Chính phủ Nhật Bản bị kiện vì ép hơn 25.000 phụ nữ triệt sản để không sinh con dị tật

Thứ Tư, 11/04/2018, 12:31
Trong phiên điều trần đầu tiên tại tóa án quận Sendai hôm 31-3, đại diện chính phủ kêu gọi bác bỏ vụ kiện, lập luận rằng tại thời điểm đó, việc triệt sản là hợp pháp. Luật này có hiệu lực trong gần 50 năm, chỉ bị bãi bỏ năm 1996.


"Nỗi hổ thẹn với nước Nhật"

Khi Nhật Bản đối phó với cú sốc thất bại trong Thế chiến II, một số chính trị gia đã nói về nhu cầu cấp bách "phải nâng cao chất lượng sống quốc gia".

"Mục tiêu của luật này là ngăn ngừa sự ra đời của những thế hệ con cháu thấp kém theo quan điểm ưu sinh, cũng như bảo vệ cuộc sống và sức khỏe người mẹ", trích lời mở đầu đạo luật. Luật nhằm vào những người có tiềm năng mắc bệnh thần kinh di truyền hoặc "chậm phát triển trí tuệ". 

Từ năm 1948 đến 1996, khoảng 25.000 người đã bị triệt sản theo luật này, bao gồm 16.500 người không đồng thuận làm phẫu thuật. Những bệnh nhân ít tuổi nhất mới 9-10 tuổi. 

Khoảng 70% là phụ nữ hoặc trẻ gái. Yasutaka Ichinokawa, giáo sư ngành xã hội học, Đại học Tokyo, cho biết các nhà tâm lý học đã chỉ ra danh tính bệnh nhân mà họ cho rằng cần làm phẫu thuật triệt sản. 

Những hộ lý tại các trung tâm chăm sóc người thiểu năng trí tuệ cũng đồng ý với ý kiến này. Ngoài ra, những người quan trọng có tính quyết định tới việc thực thi luật là Miensei-iin, nhân viên phúc lợi xã hội tại địa phương. 

"Họ làm việc đó với thiện chí, nghĩ rằng triệt sản mang lại lợi ích cho những người họ đang chăm sóc. Nhưng ngày nay, chúng ta phải nhìn nhận đây là sự vi phạm quyền sinh đẻ của người khuyết tật", Ichinokawa nhận xét.

Sau khi đạt đỉnh cao với 1.362 vụ triệt sản trong một năm vào giữa thập niên 1950, số ca triệt sản bắt đầu giảm, cùng với sự thay đổi thái độ của người dân. 

Năm 1972, chính phủ đưa ra một đề xuất sửa đổi gây tranh cãi trong Luật Ưu sinh, đó là cho phép phụ nữ mang thai mà thai nhi bị khuyết tật, được quyền sinh nở. 

"Đáp lại, những người ủng hộ quyền của người khuyết tập, chủ yếu là người bị bại não, đã biểu tình và vận động quốc hội không thông qua luật này", Yoko Matsubara, giáo sư đạo đức sinh học, Đại học Ritsumeikan, cho hay. "Họ cáo buộc Luật Ưu sinh giống với triệt sản của Đức Quốc xã, làm suy giảm hình ảnh của ''thuyết ưu sinh'". 

Năm 1948, vụ bê bối đánh đập tử vong hai bệnh nhân ở một bệnh viên tâm thần tư nhân tại quận Tochigi, phía bắc Tokyo, đã khiến các tổ chức quốc tế chú ý tới việc chăm sóc người bệnh tại Nhật bản. 

Số vụ triệt sản giảm xuống chưa đầy 5 ca trong một năm vào cuối thập niên 1980. Dù luật bị bãi bỏ năm 1996 nhưng một số người cho rằng, thái độ phân biệt đối xử do ảnh hưởng từ luật vẫn tồn tại trong nhiều tầng lớp xã hội Nhật Bản. 

Tháng 7/2016, 19 người bị đâm chết tại một nhà chăm sóc người khuyết tật ở Sagamihara, tây nam Tokyo. Nhân viên cũ bị buộc tội gây ra vụ thảm sát, từng viết về giấc mơ tẩy uế, tạo ra một thế giới không có người khuyết tật. 

"Người dân Nhật bị sốc, đặc biệt là những người khuyết tật và gia đình", Matsubara nói. "Đó là lời thức tỉnh, kêu gọi chúng tôi nhận ra vẫn còn sự kỳ thị với người tàn tật trong cộng đồng Nhật Bản".

Phụ nữ tàn tật ở Nhật trong một cuộc thi.

Nạn nhân lên tiếng

JunkoIizuka mới 16 tuổi khi được đưa tới một bệnh viện ở đông bắc Nhật Bản, buộc phải thực hiện cuộc phẫu thuật bí ẩn mà mãi về sau, cô mới nhận ra nó nhằm ngăn ngừa mình có con. 

"Gây mê xong, tôi chẳng nhớ gì nữa", Iizuka nói. "Khi tỉnh dậy, tôi nằm trên giường và nhìn thấy một cái bồn. Tôi muốn uống nước nhưng người ta bảo không được uống".

Khi đó, Iizuka làm giúp việc toàn thời gian trong một gia đình. Sau này, khi nghe lỏm bố mẹ nói chuyện, cô mới phát hiện ra sự thật khủng khiếp, đó là mình đã trở thành một trong số 16.500 người phải triệt sản theo Luật Ưu sinh, nhằm ngăn ngừa sự ra đời của những trẻ em "kém cỏi". 

Cô bé bị thắt ống dẫn trứng năm 1963, khi bị nghi ngờ mắc bệnh tâm thần. 50 năm sau, Iizuka vẫn run rẩy khi nhắc tới ảnh hưởng của cuộc phẫu thuật, bà mắc chứng đau dạ dày dai dẳng và tâm lý lúc nào cũng nặng nề.

"Tôi đến Tokyo khám với hy vọng khôi phục lại ống dẫn trứng, nhưng bác sĩ bảo không thể. Họ đã lấy đi cuộc đời tôi như thế đấy", bà nói. 

Một nạn nhân khác của việc cưỡng ép triệt sản là Yumi Sato, mới 15 tuổi khi thực hiện phẫu thuật năm 1972. Michiko, chị dâu của Sato cho hay, cuộc phẫu thuật đã khiến Sato mất đi cơ hội lập gia đình. 

"Em nó từng cân nhắc chuyện lấy chồng năm 22, 23 tuổi. Nhưng khi Sato bảo không thể có con, bạn trai cầu hôn nó lại bảo rằng không muốn cưới nữa", Michiko nói. "Thời điểm đó, việc lấy chồng sinh con là điều hiển nhiên, vì thế sẽ rất khó kết hôn nếu không thể sinh con".

Nguyễn Minh
.
.
.