Chính khách thân bại danh liệt vì quấy rối tình dục
- Chính khách Israel úp mở đứng sau thảm kịch 5.000 người thương vong ở Beirut
- Văn hóa bắt tay trong giới chính khách
Mất chức trong sự xấu hổ
Frank Jensen sinh ngày 28-5-1961, là một nhà kinh tế học và có bằng tiến sĩ của trường Đại học Aalborg vào năm 1996. Sự nghiệp chính trị của Jensen có thể nói là khá suôn sẻ khi ông từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Khoa học Đan Mạch (1994- 1996); Bộ trưởng Bộ Tư pháp (1996- 2001).
Sau khi chính trị gia Mogens Lykketoft từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội vì thất bại trong cuộc bầu cử thượng viện năm 2005, Jensen cùng bà Helle Thorning Schmidt là hai ứng cử viên sáng giá kế nhiệm chiếc ghế của ông Lykketoft. Tuy nhiên, Jensen đã thất bại trong cuộc bầu cử ngày 14-4-2005, bà Schmidt đạt 24,261 phiếu trong khi Jensen chỉ giành được 21,348 phiếu.
Cựu thị trưởng Copenhagen Frank Jensen - người vừa phải từ chức vì bê bối quấy rối tình dục đồng nghiệp nữ. |
Ngày 1-1-2010, ông Jensen trở thành Thị trưởng thành phố Copenhagen. Ngoài ra, chính trị gia này cũng là một nhà kinh tế học có tiếng và là tác giả của nhiều nghiên cứu cùng vô số bài báo khoa học.
Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Jensen đã kết thúc trong nỗi xấu hổ sau khi 2 nữ cấp dưới lên tiếng tố cáo ông đã quấy rối tình dục họ bằng cách đụng chạm và sờ mó tại một số sự kiện của cơ quan vào năm 2012 và 2017.
Trong một bài viết được đăng tải trên trang Facebook cá nhân sau khi từ chức, cựu Thị trưởng đã xin lỗi cả 2 nạn nhân và hứa sẽ trở thành một phần của một xã hội Đan Mạch tiến bộ hơn. Ông thừa nhận bản thân là một phần của thứ văn hoá độc hại đã tồn tại rất lâu trong nội bộ đảng chính trị của ông, và khẳng định sẽ cố gắng hết sức để tất cả có thể vượt qua mọi rào cản về nghề nghiệp, khuynh hướng chính trị, giới tính và thay đổi những gì còn tồn đọng.
Chủ tịch Hội đồng Thanh niên của đảng Dân chủ Xã hội tuyên bố trên Twitter rằng việc Jensen phải từ chức là một chiến thắng cho phong trào tố cáo tội phạm tình dục ở Đan Mạch: "Ngày hôm nay, chúng ta đã chứng tỏ được rằng bất kì ai, thậm chí cả một thị trưởng, đều sẽ gặp phải hậu quả khi không có ý thức đúng đắn về quyền lực và trách nhiệm của bản thân". Trong khi đó, Bộ trưởng bộ Bình đẳng giới Mogens Jensen đánh giá quyết định bắt buộc từ chức dành cho cựu đồng nghiệp là "nghiêm khắc, nhưng cần thiết".
Không phải người đầu tiên
Nhưng ông Frank Jensen không phải chính trị gia duy nhất "ngã ngựa" ở Đan Mạch trong thời gian gần đây. Vào ngày 8-10-2020, ông Morten Oestergaard - cựu lãnh đạo của đảng Tự do Xã hội - đã phải rời bỏ chức vụ vì quấy rối tình dục một nữ đồng nghiệp gần 10 năm trước.
Nữ MC Sofie Linde - người khởi xướng phong trào Me Too ở Đan Mạch. |
Chính trị gia sinh năm 1976 này có bằng thạc sĩ ngành Khoa học Chính trị trường Đại học Aarhus, và từng là Phó Chủ tịch đảng Tự do Xã hội từ năm 2002 đến năm 2005. Ngoài ra, ông còn giữ rất nhiều chức vụ cao khác như Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu - Cải tiến và Giáo dục bậc cao (2011-2014); Bộ trưởng Bộ Thuế; Bộ trưởng Bộ Chính trị và Nội vụ. Ngày 31-8-2014, Oestergaard trở thành người đứng đầu đảng Tự do Xã hội kiêm Phó Thủ tướng Đan Mạch.
