Chính phủ Nam Sudan bác bỏ thông tin binh lính và dân quân liên minh cưỡng hiếp dân thường

Thứ Năm, 17/03/2016, 09:10
Một bản báo cáo của Liên hợp quốc (UN) mới được công bố hôm 11/3 cho biết, Chính phủ Nam Sudan cho phép binh sĩ và lực lượng dân quân liên minh cưỡng hiếp dân thường trong cuộc chiến tranh dân sự bắt đầu từ tháng 12/2013. Trong khi đó, Chính phủ Nam Sudan bác bỏ thông tin này.


Bản báo cáo do Văn phòng cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền (OHCHR) soạn thảo, sau 6 tháng có thông tin cho rằng, hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái đã bị bắt cóc và hãm hiếp trong cuộc xung đột. Hành động tàn bạo của cả hai bên kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 12/2013 và có thể coi là tội ác chiến tranh, chống lại loài người. "Hầu hết các thương vong dân sự là kết quả của các cuộc tấn công có mục đích hơn là hoạt động chiến đấu. Tất cả các bên đã vi phạm nghiêm trọng cam kết. Chính phủ Nam Sudan phải có trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống", một đoạn trong báo cáo viết.

Từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái, UN đã ghi nhận hơn 1.300 báo cáo hiếp dâm ở riêng bang Unity - khu vực giàu dầu mỏ ở phía Bắc của đất nước phải trải qua tình trạng bạo lực tồi tệ. Trong năm 2014, lực lượng đối lập trong khu vực này đã biến nhà thờ, giáo đường và bệnh viện thành "bẫy nhằm vào dân thường", báo cáo của UN nhận định. Một phụ nữ trẻ kể rằng, cô đã bị 5 binh sĩ hãm hiếp. Một phụ nữ khác nói, cô bị trói vào một cái cây và buộc phải xem 10 binh lính hãm hiếp cô con gái 15 tuổi của mình.

Những người phụ nữ tìm kiếm đồ đạc của gia đình sau khi khu vực sống ở Malakal bị cháy và cướp phá.

"Nếu bạn nhìn trẻ, đẹp, bạn có thể bị 10 người đàn ông hãm hiếp. Phụ nữ lớn tuổi thường bị từ 7 đến 9 đàn ông hãm hiếp", một nhân chứng kể lại. Báo cáo lưu ý rằng, tỷ lệ các vụ hiếp dâm cho thấy, hiếp dâm đã trở thành "một thực tế được chấp nhận bởi các binh sĩ Quân đội Giải phóng nhân dân Sudan (SPLA) và lực lượng dân quân vũ trang liên minh". Các chiến binh trẻ - người thực hiện cuộc tấn công phụ nữ dường như được thực hiện thỏa thuận ngầm: "Làm những gì có thể và lấy những gì bạn có thể". "Hầu hết các chiến binh trẻ được phép bắt gia súc, lấy trộm tài sản cá nhân, hãm hiếp, bắt cóc phụ nữ và trẻ em gái như một hình thức thanh toán", báo cáo nhận định.

Zeid Ra'ad Al Hussein, nhân viên của OHCHR nói rằng, Nam Sudan là "một trong những nơi vi phạm nhân quyền khủng khiếp nhất trên thế giới. Quy mô và loại hình bạo lực tình dục, chủ yếu do lực lượng SPLA và dân quân vũ trang liên minh thực hiện đang tàn phá cuộc sống ở Nam Sudan", Zeid nói. Bản báo cáo cũng cho biết, những người tình nghi hỗ trợ phe đối lập - bao gồm cả trẻ em và người khuyết tật đã bị giết chết bằng cách thiêu sống, chết ngạt trong container vận chuyển, bắn, cắt thi thể thành từng mảnh hoặc bị treo cổ trên cây.

Lama Fakih, cố vấn cấp cao của Tổ chức Ân xá quốc tế nhận định, rõ ràng, có một vấn đề với quân đội Nam Sudan và lực lượng dân quân đồng minh - những người đã hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái, nhiều đàn ông và trẻ em trai bị nghẹt thở chết trong container vận chuyển. "Chúng tôi lo ngại rằng, những người chịu trách nhiệm vẫn đang cầm quyền và các nạn nhân không được bồi thường", Lama Fakih nói.

Chính phủ Nam Sudan thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng, binh sĩ SPLA đã được phép tham gia vào các vụ lạm dụng như những gì kết luận trong báo cáo của OHCHR. "Chúng tôi lên án mạnh mẽ bất kỳ tội ác nào chống lại dân thường", Ateny Wek Ateny, phát ngôn viên của Tổng thống Salva Kiir nói với phóng viên The Guardian (Anh). Ông Ateny Wek Ateny nói rằng, tội ác có thể đã được thực hiện bởi các lực lượng dân quân mặc đồng phục SPLA và nhấn mạnh rằng, quân đội Chính phủ hoạt động theo quy tắc nghiêm ngặt, nghiêm cấm các hoạt động nhằm mục tiêu vào dân thường.

Ông Ateny nói thêm, "Chính phủ sẽ tiến hành điều tra để tìm ra những người đã thực hiện tội ác ghê tởm. Ngay sau khi có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi đến công chúng".

Nam Sudan là một trong những quốc gia "trẻ" nhất thế giới. Cuộc xung đột ở nước này xảy ra cuối năm 2013, khi Tổng thống Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Sau hơn hai năm xảy ra chiến tranh, ước tính, ít nhất 50.000 người ở Nam Sudan thiệt mạng và 2,2 triệu người phải dời bỏ nhà cửa.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.