Con số đáng báo động về nạn buôn người

Chủ Nhật, 20/01/2019, 20:07
"Trẻ em hiện chiếm 30% trong tổng số nạn nhân của tội phạm buôn người, trong đó số lượng bé gái nhiều hơn bé trai", đây là kết quả nghiên cứu của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) công bố hôm 7-1.


Giám đốc điều hành UNODC Yury Fedotov cảnh báo, hoạt động buôn người đã diễn biến phức tạp, trong đó các nhóm vũ trang và những kẻ khủng bố thậm chí còn sử dụng buôn người để gieo rắc nỗi sợ hãi, tập hợp các nạn nhân cho quá trình tuyển mộ tân binh.

Ông Yury Fedotov còn nhấn mạnh, báo cáo kể trên cho thấy cộng đồng quốc tế cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ tất cả các quốc gia để bảo vệ nạn nhân và đưa tội phạm ra trước công lý. Theo giới truyền thông, báo cáo của UNODC được đưa ra dựa trên số liệu cung cấp từ 142 quốc gia.

Khoảng 30% nạn nhân buôn người trên toàn thế giới là trẻ em.

Trước đó, UNODC cũng từng đưa ra cảnh báo - vẫn tồn tại "các vùng lớn" nơi những đối tượng buôn người không bị trừng phạt, dù con số nạn nhân của hành vi phạm tội này ngày càng tăng, từ bị lạm dụng tình dục tới bị buôn bán nội tạng. Riêng trong năm 2016, tổng số nạn nhân trong các vụ buôn người là 25.000 người, tăng hơn 10.000 người kể từ năm 2011.

Vẫn theo UNODC, trong giai đoạn 2014-2017, 100 vụ buôn người để bán nội tạng đã bị phát hiện, chủ yếu tại Trung Đông và Bắc Phi, trong khi các nước châu Âu, Trung và Nam Mỹ cũng ghi nhận những vụ tương tự. Và theo UNODC, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng gia tăng bởi những kẻ buôn người ít phải đối mặt với pháp luật.

Theo thống kê công bố hôm 7-1 của UNODC, số nạn nhân của tội phạm buôn người đã tăng đều đặn kể từ năm 2010, trong đó châu Á và châu Mỹ là những khu vực có số nạn nhân buôn người được phát hiện nhiều nhất.

Nhiều quốc gia ở châu Phi hạ Sahara, Nam Á và một số khu vực ở Đông Á chưa đủ năng lực để theo dõi sát và chia sẻ dữ liệu về nạn buôn người. Buôn người để phục vụ cho các hoạt động bóc lột tình dục là hình thức phổ biến nhất ở các nước châu Âu, còn ở châu Phi cận Sahara và Trung Đông, nạn buôn người liên quan tới lao động cưỡng bức.

Trong đó phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chủ yếu của hoạt động buôn người và phần lớn trong số này bị buôn bán để bóc lột tình dục. Riêng năm 2016, gần 60% trong tổng số vụ buôn người bị phát hiện là để lạm dụng tình dục.

Ngày 15-1, cảnh sát Italia đã tiến hành tổng cộng 14 vụ bắt giữ những nghi phạm nằm trong tổ chức buôn người từ Tunisia tới nước này qua con đường Sicilia. Một số nghi phạm bị bắt tại cảng Palermo khi đang chuẩn bị trốn sang Tunisia và mang theo số tiền mặt hơn 30.000 euro.

Đây là đường dây tội phạm xuyên quốc gia và tổ chức này bao gồm các thành viên trong một gia tộc và đứng đầu là tên Era Fadhel Moncer. Trước đó (14-8-2018), Europol từng khuyến cáo, châu Âu vẫn phải đương đầu với vấn nạn buôn bán trẻ em.

Khi đó, đại diện Europol cho biết, 51 trong tổng số 123 nạn nhân được phát hiện trong chiến dịch chống buôn bán người, diễn ra ở châu Âu trong tuần đầu tiên của tháng 7-2018 là trẻ em, trong đó có 1 nạn nhân mới 2 tuổi. Những trẻ em kể trên bị bóc lột sức lao động, ép phải ăn xin và lạm dụng tình dục.

Đại diện Europol còn thông báo, cơ quan chức năng đã bắt 24 đối tượng với tội danh buôn bán người và 61 đối tượng với các tội danh khác. Trong số 61 đối tượng kể trên có 44 tên bị bắt tại Anh với tội danh cưỡng hiếp trẻ em, lạm dụng tình dục và nô lệ hiện đại.

Theo ông Adam Thompson, nhà quản lý cao cấp của Đơn vị chống buôn bán người và nô lệ hiện đại thuộc Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA), một số trẻ em bị buôn bán để lạm dụng tình dục, để sử dụng như một nguồn lao động giá rẻ hoặc bị ép buộc thực hiện các hành vi phạm tội khác. Hơn 10 ngày trước (2-1), đại diện NCA cho biết, đã bắt 2 nghi phạm tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Anh qua eo biển Anh.

Phó giám đốc điều hành NCA Tom Dowdall từng khuyến cáo các hãng truyền thông xã hội lớn nên sử dụng "sức mạnh bộ não" của họ vào việc chống lại hoạt động phi pháp của các tổ chức buôn người.

Theo ông Tom Dowdall, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển người di cư trái phép đã khai thác Facebook để thực hiện những giao dịch trị giá gần 7,9 tỷ USD/năm. Hơn 1 năm trước (9-1-2018), cảnh sát Anh từng bắt 9 người đàn ông vì bị tình nghi buôn bán, cưỡng bức phụ nữ.

Và họ bị bắt trong chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán, lạm dụng phụ nữ và khoảng 150 cảnh sát tham gia chiến dịch này. Trước đó (20-10-2017), Europol đã phối hợp với Interpol và Tổ chức Cảnh sát biên giới bắt 74 đối tượng buôn người, giải cứu 34 trẻ vị thành niên và 1.072 người là nạn nhân của chúng.

Mạnh Phong
.
.
.