Chứng minh nhân dân giả, hiểm họa khôn lường !
Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các giao dịch dân sự, thể hiện trên các loại giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ khẩu, thẻ ngân hàng...
Đến thời điểm này, Bộ Công an đã triển khai việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) 12 số tại nhiều tỉnh, thành. CMND 12 số sẽ khắc phục được phần nào những sơ hở của CMND 9 số, trong đó có việc chống làm giả...
Thế nhưng, trong thời gian chờ triển khai rộng trong cả nước thì CMND 9 số vẫn có giá trị và cùng song song tồn tại; được sử dụng trong giao dịch hằng ngày. Loại CMND 9 số này được sử dụng từ năm 1976; sản xuất bằng phương pháp thủ công, dễ dàng bị các đối tượng làm giả để thực hiện hành vi phạm tội.
Không chỉ dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng còn sử dụng CMND giả để vay tiền tại các cửa hiệu cầm đồ, ký kết các hợp đồng kinh tế với nhiều tổ chức tín dụng và cá nhân... Cá biệt, nhiều đối tượng còn tráo người làm CMND giả để tìm việc làm hoặc làm hộ chiếu xuất cảnh sang nước ngoài.
Sử dụng CMND giả làm thẻ ATM
Việc các ngân hàng “chạy đua” về số lượng để giành thị phần khiến việc sở hữu một chiếc thẻ ATM giờ dễ dàng hơn trở bàn tay. Người có nhu cầu chỉ cần một chiếc CMND phô tô, cộng thêm một khoản phí là có thể nắm trong tay một tài khoản ngân hàng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã lập tài khoản bằng CMND giả để dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình phá án…
Vụ án xảy ra tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một điển hình. Cho đến thời điểm này, Công an quận phối hợp với ngành Ngân hàng đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ... song tung tích của đối tượng gây án vẫn còn là một ẩn số. Nguyên nhân của sự việc này là do kẻ lừa đảo đã lập tài khoản cá nhân bằng CMND giả.
Nạn nhân của vụ lừa đảo chiếm đoạt gần nửa tỷ đồng này là ông Đức kể lại: Khoảng 10 giờ ngày 25-4, ông nhận được cuộc gọi vào máy điện thoại cố định. Người gọi là một phụ nữ, tự xưng là nhân viên tập đoàn viễn thông VNPT cho biết gia đình ông có đăng ký một số điện thoại ở Tây Ninh, hiện đang nợ 8,9 triệu đồng tiền cước điện thoại...
Ông Đức phủ định những thông tin trên thì người phụ nữ chuyển điện thoại cho ông nói chuyện với một nam thanh niên tự xưng là Công an Tây Ninh. Người này yêu cầu ông Đức cung cấp lý lịch, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.
Ông Đức cung cấp thông tin hiện đang có sổ tiết kiệm số tiền 400 triệu đồng tại Ngân hàng PG Bank thì người này nói số tài khoản trên của ông Đức đang liên quan đến vụ mua bán trái phép chất ma túy mà anh ta đang điều tra và đề nghị ông Đức chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản số 0451000316644 của Ngân hàng Vietcombank.
Như một người mộng du, ông Đức rút tiền và ra Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hoàng Mai gửi toàn bộ số tiền 400 triệu đồng cho chủ tài khoản mang tên Hoàng Thị Trang. Một lúc sau, ông thấy nghi ngờ báo cơ quan Công an phối hợp với ngân hàng tiến hành phong tỏa tài khoản thì các đối tượng đã rút được già nửa số tiền. Đây chỉ là một trong những thủ đoạn, các đối tượng gây án lợi dụng CMND giả để thực hiện hành vi phạm tội.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Vũ Văn Tấn, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Hoàng Mai cho biết: Việc điều tra loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn do người bị hại không cung cấp được các thông tin liên quan đến nhân thân, lai lịch các đối tượng. Nếu có cung cấp được thì khi cơ quan Công an xác minh đều là các tên và địa chỉ không có thật trên CMND. Các số điện thoại đối tượng liên lạc với người bị hại thường gọi qua mạng Internet mà không phải thuộc mạng viễn thông nào, nếu có liên hệ qua mạng viễn thông thì thường là sim rác trả trước... Trong các vụ việc này, ngay khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng yêu cầu thì chúng sẽ rút ra để chiếm đoạt luôn.
Trung tá Tấn khẳng định: Hiện trên địa bàn quận Hoàng Mai xảy ra một số vụ việc, đối tượng gây án sử dụng CMND giả tương tự như trên... Trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, các đối tượng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ việc gọi điện thoại, rồi đưa ra các tình huống khác nhau như hiện đang nợ cước điện thoại, yêu cầu phải thanh toán.
Khi nhận được thông tin phản hồi từ phía các hộ gia đình là không có việc đăng ký thuê bao mới và nợ cước thì đối tượng này yêu cầu người nghe giữ máy điện thoại cố định và chuyển máy cho một đối tượng khác tự xưng là cán bộ Công an nói chuyện... Đối tượng đưa ra thông tin người bị hại có liên quan đến vụ án nào đó mà đối tượng đang thụ lý giải quyết. Nếu người bị hại có tài khoản ngân hàng hoặc sổ tiết kiệm tiền trong ngân hàng thì đối tượng yêu cầu chuyển tiền (chuyển tiền qua tài khoản hoặc rút tiền tiết kiệm và chuyển tiền trực tiếp) vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để cơ quan Công an quản lý. Người bị hại tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt...
