Cuộc chiến tìm lại “kho báu quốc gia” bị đánh cắp ở Iraq

Chủ Nhật, 21/07/2019, 15:19
Hàng thập kỷ chiến tranh và tình hình bất ổn đã biến Iraq thành “thiên đường của nạn trộm cắp cổ vật”. Ngành bảo tàng và nhiều chuyên gia khảo cổ của nước này đang “chiến đấu” để tìm lại kho báu của đất nước.


Nỗ lực tìm lại hào quang đã mất

Wafaa Hassan ngồi làm việc trong một căn phòng nằm phía sau Bảo tàng quốc gia Iraq ở Baghdad. Cô là một nhà khảo cổ học, người đứng đầu bộ phận tìm kiếm, phục hồi các cổ vật của bảo tàng. Thời gian qua, cô cùng các đồng nghiệp đã tìm kiếm được hàng chục ngàn cổ vật bị cướp bóc từ Iraq và được các nhà sưu tập tư nhân mua lại.

Wafaa Hassan thở dài, lật từng trang tập tài liệu lớn trong đó là danh mục các cổ vật được phát hiện ở Iraq và hiện đang nằm rải rác trên khắp thế giới. “Những cổ vật này có thể đang ở Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Lebanon, UAE, Tây Ban Nha và nhiều nơi khác. Tất cả thuộc về chúng tôi và chúng tôi đang cố gắng hết sức để lấy lại”, Hassan nói.

Wafaa Hassan có niềm đam mê và luôn trăn trở với các di tích lịch sử quốc gia.

Việc buôn bán và phục hồi các cổ vật của Iraq được ví như trò chơi “mèo vờn chuột” đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Vùng biên giới của đất nước là khu vực khảo cổ quan trọng nhất trên thế giới. Mesopotamia, vùng đất nằm giữa sông Tigris và Euphrates là nơi nền văn minh được sinh ra, nơi xây dựng những thành phố đầu tiên, những từ đầu tiên được viết và những đế chế đầu tiên trỗi dậy và sụp đổ.

Chiến tranh và sự bất ổn đã kiến Iraq rơi vào tình trạng “chảy máu cổ vật”. Các nhà khảo cổ châu Âu thường xuyên vận chuyển những cổ vật mà họ phát hiện được về nước vào đầu thế kỷ 20. Khai thác cổ vật bất hợp pháp diễn ra phổ biến dưới thời cựu Tổng thống Saddam Hussein, đặc biệt là sau Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên.

Vào ngày 10/4/2003, Bảo tàng quốc gia nơi Hassan làm việc đã bị cướp phá nghiêm trọng. Hơn 15.000 cổ vật đã bị đánh cắp, từ những con dấu hình trụ nhỏ xíu đến bức tượng không đầu của vua Sumer Entemena. Đây được coi là một trong những tội ác lớn nhất từng xảy ra đối với di sản văn hóa. “Đó là điều khiến tôi rất buồn. Bảo tàng quốc gia đã bị phá hủy hoàn toàn”, Hassan nói. Bảo tàng mở cửa trở lại vào năm 2015 như một cái bóng của chính mình trước đây.

Khi bước vào giai đoạn khôi phục đầu tiên, một thảm họa khác đã xảy ra. Năm 2014, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chiếm một phần ba đất nước, bao gồm hàng ngàn địa điểm khảo cổ và bảo tàng. Chúng phá hủy nhiều bức tượng vô giá và buôn lậu phần còn lại để tài trợ cho hoạt động khủng bố. Ước tính, ở thời kỳ đỉnh cao của quyền lực, IS kiếm được 80 triệu bảng Anh mỗi năm thông qua việc bán cổ vật bị đánh cắp trên thị trường chợ đen.

Một trận chiến khó khăn chưa có hồi kết

Hassan có niềm đam mê và luôn trăn trở với các di tích lịch sử quốc gia. Mỗi ngày, cô đến sảnh bảo tàng hai lần để nói chuyện với du khách và giải thích chi tiết ý nghĩa lịch sử của từng cổ vật. “Chúng tôi là một đất nước có lịch sử phong phú, rất nhiều người cổ đại sống ở đây. Nếu bạn đến Babylon, bạn sẽ thấy đầy dấu vết khảo cổ như những bông hoa nở trên mặt đất”, Hassan nói.

Trên bức tường phía sau bàn làm việc của Hassan là một tấm bảng với dòng chữ “Danh sách đỏ”. Trên đó là rất nhiều hình ảnh của những món đồ cổ bị thiếu mà cô đang cố gắng tìm kiếm. Trong số đó có viên đất sét với chữ viết có niên đại cách đây khoảng 3.500 năm và một hình trụ có tên của vua Assyria Ashurbanipal từ Babylon, thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.

Hassan và nhóm cộng sự gồm 7 người “lùng sục” trên mạng để truy tìm tung tích các cổ vật đã bị đánh cắp. Với mỗi cổ vật được phát hiện sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Nếu cổ vật đang được trưng bày tại các bảo tàng ở nước ngoài, Hassan sẽ tham mưu sử dụng biện pháp ngoại giao để lấy lại. Với cổ vật đang được các nhà sưu tập tư nhân giữ thì phải có cách tiếp cận khác, chẳng hạn như đấu giá để mua lại.

Hassan cho biết, do đặc thù công việc, cô tiếp xúc và nhận được sự hợp tác tích cực của các chính phủ, lực lượng cảnh sát, nhà sưu tập, bảo tàng và Đại sứ quán khắp nơi trên thế giới. “Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là hầu hết công việc đều được điều hành từ văn phòng. Tôi không thể đi xem thực tế nhiều cổ vật. Đôi khi, chúng tôi phải để lại vật phẩm vì không đủ tiền”, Hassan nói.

Hassan cho biết, bất kể có bao nhiêu cổ vật được phục hồi, cô và các cộng sự vẫn phải đối mặt với một trận chiến khó khăn. Sự cướp bóc các báu vật lịch sử ở Iraq chưa kết thúc. Có hơn 10.000 địa điểm khảo cổ quan trọng trên cả nước và chỉ có 10% được khai quật. Các cuộc khai quật khảo cổ bất hợp pháp đang diễn ra là mối đe dọa lớn nhất đối với các cổ vật ở Iraq hiện nay.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.