Công nghệ ADN chống tội phạm đời sống hoang dã
- Sát thủ bí ẩn lộ diện sau 126 năm nhờ công nghệ ADN
- Công nghệ ADN giúp giải quyết những vụ án liên quan đến động vật
Một phòng thí nghiệm mới ở thủ đô Bangkok của Thái Lan - được trang bị đầy đủ có nhiệm vụ thu thập ADN từ ngà voi, sừng tê giác và da hổ - có những nỗ lực đáng khích lệ này. Mục đích cao quý của phòng thí nghiệm là "cung cấp bằng chứng về mối liên hệ giữa nạn nhân và nghi phạm để truy tố", theo các nhà khoa học của phòng thí nghiệm.
Nhu cầu đang tăng về các bộ phận động vật được cho là có giá trị văn hóa và y học đã đẩy giá lên cao đồng thời kích thích bọn săn trộm và buôn lậu hủy hoại đời sống hoang dã.
Các nhóm bảo tồn đời sống hoang dã cho biết việc giết hại voi, tê giác và hổ cùng với các loài đang bị đe dọa khác, đã tăng đến mức báo động và chỉ có một chiến dịch phối hợp quy mô và tinh vi mới có thể giúp ngăn chặn kịp thời được thảm họa này. Đó là nhận định của CITES - Công ước chống lại hoạt động khai thác, buôn bán các loài động-thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng được ký kết năm 1973.
Phòng thí nghiệm đặc biệt đang nói đến - tọa lạc bên trong tòa nhà Cơ quan quản lý Các công viên quốc gia của Thái Lan (DNP) - được thành lập với sự ủng hộ nhiệt tình của tổ chức bảo vệ đời sống hoang dã ASEAN-WEN, một tổ chức bảo vệ môi trường địa phương.
Tiến sĩ Kanita Ouitavon - nữ giám đốc Phòng thí nghiệm thuộc Ban pháp y đời sống hoang dã (WIFOS) của DNP - cho biết các mẫu bộ phận động vật đầu tiên được phân tích ADN để từ đó một ngân hàng dữ liệu gene từ các loài hoang dã của Thái Lan sẽ được thành lập. Phòng thí nghiệm của Kanita Ouitavon được gọi tắt là DNP-WIFOS.
Kanita Ouitavon trình bày: "Công nghệ mới rất cần thiết cho nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Nhờ ngân hàng dữ liệu mà chúng tôi có thể tìm thấy các loài hay phân loài hoặc thậm chí biết được về mối quan hệ dòng giống, nguồn gốc, nơi chúng bị khai thác.
Lĩnh vực kinh doanh bất hợp pháp đời sống hoang dã không cần đầu tư nhiều mà lợi nhuận lại béo bở cho nên nó đã thu hút không ít người sẵn sàng phạm tội. Do đó, Phòng thí nghiệm của chúng tôi là công cụ hữu ích để chống lại tình trạng kinh doanh trái phép này. Sử dụng ADN có thể chứng minh mối liên hệ giữa các nghi phạm và động vật hoang dã".
Phòng thí nghiệm, với 10 thành viên, nhận các mẫu vật vào mỗi ngày trong đó bao gồm các đoạn ngà voi, sừng tê giác, toàn bộ lớp da hổ và các mảnh da lông và xương từ các loài vật khác.
Mỗi một mẫu sau đó được phân loại, chụp ảnh trước khi tiến hành quy trình xét nghiệm ADN. Đối với các bộ phận động vật bên ngoài Thái Lan, chúng sẽ được kiểm tra căn cứ theo ngân hàng dữ liệu quốc tế. Do đó, nữ tiến sĩ Kanita Ouitavon thừa nhận đội chuyên gia của bà rất cần đến sự kiên nhẫn.
Các mẫu vật được xét nghiệm ADN trong Phòng thí nghiệm. |
Các băng nhóm tội phạm thường cố gắng lôi kéo sự tham gia từ bên trong các tổ chức chính quyền - ví dụ như các sĩ quan cảnh sát trong Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan thường bị buộc tội ăn hối lộ trợ giúp bọn kinh doanh động vật hoang dã trái phép hay thậm chí dính líu đến các đường dây tội phạm này.
Nữ tiến sĩ Kanita Ouitavon công khai về những thách thức mà bà phải đối mặt: "Ngay từ đầu chúng tôi đã biết rất rõ những người đứng đàng sau hoạt động kinh doanh động vật hoang dã trái phép chính là những nhân vật có thế lực và ảnh hưởng. Nhưng, bất chấp tất cả, chúng tôi vẫn nỗ lực làm việc để chống lại tội ác".
Giới chức hải quan cũng thừa nhận chính quyền Thái Lan nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động buôn lậu động vật hoang dã diễn ra trong nhiều năm dài cho nên từ đó nước này trở thành "con đường trung chuyển" giữa châu Phi và Trung Quốc.
Nhưng, họ nhấn mạnh rằng hiện nay công tác thu thập thông tin tình báo đã giúp thắt chặt hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát với sự hợp tác tốt hơn từ các tổ chức quốc tế như là World Customs Union đồng thời các máy X-quang được tăng cường thêm để kiểm tra hàng hóa.
Hiện nay, thay vì chuyển hàng trực tiếp từ châu Phi theo đường hàng không đến Thái Lan, bọn buôn lậu đi theo đường vòng tức là bay qua Vùng Vịnh hay châu Âu để tránh bị nghi ngờ. Nhưng, với hơn 70 chuyến bay chở hàng hóa hạ cánh xuống Bangkok mỗi ngày, việc kiểm tra kỹ càng toàn bộ là điều không thể.
Trong khi đó lực lượng cảnh sát lại không có bất cứ sự trợ giúp nào cho hải quan sân bay. Mary Rice ở Cơ quan Điều tra Môi trường, một tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên trách vấn đề chống tội phạm đời sống hoang dã, cho biết những nỗ lực hợp tác quốc tế cũng gặp vấn đề do thiếu ý chí chính trị. Mary Rice cũng báo cáo hiện nay nạn săn trộm diễn ra rất mạnh và số lượng voi cũng giảm đi theo từng ngày.
Theo nhận định của Mary Rice, khoa học pháp y có thể là một phần trong cuộc chiến bảo vệ các loài động vật quý hiếm song điều quan trọng trước tiên là các chính quyền phải kiên quyết hành động để xóa sổ loại tội phạm này.