Chính khách gặp rắc rối vì 2 quốc tịch

Thứ Tư, 01/11/2017, 14:22
Phán quyết hôm 27-10 của Tòa án Tối cao Australia đồng nghĩa với việc, Phó Thủ tướng Barnaby Joyce (Chủ tịch đảng Dân tộc) mất ghế ở Quốc hội vì không đủ điều kiện do mang 2 quốc tịch New Zealand và Australia.

Vì mất tư cách thành viên Quốc hội nên ông Barnaby Joyce sẽ bị tước toàn bộ các vai trò trong Chính phủ. Ông Barnaby Joyce tuy sinh ra và lớn lên tại Australia, nhưng vì có bố đẻ là người New Zealand nên theo luật, Phó Thủ tướng nghiễm nhiên sở hữu cả 2 quốc tịch. Và theo Hiến pháp Australia, mọi chính khách đều không được bầu vào Quốc hội nếu giữ từ 2 quốc tịch trở lên. 

Phát biểu sau phán quyết của Tòa án Tối cao, Phó Thủ tướng Barnaby Joyce khẳng định tôn trọng quyết định của tòa, đồng thời cho biết Chính phủ sẽ khởi động một cuộc bầu cử bổ sung. Thủ tướng Malcolm Turnbull tuy tuyên bố chấp nhận phán quyết của tòa, nhưng khẳng định đó không phải là kết quả mà chính quyền của ông mong đợi. 

Được biết, ông Barnaby Joyce hiện đã đủ điều kiện (vì từ bỏ quốc tịch New Zealand từ tháng 8-2017) để tái tranh cử vào ngày 2-12 và nhiều khả năng đắc cử. Theo giải thích của Phó Thủ tướng Barnaby Joyce, ông không biết được thừa kế quyền công dân New Zealand từ người cha ruột. 

Trước đó, Phó Thủ tướng Barnaby Joyce từng tranh luận tại Quốc hội rằng, Chính phủ New Zealand không có thủ tục pháp lý nào công nhận ông là công dân nước này.

Phó Thủ tướng Barnaby Joyce.

Ngày 28-10, Thủ tướng MalcolmTurnbull đã chỉ định Ngoại trưởng Julie Bishop đảm nhận vị trí Phó Thủ tướng của ông Barnaby Joyce. Hơn 2 tháng trước (15-8), bà Julie Bishop đã chỉ trích Công đảng đối lập New Zealand vì đã "cố gây tổn hại cho chính quyền Australia" khi phanh phui việc Phó Thủ tướng Barnaby Joyce có quốc tịch New Zealand. 

Bà Julie Bishop cáo buộc Công đảng Australia đã thông đồng với nghị sĩ Chris Hipkins của Công đảng New Zealand để đặt vấn đề về quyền công dân của Phó Thủ tướng Barnaby Joyce. 

Và lãnh đạo đảng đối lập New Zealand Jacinda Ardern đã thừa nhận với Cao ủy Australia tại New Zealand Peter Woolcott rằng, việc nghị sĩ Chris Hipkins nêu vấn đề về quyền công dân của Phó Thủ tướng Australia là "không thích hợp". 

Theo giới truyền thông, cùng bị cáo buộc sở hữu 2 quốc tịch như Phó Thủ tướng Barnaby Joyce, còn có 4 nghị sỹ thuộc đảng Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền. Đó là nghị sỹ Fiona Nash (thêm quốc tịch Anh), Malcolm Roberts (thêm quốc tịch Anh), Larissa Waters (thêm quốc tịch Canada) và Scott Ludlam (thêm quốc tịch New Zealand) - đều được bầu vào Thượng viện trước khi bị "lộ sáng". 

Thượng nghị sĩ Larissa Waters (thành viên của đảng Xanh) từng gây xôn xao khi cho con bú giữa phiên họp Quốc hội (tháng 6-2017), đã tuyên bố từ chức sau khi bị phát hiện mang 2 quốc tịch.

Trường hợp của ông Matt Canavan lại có hồi kết khác - không bị loại khỏi Quốc hội sau khi cho biết thừa hưởng quyền công dân Italia từ người mẹ sinh ở Australia thông qua ông bà ngoại người Italia. 

Và ông Nick Xenophon cũng như vậy sau khi nghị sỹ này là con của cặp vợ chồng người đảo Cyprus, sinh ở Hy Lạp và biết mình là người Anh, vì có bố rời khỏi Cyprus khi đảo quốc này vẫn còn là thuộc địa Anh. 

Việc có hàng chục chính trị gia công khai quốc tịch đang gây rúng động Australia và làm dấy lên thắc mắc, liệu đạo luật 117 năm này có còn phù hợp - điều 44 của Hiến pháp Australia cấm công dân mang quốc tịch kép tham gia Quốc hội. 

Theo trang Bloomberg, gần 50% người Australia được sinh tại quốc gia khác hoặc có bố hoặc mẹ là người nước ngoài. Cuộc khủng hoảng song tịch sẽ kéo dài thêm ít nhất 2 tháng nữa trước khi Tòa án Tối cao bắt đầu xem xét vụ việc từ ngày 11-10. 

Hơn 2 tháng trước (17-8), Bộ trưởng Tư pháp Michael Keenan đã bác bỏ việc mang 2 quốc tịch bởi ông đã từ bỏ quyền công dân Anh từ  năm 2004 (bố đẻ là người gốc Anh), trước khi được bầu vào Quốc hội. Bộ trưởng Nhập cư Peter Dutton đã bảo vệ Bộ trưởng Tư pháp với tuyên bố, tư cách công dân của ông Michael Keenan rất rõ ràng và không có lý do gì phải mang ra xem xét.

Hơn 3 tháng trước (chiều 27-7), đại diện đảng Dân Tiến, bà Murata Renho đã xin từ chức vì thường xuyên bị chỉ trích có 2 quốc tịch là Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Theo bà Murata Renho, đây là quyết định tối ưu, để có thể bầu ra một Ban chấp hành mới đủ mạnh cho đảng Dân Tiến. Bà Murata Renho là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ trước khi đảng này sáp nhập với đảng Duy Tân thành đảng Dân Tiến (14-3-2016), đã quyết định từ bỏ quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), chỉ lấy quốc tịch Nhật Bản, nhưng việc này vẫn khiến nữ chính khách phải ra đi. Gần 2 năm trước (29-12-2015) tờ The Cambodian Daily từng dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Chính phủ và đảng cầm quyền CPP muốn ban hành đạo luật quy định quan chức và chính khách cấp cao chỉ được mang quốc tịch nước này, nhằm tránh tình trạng dùng hộ chiếu nước ngoài trốn khỏi đất nước khi phạm tội.


Tuệ Sỹ
.
.
.