“Chuột nước” hoành hành vùng Amazon

Thứ Sáu, 16/12/2016, 11:46
“Chuột nước”- tiếng lóng Cảnh sát Brazil gọi bọn cướp đường sông - rất rành địa bàn, con nước, dòng chảy, địa hình, các sông này, có thể dùng xuồng cao tốc để lẩn nhanh vào các ngôi làng hẻo lánh ven sông. Chuột nước hoành hành ở vùng sông Amazon, nơi dân cư đông đúc, nơi bọn buôn lậu ma túy tăng hoạt động.


Cướp đường sông là tai họa

Những vụ cướp đường sông đáng báo động ngày càng tăng, khớp với sự thay đổi nhanh chóng của khu vực. Sông Amazon ở Brazil có gần 25 triệu dân, riêng ở Manaus có 2 triệu người.

Dân số khu vực tăng 22% từ năm 2000 đến 2010, theo kết quả điều tra dân số. nhưng Amazon cũng là một trong những vùng địa lý nghèo nhất Brazil, các tổ chức tội phạm mọc như nấm, tạo nên tình trạng phi pháp luật ở vùng chậu rộng lớn. Ở các làng ven sông hẻo lánh, cư dân phàn nàn tàu cảnh sát hiếm khi dám đi vào các nước xảy ra nhiều vụ cướp đường sông.

Bọn “Chuột nước” đã hoành hành trên dòng Amazon từ nhiều năm trước. Nổi tiếng nhất là vụ bọn cướp bắn chết Sir Peter Blake, nhà vô địch thế giới đua thuyền buồm người New Zealand: năm 2001, chúng xông lên chiếc thuyền buồm “Sói biển” của ông để cướp và đánh các thuyền viên. Blake ráng dùng tay đánh một tên cướp nhưng ông chết vì bị bắn vào ngực.

Cảnh sát quân sự tuần tra trên sông Amazon. 

Ngày nay, khi có nhiều mục tiêu để tấn công hơn, nhiều bọn tội phạm dính líu, các công ty tàu sông cảnh báo nạn giang tặc ngày càng tàn nhẫn hơn, trang bị tân kỳ hơn. Trong một vụ cướp năm nay, Cảnh sát bang Amazonas bắt được tên cướp José Conceiço de Souza. Hắn khai đã giết hai tên buôn lậu ma túy Colombia, cướp số ma túy mà bọn này dùng tàu sông để đưa tới thành phố Manaus (Brazil).

Ông Galdino Alencar, Chủ tịch Hội Tàu sông bang Amazonas nói bọn giang tặc ngày càng nhắm vào tàu chở hàng lớn đến các vùng dân cư ở dọc sông Amazon, gồm các mặt hàng dầu ăn, thiết bị điện, xi-măng và thịt bò khô.

Nhưng chúng ưng nhất là dầu, vì dễ cướp và dễ bán cho thợ đào vàng hoạt động chui trong rừng Amazon. Ông Alencar cũng nói “Chuột nước” cũng nhắm vào tàu đậu ở các thành phố lớn như Manaus, để thúc đẩy đề nghị của Hiệp hội là lập một lực lượng cảnh sát đường sông cấp liên bang.

Chính quyền giải thích họ đã rất cố gắng. Ở thành phố Macap 370.000 dân (bang Amap, phía bắc Brazil) có tổ cảnh sát đặc nhiệm mặc cảnh phục rằn ri (thuộc một tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ môi trường 135 quân) thường xuyên tuần tra trên sông Amazon. Họ gọi bọn cướp đường sông là “Chuột nước”.

Trung tá Protsio Barriga Caldas là chỉ huy tiểu đoàn, nói: “Như bọn cướp xa lộ phục kích người đi đường bộ, cướp đường sông là tai họa mà chúng tôi phải đối mặt ở Amazon”.

