sản xuất bao cao su phải cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu để có sản phẩm thu hút người sử dụng".

Kết quả một cuộc khảo sát ở nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Kampala, tiến hành từ tháng 1 đến tháng 3-2017 cho biết, chỉ có 2% phụ nữ có nhu cầu sử dụng bao cao su, so với con số 98% đối với nam giới.

 Các nhóm có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao là phụ nữ bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới và người tiêm chích ma túy.

Nhiều phụ nữ phàn nàn rằng, việc sử dụng bao cao su khó và không thoải mái. Bên cạnh đó, giá bán bao cao su cũng rất đắt nếu mua lẻ.

"Nếu không được giải quyết, vấn đề sử dụng bao cao su thấp ở nữ giới có thể góp phần làm tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV ở phụ nữ trẻ, nhiều trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn", Apio nói.

Vastha Kibirige, nhân viên thuộc Bộ Y tế Uganda nói rằng: "bao cao su cho nữ giới là phương pháp tránh thai mới nên mọi người còn có thái độ tiêu cực về sản phẩm. Chúng ta cần có thêm nhiều chương trình giáo dục, khuyến khích nữ giới sử dụng bao cao su.

Phải mất nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết bài toán này. Ngoài công tác truyền thông, chúng ta cần đào tạo nhân viên y tế và giáo dục con người".

Phần lớn bao cao su cho nữ giới không được sử dụng ở Uganda.

Gái bán dâm không phải là "fan" của bao cao su

Theo nghiên cứu của UNFPA công bố vào năm 2011 thì thiếu thông tin là trở ngại lớn nhất đối với việc sử dụng bao cao su nữ. Chỉ có một số ít người được phỏng vấn cho biết đã nhìn thấy hoặc đã từng sử dụng bao cao su.

Sarah Nakku Kibuuka, một nhà tư vấn về mạng lưới cộng đồng phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc cho biết, gái bán dâm ngại sử dụng bao cao su vì cho rằng mất thời gian và sợ làm khách hàng tức giận.

Shifa Nalubega, một gái bán dâm ở Kampala cho biết, cô không phải là người hâm mộ của bao cao su. "Nó không thoải mái, căng thẳng, kinh tởm và không thân thiện. Nó đòi hỏi sự theo dõi liên tục trong thời gian quan hệ tình dục", Shifa Nalubega nói.

Gái bán dâm Sophi nói rằng: "đó là vấn đề kinh doanh. Càng nhiều khách hàng, chúng tôi càng kiếm được nhiều tiền hơn. Chính vì vậy, không ai muốn lãng phí thời gian vào việc sử dụng bao cao su".

Angella Ankunda, một gái mại dâm ở Wakiso, cách Kampala khoảng 10km cho biết, bao cao su cho nữ giới dài 17cm "quá lớn và đáng sợ". Gái mại dâm Anthony nói, "phụ nữ thích sử dụng thuốc tránh thai hơn là bao cao su. Có phụ nữ nói rằng, họ thà bị HIV/AIDS hơn là mang thai".

Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm HIV trong số những người hành nghề mại dâm ở Uganda là 37%, những người đồng tính nam là 13%. "Chúng tôi đã cố gắng thúc đẩy việc sử dụng bao cao su nữ trong số gái mại dâm nhưng nhu cầu và sự tiếp nhận vẫn còn thấp. Rất ít gái mại dâm sử dụng chúng, thậm chí nhiều người không biết nó trông như thế nào", Daisy Nakato, Giám đốc điều hành của Wonetha, một tổ chức bảo vệ quyền lợi của gái bán dâm ở Uganda nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.