Thông báo từ chức của ông được đưa ra sau một cuộc họp kín vào chiều 7-10. Dư luận cho rằng cái kết sự nghiệp chính trị của ông Oestergaard đã cho dự luận thấy tầm ảnh hưởng của cuộc tranh cãi về sự bất bình đẳng giới cũng như vấn nạn quấy rối tình dục trong chính trường Đan Mạch.
Được biết, sự việc dẫn tới quyết định từ chức của cựu Phó thủ tướng là việc ông từng quấy rối một người đồng nghiệp là nữ chính trị gia Lotte Rod. Vào đầu tháng 9-2020, bà Rod khẳng định mình đã bị nhiều người đồng nghiệp lớn tuổi và quyền thế quấy rối rất nhiều lần khi bà còn đang làm việc tại đảng Tự do Xã hội: "Tôi đã phải hất rất nhiều bàn tay khỏi đùi mình, và tôi có thể kể ra thêm nhiều hành vi thiếu đứng đắn khác".
Sau khi công bố rằng vụ việc của bà Lotte Rod đã được giải quyết và một số cá nhân đã bị khiển trách vào hồi đầu tháng 10-2020, ông Oestergaard đã quyết định rời bỏ chức vụ vì chuyện chính ông là kẻ quấy rối bà Rod đã bại lộ.
Trong bài phát biểu của mình, ông đã thừa nhận mọi lỗi lầm: "Tôi đã thất bại trong việc giải quyết vụ việc của bà Lotte Rod, và tôi đã làm bà Lotte Rod thất vọng vì tôi chính là kẻ đã quấy rối bà 10 năm trước. Tôi đã khiến đảng của mình thất vọng sau khi họ đã tin tưởng vào tôi đến thế, chính vì vậy tôi không thể tiếp tục lãnh đạo đảng Tự do Xã hội được nữa. Tôi nghĩ rằng chỉ xin lỗi bà Rod thôi là không đủ, và tôi cần phải thú nhận với tất cả mọi người những gì tôi đã làm". Ông Oestergaard cũng nói thêm rằng quyết định từ chức của ông là tự nguyện.
Sau khi ông Oestergaard từ chức, bà Rod cũng chia sẻ rằng bà rất lấy làm tiếc khi mọi chuyện phải kết thúc một cách đáng buồn, và bà cũng vẫn rất yêu quý ông Oestergaard: "Ông Oestegaard đã xin lỗi tôi, và tôi cũng tha thứ cho ông ấy. Vấn đề không nằm ở việc chuyện gì đã xảy ra, mà ở cách ta xử lý nó như thế nào. Điều quan trọng nhất với tôi đó là văn hoá của chúng ta phải thay đổi".
Kết quả từ phong trào Me Too
Chuyện của hai cựu chính trị gia là hai ví dụ tiêu biểu về phong trào tố cáo tội phạm tình dục Me Too đang bùng nổ ở Đan Mạch năm 2020 - muộn 3 năm so với hầu hết các quốc gia khác.
Tại đất nước vốn được xếp hạng rất cao về bình đẳng giới này, đã có hơn 1.600 phụ nữ kí tên vào một bức thư ngỏ về vấn nạn xâm hại tình dục, trong khi hàng trăm người khác đã lên tiếng về những vụ quấy rối và lạm dụng tình dục trong các ngành nghề như chính trị và y học.
Làn sóng này bắt đầu từ một bài phát biểu của người dẫn chương trình nổi tiếng Sofie Linde tại buổi lễ trao giải Zulu dành cho các chương trình hài kịch. Cô Sofie Linde lên án việc bản thân nhận thù lao thấp hơn các đồng nghiệp nam giới, cho dù danh tiếng và khối lượng công việc của hai bên là ngang nhau: "Chúng ta có thể giả vờ rằng không có bất kì sự khác biệt nào giữa phụ nữ và đàn ông ở Đan Mạch, tuy nhiên sự thật lại không phải như vậy".
