Chuyện kể thêm quanh vụ Kennedy bị ám sát

Thứ Tư, 23/11/2016, 11:06
Brian Lattel, cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa viết một cuốn sách, kể chuyện cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro biết trước vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy năm 1963.


Trong cuốn sách “Những bí mật của Castro, CIA và cỗ máy tình báo Cuba”, Lattel kể lại chuyện vào sáng 22-11-1963, Fidel ra lệnh cho Florentino Aspillaga (một cựu quan chức của Cơ quan Tình báo Cuba-DGI) ngưng nghe lén các cuộc liên lạc radio của CIA, để tập trung “vào từng chi tiết nhỏ nhất từ Dallas”. 

Hôm ấy, Tổng thống John Mỹ F. Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jackie thăm thành phố Dallas (bang Texas) và ông bị bắn chết ngay trên xe diễu hành. Khoảng 3 giờ sau, Aspillaga bị sốc khi báo cáo vụ ám sát. Năm 1987, ông ta trốn qua Mỹ, Lattel đã tìm gặp và được nghe ông ta nói: “Castro biết trước Kennedy sẽ bị giết”.

Oswald đòi giết Kennedy

Lattel còn viết rằng theo báo cáo của đặc vụ Cảnh sát liên bang Mỹ (FBI) Jack Childs được cài sâu vào Đảng Cộng sản Mỹ, và cho biết nhiều chi tiết chung quanh vụ ám sát này.

Chẳng hạn, tháng 9 và 10-1963, khi bị Sứ quán Cuba tại Mexico không cấp visa thăm Cuba, Oswald nói sẽ giết Kennedy để chứng tỏ hắn ghét chính quyền Mỹ. Childs kể Fidel được báo cáo vụ này: “Oswald xộc vào Sứ quán, xin cấp visa và khi bị từ chối đã hét: “Ta sẽ giết Kennedy cho mà xem!”.

Theo tài liệu của CIA được giải mật, ngày 1-1-1962, người Cuba còn làm lễ khiêng quan tài giả của Kennedy. Oswald từng bỏ ngũ lính thủy đánh bộ Mỹ năm 1959 để trốn qua Liên Xô, nơi hắn muốn từ bỏ quốc tịch Mỹ và lấy một cô gái Nga làm vợ.

Cô này có bác ruột là đại tá tình báo Liên Xô. Đến năm 1963, Oswald trở lại Mỹ và nhiều lần một mình biểu tình công khai ủng hộ Cuba. Hắn cũng phản kháng với những kẻ chống Cuba. CIA theo dõi hắn và phát hiện hắn từng ra vào Sứ quán Cuba và Sứ quán Liên Xô tại Mexico nhiều lần (từ ngày 27-9 đến ngày 2-10-1963) để xin visa….

“3 phát vào mặt”

Năm 1964, một tay DGI đào ngũ khác là Vladimir Rodriguez Ladera, nói Sứ quán Cuba tại Mexico là “sân chơi chính” để Cuba do thám Mỹ và khu vực Mỹ La tinh, nên tất cả các thông tin nhỏ nhất đều được báo về Fidel.

CIA nghe lén Sứ quán này và biết các quan chức DGI nói chuyện với nhau về một chi tiết bất ngờ: họ biết rõ lý lịch Oswald chỉ vài giờ sau vụ ám sát, khi chưa có nhiều thông tin trên báo chí.

Một trong những người nói chuyện là Luisa Calderon, nữ nhân viên DGI khoảng 20 tuổi và xinh gái, nói thạo tiếng Anh do từng sống ở Miami với gia đình trong những năm 1950.

Bốn giờ sau vụ ám sát Kennedy, cô nhận cú điện thoại của một điệp viên DGI hỏi cô có biết chuyện gì xảy ra ở Dallas không và cô đáp “Biết chứ”. Họ tiếp tục “nói chuyện” và người bên kia đầu dây xác nhận Oswald nói thạo tiếng Nga, từng viết thư cho Fidel  xin gia nhập lực lượng vũ trang Cuba năm 1959.

Calderon còn khen “hoàn hảo” với một người gọi khác, khi đầu dây bên kia nói “3 phát vào mặt”, rồi cô bảo “Đây là một tin vui” sau đó cười vui với tin vợ và em của Kennedy cũng bị thương (thực tế không phải vậy).

Lattel nêu những sự việc này cho thấy DGI có lập hồ sơ về Oswald và biết rất rõ về người này. Cuốn sách được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên về hoạt động tình báo của Cuba. Lattel từng là nhà phân tích tình hình Nam Mỹ cho CIA trong những năm 1960, là giảng viên cấp cao về Cuba của Đại học Miami. Ông ta khoe phát hiện các thông tin trên từ những cuộc phỏng vấn các cựu quan chức DGI, cộng với các tài liệu của CIA, FBI, Lầu Năm Góc giải mật.

Ông ta nói với báo Miami Herald: “Tôi không nói Castro ra lệnh ám sát, không nói Oswald bị ông ấy kiểm soát. Vì không thể tìm ra chứng cớ. Nhưng những gì tôi viết là dựa theo các tài liệu và các nguồn tin có ghi âm. Liệu Fidel có muốn Kennedy chết? Có. Ông ấy biết Kennedy muốn khử ông ấy. Có thể Fidel nghĩ ông ta nên tự vệ”.

Đáp lại, Fidel tuyên bố “lạnh lưng” với một nhà báo Mỹ hồi tháng 9-1963: “Các lãnh đạo Mỹ nên nghĩ rằng nếu họ giúp bọn khủng bố ám sát lãnh đạo Cuba, chính họ cũng sẽ không được an toàn”.

Trong bối cảnh đó, những năm 1960, Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng. Mỹ sợ cuộc cách mạng của Cuba sẽ giúp Liên Xô có thế đứng ở Tây bán cầu, nên đã ủng hộ kế hoạch xâm lược “Vịnh con heo” của đám người Cuba lưu vong. Nhưng vụ này bị đập tan ngay khi đổ bộ vào lãnh thổ Cuba.

Tiếp đó, Liên Xô cho đưa tên lửa hiện đại tới Cuba. Mỹ lo sợ, thổi phồng nguy cơ Thế chiến 3 trong suốt hai tuần, trước khi Kennedy xuống nước thỏa thuận và Liên Xô rút dàn tên lửa.

(Còn tiếp)

Kim Hương
.
.
.