Sử dụng CMND giả mua hàng trả góp
Đối tượng chủ mưu trong vụ án này là Nguyễn Thị Bích Hảo (SN 1984, ở tổ 14, đường Lãm Hà, phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng). Thủ đoạn của Hảo trong vụ án này rất tinh vi. Để có được các CMND, Hảo rêu rao rằng Hảo có thể giúp mọi người vay tiền ngân hàng. Sau đó, đối tượng yêu cầu họ đưa sổ hộ khẩu và CMND...
Khi các bị hại đưa CMND và hộ khẩu, Hảo bàn với chồng “hờ” là Nguyễn Đỗ Hoàng (SN 1967, ở số 2B4, ngõ 668 Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng), lấy ảnh của Hảo dán lên ảnh CMND của những người "bị hại". Sau đó, Hảo trực tiếp giao dịch, mua xe đạp điện trả góp tại các cửa hàng và chồng Hảo trả lời thẩm định của nhân viên các công ty.
Ngoài ra, Hảo còn nhờ Phan Thị Kim Anh (SN 1984, ở 5/24/272 Đà Nẵng, Vạn Mỹ, Ngô Quyền, Hải Phòng) đứng ra trả lời thẩm định. Với thủ đoạn này, Hảo cùng đồng bọn đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo mua xe đạp điện trả góp...
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Bích Hảo còn khai nhận ngoài việc trực tiếp tham gia vào các vụ lừa đảo trên, Hảo còn tham gia với vai trò giúp sức trả lời thẩm định, nói cách thức hoạt động phạm tội cho các đối tượng khác để các đối tượng này thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.
Cá biệt, một số đối tượng còn câu kết với người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội. Mới đây (ngày 15-9), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Vũ Văn Đại (24 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang) cùng đồng phạm về hành vi "sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Vũ Văn Đại cùng đồng bọn trong phiên tòa xét xử tại Hà Nội. |
Thông qua mạng xã hội facebook và nhóm "việc làm tiếng Trung", Đại nhận làm phiên dịch cho hai người Đài Loan là Liu Chang Minh và Tsou Jui Cheng. Hai người đàn ông này đã thuê Đại làm thẻ ngân hàng thanh toán quốc tế của hai ngân hàng ở Việt Nam với giá 3,4 triệu đồng/thẻ.
Minh và Cheng hướng dẫn Đại cách dùng CMND của nhiều người để mở tài khoản ngân hàng, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet banking và dùng số điện thoại của một nhà mạng để mở thẻ. Đại sau đó đã thỏa thuận thuê Nguyễn Trọng Đức mở thẻ với giá 2 triệu đồng/thẻ. Đức và Đại tìm đến các cửa hàng cầm đồ thu, mua CMND. Đức đã liên hệ với Đỗ Đình Phương, trú tại Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, trước đây làm ở trung tâm môi giới việc làm và được Phương bán cho 134 CMND của những người nộp hồ sơ tìm việc làm để lại với giá 5 triệu đồng.
Sau khi có các CMND trên, chúng tìm người chụp ảnh, thay thế vào, rồi thuê những người này đến ngân hàng mở tài khoản làm thẻ thanh toán quốc tế. Cùng tham gia ổ nhóm này có Nguyễn Xuân Độ (25 tuổi) và anh em Trần Nguyên Bình (26 tuổi), Trần Xuân Hòa (29 tuổi, cùng ở tại TP Hà Nội). Sau khi hoàn tất CMND, Đại chuyển các thẻ ngân hàng và sim điện thoại cho người Đài Loan thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Đến thời điểm bị cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện, Đại làm được 146 thẻ quốc tế và thu lợi bất chính gần 500 triệu đồng. Đại bị kết án 4 năm 6 tháng tù về tội "sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức". Các bị cáo gồm Hòa, Bình, Độ và Đức lĩnh án từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm tù giam với cùng tội danh.
Ngoài việc sử dụng CMND giả để lừa đảo, một số trường hợp còn sử dụng để xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Vụ việc vừa được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hải Dương phát hiện là một điển hình.
Liên quan đến vụ việc trên, mới đây Công an tỉnh Hải Dương đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với chị Phạm Thị Yến, theo điểm a, khoản 6, Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức phạt là 35 triệu đồng.
Trước đó (ngày 31-1-2013), chị Phạm Thị Yến (SN 1991, trú tại xã Kim Khê, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), có CMND số 142458387 được cấp Hộ chiếu số B7436919. Tháng 6-2013, chị Yến sử dụng hộ chiếu trên để xuất cảnh đi Đài Loan lao động, sau đó tự ý bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc. Tháng 11-2014, chị Yến ra đầu thú với chính quyền Đài Loan để được trục xuất về nước chữa bệnh.
Sau khi về nước, Yến tiếp tục có nhu cầu trở lại Đài Loan lao động... Trong khi đang tiến thoái lưỡng nan thì ngày 16-6, Yến thấy CMND của chị Vũ Thị Liên (SN 1991) ở cùng xã, bỏ quên trong cốp xe máy của Yến (Liên là chị dâu của Yến đã mượn xe của Yến để đi lại trước đó). Yến thấy dấu vân tay trên CMND của Liên giống với dấu vân tay của mình nên tự mình dùng dao tem bóc ảnh từ CMND của Yến để thay vào ảnh trong CMND của Liên. Sáng 17-6, Yến sử dụng CMND số 142459146, mang nhân thân của chị Liên, có dán ảnh của Yến đề nghị cấp hộ chiếu thì bị Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hải Dương phát hiện và xử lý...