Cuộc chiến ly hôn "mì ăn liền" của phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ
- Tranh cãi về ý tưởng cho phép nữ nhân viên cảnh sát mặc trang phục Hồi giáo
- Cấm mặc đồ bơi Hồi giáo vì sợ liên quan đến… khủng bố
Ly hôn "thần tốc"
Shayara Bano, một phụ nữ 35 tuổi ở bang Uttar Pradesh kể lại rằng, năm ngoái, cô nhận được lá thư bất thường từ chồng. Anh ta cáo buộc cô lấy đồ trang sức, tiền bạc của gia đình, đến sống với người họ hàng mà không xin phép. Vì những lý do này mà người chồng không muốn sống với vợ dù hai người đã kết hôn được 13 năm.
Phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ đang bị ám ảnh bởi quy định ly hôn theo kiểu "mì ăn liền". |
"Bức thư kết thúc bằng một câu duy nhất, lặp đi lặp lại ba lần: Ly hôn. Ly hôn. Ly hôn", Shayara Bano nói. Sau khi tuyên bố ly hôn, chồng Bano đã trả cho cô 225 USD và vợ không được phép gặp hai con nhỏ.
Shayara Bano là một trong số không ít phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ đã bị chồng bỏ mà trước đó không nhận được bất kỳ thông tin ly hôn nào từ người chồng. Theo quy định "Talaq-ul-Bidat" hay còn gọi là "triple talaq" trong Hồi giáo, người đàn ông được phép ly dị vợ ngay lập tức.
Vào tháng 4-2015, Ishrat Jahan nhận được thông báo ly hôn qua điện thoại. Chồng cô gọi từ Dubai, lặp đi lặp lại cụm từ: "Ly hôn. Ly hôn. Ly hôn" rồi dập máy. Hai người đã kết hôn được 15 năm, từ khi Jahan mới 14 tuổi. Sau khi ly hôn, Jahan không được phép gặp bốn người con của mình.
"Tôi muốn được gặp các con, muốn lấy lại ngôi nhà mà bố mẹ cho tôi. Tôi muốn công lý vì ly hôn qua điện thoại không tồn tại", Jahan nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Afreen Rehman, 25 tuổi còn nhận được thông báo ly dị "lạnh lùng" hơn nhiều.
Chồng cô đã gửi cho cô một bức email thông báo rằng, hôn nhân của hai người đã kết thúc. Afreen Rehman lấy chồng nhờ một dịch vụ mai mối hôn nhân trực tuyến và kết hôn sau hai năm làm quen.
Cuộc đấu tranh đòi công lý
Bano đã quyết định nộp đơn lên Tòa án Tối cao Ấn Độ đòi công lý cho mình và những phụ nữ Hồi giáo như cô. Theo quy định của luật pháp Ấn Độ, một người có thể nộp đơn trực tiếp đến Tòa án Tối cao khi quyền cơ bản của con người (quyền được Hiến pháp bảo vệ) bị xâm phạm.
Trường hợp của Bano được coi là đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong xã hội. "Đàn ông có quyền đùa giỡn với cuộc sống phụ nữ, mặc dù Kinh Qur'an không cho phép điều này", Bano nói.
Nhiều giáo sĩ Hồi giáo ở Ấn Độ nhấn mạnh, các cơ quan tư pháp Ấn Độ không có quyền giải thích các văn bản tôn giáo của họ. Những giáo sĩ này cho rằng, sự tốn kém tiền bạc và thời gian của việc ly hôn ở tòa án có thể "làm nản lòng nam giới, dẫn nam giới đến những hành động bất hợp pháp, thậm chí trở thành tội phạm giết người".
Phụ nữ Hồi giáo đang chờ đợi phán quyết từ Tòa án tối cao Ấn Độ. |
Cũng theo quan điểm này, nếu phụ nữ Hồi giáo có quyền bình đẳng trong việc ly hôn thì tỷ lệ ly hôn sẽ tăng đột biến như ở các quốc gia phương Tây.
Trước những phản ứng từ các giáo sĩ, nhà hoạt động nhân quyền Farah Faiz lập luận, đó là những ý kiến "không có tư cách pháp nhân hay tôn giáo". "Trong thực tế, theo lời dạy của Kinh Qur'an, cặp vợ chồng trước khi ly hôn phải có nhiều tháng hòa giải.
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà lãnh đạo tôn giáo không tuân thủ theo lời dạy đó", Farah Faiz nói. Gần hai thập kỷ qua, Faiz đã làm việc với nhiều gia đình Hồi giáo ở các cộng đồng nghèo, nơi không ít phụ nữ bị chồng bỏ thông qua "triple talaq".
Cô cũng đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao yêu cầu bãi bỏ quy định này. "Phụ nữ Hồi giáo đang bị mắc kẹt "trong lồng" với những người đàn ông. Nhiều phụ nữ không dám công khai ủng hộ tôi nhưng tôi hy vọng, cuộc đấu tranh này sẽ mang lại hiệu quả tích cực", Faiz nói.
Bano cho biết, sự thay đổi có lẽ rất khó khăn nhưng cô cũng đã có lý do để hy vọng. "Đối thủ của chúng tôi là một lực lượng khá mạnh. Mặc dù tin tưởng vào phán quyết của Tòa án Tối cao nhưng tôi cũng lo ngại vì quan điểm của Hội đồng Hồi giáo rất kiên quyết.
Họ không muốn đàn ông Hồi giáo bị mất đi quyền lực", Bano nói. Một tuyên bố của Tòa án hôm thứ sáu tuần trước cho biết, không có lý do gì để từ chối phụ nữ thực hiện quyền được hiến pháp bảo vệ.
Được biết, ít nhất 22 quốc gia có số lượng người Hồi giáo lớn như Pakistan, Bangladesh đã không chấp nhận ly hôn kiểu "triple talaq". Tuy nhiên, quy định này vẫn tồn tại ở Ấn Độ, nơi mà Ấn Độ giáo chiếm ưu thế.