Ông cho biết “Chuột nước” thường dùng tàu cao tốc chạy nhanh và cơ động hơn tàu thuyền đường sông. Và chúng thường đến từ các vùng nghèo, làng ven sông hẻo lánh, phục rình người chặt cưa gỗ vốn dựa vào tàu sông để mua lương thực, thăm gia đình hoặc đi khám bệnh ở các thành phố dọc sông Amazon.

Mất công chơi trò “mèo bắt chuột”

Thực tế là việc tuần tra dọc dòng sông khổng lồ để săn “Chuột nước” giống như một trò “mèo bắt chuột” vô ích. Đại úy Lima là chỉ huy một đội cảnh sát đặc nhiệm, nói: “Bắt bọn cướp đường sông cứ như chiến đấu với quân du kích. Chúng rành rẽ địa hình, dòng chảy, địa lý”.

Những vụ tấn công liên tục xảy ra, bọn cướp nhắm vào những con tàu khiến thuyền viên và hành khách hoảng vía. Hồi tháng 10 vừa qua, 4 tên cướp bịt mặt trang bị súng trường tấn công một tàu dầu, cướp đi một lượng dầu lớn cùng tiền mặt, đồng hồ đeo tay, quần áo của thuyền viên.

Cùng thời điểm, một toán  cướp bịt mặt xông lên một tàu khách, cướp tài sản của 260 hành khách, và chúng dùng một phụ nữ làm “lá chắn sống” trong vụ cướp này. Tháng 8-2016, cảnh sát công bố một đoạn video quay một tên của “Hải tặc sông Solimes” tra hỏi một đối thủ bên cạnh một xác chết, khiến cư dân ven sông sợ hãi khắp vùng chậu sông Amazon.

Trong một vụ khác gần thành phố Manaus, tên cướp Huederson Paulino có biệt danh “Người Mohican” thú nhận đã giết và chặt xác hai người đàn ông trên một con tàu bán đá lạnh và muối.

Đồng bọn của hắn cướp tiền mặt và dầu của nạn nhân, và tên trùm băng cướp mới 24 tuổi khai hắn cần tiền chi tiêu cho mùa Giáng sinh sắp tới. Hồi tháng 4-2016, 15 tên cướp xông lên tàu của thuyền trưởng Merinaldo Paiva, chĩa súng vào hành khách cướp đi tất cả tài sản của họ, sau đó nhảy lên tàu cao tốc và biến mất vào màn đêm.

Paiva thuộc sông Amazon từ nhỏ, nói: “Tất cả các thuyền trưởng đều biết mạng sống của mình chẳng là gì khi gặp chúng. Chúng tôi gặp may” và ông kể những vụ cướp khác mà cảnh sát bị hiếp dâm, tra tấn hoặc bị giết.

Trong một chuyến tuần tra hồi tháng 10, cảnh sát hỏi thăm một cụm dân cư gần Cảng Santana. Họ cho biết luôn phải sống trong nỗi sợ “Chuột nước”. Bà Odete Souza França nói: “Trên dòng Amazon làm gì có luật pháp”, và kể bọn cướp đã xông lên ca-nô của con trai bà, trói tay cậu và cướp thiết bị định vị toàn cầu GPS cùng một thùng dầu ăn.

Hai nhà thám hiểm Ba Lan Dawid Andres và Hubert Kisinski trong năm 2016 đã dùng xe đạp địa hình đi dọc sông Amazon, đối mặt với cá piranha ăn thịt cùng những xoáy nước, nhưng họ nói sợ nhất là khi gặp “Chuột nước 3 lần”. May nhờ khéo ăn nói mà họ thoát khỏi những tình huống “đắng lòng”.

Họ giải thích với đám cướp đeo kính đen tay lăm lăm súng bự rằng họ không có đồ vật giá trị nào, và đề nghị bọn cướp cùng uống bia để bớt căng thẳng, Kisinski nói: “Cuối cùng chúng phá cười. Ta nên tỉnh táo khi đối diện bọn cướp ở Amazon”.

Còn tiếp

Vĩnh Thụy (theo New York Times)
.
.
.