Cũng trong bài phát biểu, nữ MC đã khiến tất cả bị sốc khi công khai việc mình từng bị lạm dụng khi mới tròn 18 tuổi. Cụ thể hơn, lúc mới bắt đầu công tác tại Đài Truyền hình quốc gia DR, một đồng nghiệp nam đã ép cô Linde quan hệ tình dục và doạ rằng nếu cô không nghe theo thì gã sẽ phá hỏng sự nghiệp của Linde.
Những lời tố cáo của nữ MC đã khơi nguồn cho một cuộc tranh luận trên cả nước, và cô đã nhận cả những lời khen ngợi lẫn những ý kiến chê bai. Bất bình với những chỉ trích nhắm vào Linde, nhiều nữ phóng viên đã cùng viết một lá thư ngỏ đăng trên tờ Politiken để tố cáo vấn nạn quấy rối và lạm dụng tình dục nơi công sở.
Trong lá thư, họ tỏ rõ sự ủng hộ dành cho Sofie Linde: "Cô nói đúng, chúng tôi cũng đã từng có những trải nghiệm tương tự như cô". Ngay sau khi lá thư được đăng tải, 600 phụ nữ đã kí tên vào bức thư ngỏ, và đến hôm sau số lượng người kí đã đạt 1.600. Thêm vào đó, có tới hàng trăm email gửi đến Đài Truyền hình TV2 kể về những lần phụ nữ bị quấy rối ngay tại chỗ làm.
Phóng viên đài TV2 Camilla Slyngborg cho biết tuy cô muốn có bằng chứng về vấn nạn này để có thể giải quyết nó, nhưng cô vẫn rất đau lòng khi đọc những email kể lại nhiều trải nghiệm kinh hoàng của nữ giới.
Làn sóng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi 10 nhân viên nữ đã liên hệ với hãng tin DR tố cáo về việc họ thường xuyên bị cấp trên và các đồng nghiệp nam sờ soạng, nhắn tin gạ gẫm và tán tỉnh khi họ đang là thực tập sinh. Tờ báo lá cải Ekstra Bladet cũng đang phải đối mặt với chỉ trích khi 46 phụ nữ cũng đã lên tiếng tố cáo những hành vi không đứng đắn của các đồng nghiệp nam của họ.
Ngoài ra, 600 bác sĩ cũng như sinh viên y khoa đã cùng kí một kiến nghị cấm các hành vi quấy rối tình dục và phân biệt giới ở các bệnh viện, phòng khám, và trường đại học. Phụ nữ thuộc nhiều ngành nghề khác như bán lẻ, du lịch-khách sạn, dịch vụ nhà hàng… cũng đã chia sẻ những trải nghiệm đau lòng của mình khi làm việc.
Đáng chú ý nhất là 300 người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chính trị đã kêu gọi những nhà lãnh đạo phải ngăn chặn nạn phân biệt giới tính trong ngành nghề này, cũng như đưa ra 79 lời làm chứng về những bình luận khiếm nhã họ phải nghe từ các đồng nghiệp, và những lần họ bị tấn công tình dục.
Phong trào đã khơi lại một vụ tranh cãi tưởng đã chìm xuồng 12 năm trước liên quan đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch là ông Jeppe Kofod. Ông Kofod đã phải lên tiếng xin lỗi vì đã quan hệ tình dục với một cô bé 15 tuổi lúc ông 34 tuổi khi tham dự một sự kiện chính trị vào năm 2008 - trong khi độ tuổi hợp pháp của Đan Mạch là 15.
Tuy gặp nhiều ý kiến trái chiều, nhưng có vẻ như phong trào Me Too tại Đan Mạch đã đạt được một số kết quả nhất định. Đầu tiên, nữ Thủ tướng Mette Frederiksen cùng các lãnh đạo đảng đã hứa rằng sẽ hành động để xoá bỏ nạn quấy rối và phân biệt giới tại công sở.
Trong buổi gặp mặt với Sofie Linde cùng các nhà báo và đại diện nhiều tổ chức đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ, Bộ trưởng bộ Bình đẳng giới Mogens Jensen khẳng định bản thân đang tìm hiểu xem liệu bổ sung thêm luật mới có cần thiết hay không. Ông cũng cho biết, mọi lãnh đạo đều có trách nhiệm phải giúp các nhân viên hiểu rằng tại môi trường làm việc, các hành vi quấy rối tình dục cũng như phân biệt giới đều không thể chấp nhận được, và chúng sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng.