Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ bị cáo buộc vì nghe lén điện thoại

Thứ Ba, 05/05/2015, 09:00
Bê bối gián điệp của Chính phủ Mỹ đã trở nên "phổ biến" kể từ sau vụ khủng bố lịch sử 11/9. Tuy nhiên, một vụ cáo buộc diễn ra vừa qua cho thấy, Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) đã giám sát điện thoại của hàng triệu công dân Mỹ gần một thập kỷ trước khi cuộc tấn công vào tòa tháp đôi xảy ra.

"Âm thầm" theo dõi cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ

Kết quả điều tra của Tờ USA Today cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ và DEA đã ghi âm các cuộc gọi điện thoại quốc tế từ Mỹ trong hơn hai thập kỷ qua để phục vụ công tác. Theo đó, có thể hàng triệu công dân Mỹ là nạn nhân của nghe lén, bất kể họ có là nghi phạm hay không. Hàng chục quan chức tình báo Mỹ trước đây và hiện nay đã tiết lộ về hoạt động nghe lén của Bộ Tư pháp Mỹ với điều kiện nặc danh.

Được sự phê chuẩn của những quan chức cao cấp trong Chính phủ, DEA đã thu thập dữ liệu tất cả các cuộc gọi từ Mỹ đến 116 quốc gia có liên quan đến buôn bán ma túy. Hoạt động này diễn ra từ năm 1992 trong thời gian Tổng thống George H.W.Bush cầm quyền. Đây được coi là "nỗ lực" đầu tiên của Chính phủ Mỹ trong việc thu thập thông tin về công dân Mỹ trên quy mô lớn, đồng thời cũng là "mô hình" của hệ thống giám sát quy mô lớn mà cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện sau này. Mặc dù chương trình đã bị đình chỉ vào năm 2013, nhưng nó có thể đã được khởi động lại dưới một số hình thức khác.

DEA trong một đợt diễn tập ở Quantico, bang Virginia.

Theo nhận định của Global Post thì sở dĩ DEA theo dõi các cuộc gọi quốc tế là do tội phạm buôn bán cocaine, crystal meth, heroin hay cần sa vào Mỹ đều cần phải "thảo luận" kỹ lưỡng với đồng bọn ở nước ngoài. Tội phạm thường xuyên gọi điện để trao đổi công việc, kiểu như cách vận chuyên ma túy như thế nào, ngụy trang ra sao để không bị phát hiện.

Trùm ma túy người Jamaica Christopher "Dudus" Coke đã bị kết án bởi một tòa án ở New York vào năm 2012 cũng nhờ các cơ quan chức năng theo dõi được cuộc gọi của "Dudus"  từ Jamaica đến Mỹ. Việc bắt giữ băng nhóm ma túy La Familia của Mexico vào năm 2009 cũng là kết quả của việc theo dõi qua điện thoại. Thành viên của băng nhóm La Familia ở các thành phố Dallas, Chicago đã trao đổi rất nhiều qua điện thoại.

Theo báo cáo của USA Today, DEA mở rộng chương trình giám sát điện thoại với sự giúp đỡ từ Lầu Năm Góc. Cuộc gọi từ Mỹ đến hơn 100 quốc gia có thể là mục tiêu như Mexico, Colombia, Afghanistan, Italia, Pakistan và Canada.

Những nạn nhân vô tội

Những cáo buộc bê bối nghe lén của DEA đã được gửi đến tòa án California vào tuần trước. "Các cuộc gọi điện thoại của bạn ra nước ngoài có thể đã bị cuốn trong "mẻ lưới đánh cá" đó. Đây là loại hình giám sát hàng loạt người vô tội, không phù hợp với quyền được quy định trong hiến pháp dân chủ của chúng tôi", Dinah PoKempner, cố vấn của tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) nói với GlobalPost.

DEA cho rằng, cơ quan này chỉ theo dõi chi tiết các cuộc gọi sau khi đã xác minh thông tin về số điện thoại, thời gian cuộc gọi, cách trả tiền. Tuy nhiên, theo HRW thì những gì diễn ra không như vậy. "Chính phủ Mỹ có liên hệ với các chính phủ khác và chúng tôi không biết họ đã thu thập những thông tin gì", PoKempner nói. PoKempner cho biết thêm, nhiều công dân vô tội đã trở thành nạn nhân của chương trình giám sát này.

Quan chức của HRW cho biết, mục đích tố cáo chương trình nghe lén của DEA là buộc Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra phán quyết chính xác rằng, chương trình nghe lén đã được chấm dứt và sẽ không được khởi động lại dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, HRW cũng muốn các cơ quan chức năng xóa tất cả những thông tin nghe lén đã được lưu trữ. Tòa án California có thể chấp thuận khiếu kiện và đưa vụ việc ra trước công lý trong thời gian tới. "Chúng tôi cần phải thiết lập một tiền lệ rõ ràng về những gì thuộc về quyền của con người cần được bảo đảm và giới hạn hoạt động của các cơ quan chính phủ", PoKempner nói.

Chính phủ Mỹ từ chối bình luận về những cáo buộc

Bộ Tư pháp Mỹ cũng như DEA chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về vụ việc. "Chúng tôi từ chối bình luận những vụ việc đang tranh chấp", phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ trả lời câu hỏi của phóng viên GlobalPost qua email. Thomas Constantine, một cựu quan chức của DEA nói rằng, các thông tin thu thập được từ việc nghe lén điện thoại đã cung cấp "một kho thông tin rất quan trọng về thế giới ngầm buôn bán ma túy". 

Tuy nhiên, một cựu nhân viên cao cấp khác của DEA nói với GlobalPost rằng, chương trình nghe lén không phải là phần quan trọng của cuộc điều tra vì hầu hết các trường hợp, các nhân viên của DEA thu thập thông tin nghi phạm thông qua các nhân viên bí mật.

P. Tường (tổng hợp)
.
.
.