'Chìm xuồng' vụ thảm sát tồi tệ nhất lịch sử Philippines

Thứ Tư, 29/07/2015, 17:00
Cái chết (do đột quỵ) của ông Andal Ampuatuan Senior, cựu Tỉnh trưởng Maguindanao ngày 17/7 vừa qua khiến giới chuyên môn cho rằng, vụ thảm án khiến 57 người chết (trong đó có 18 nhà báo) cách đây gần 6 năm (23/11/2009) sẽ rơi vào bế tắc. Bởi ông Andal Ampatuan Senior là nghi can chính của vụ thảm án từng gây chấn động Philippines, đã bị bắt cùng các con trai và hơn 100 người khác, nhưng cho tới nay tòa vẫn chưa đưa ra lời phán xử cuối cùng.

Mặc dù tòa khai đình từ đầu năm 2010, và đích thân Tỉnh trưởng Maguindanao Esmael "Toto" Mangudadatu hối thúc (vì có vợ, 2 em gái và 4 người trong gia tộc bị chết hôm 23/11/2009), nhưng vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử Philippines đang có nguy cơ "chìm xuồng".

Quyết tâm của chính phủ

Trước khi chết, ông Andal Ampuatuan Senior và con trai là Andal Ampuatuan Junior, cựu Thị trưởng Datu Unsay vẫn cương quyết không nhận tội và nhiều thành viên trong gia đình họ hiện chưa ra làm chứng. Tại phiên xét xử đầu tiên (5/1/2010), Andal Ampatuan Junior không nhận bất kỳ tội danh nào trong số 41 tội danh mà tòa đưa ra. Ngoài việc phủ nhận mọi cáo buộc, Andal Ampatuan Junior còn cho rằng, những tay súng của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đứng sau vụ thảm sát hôm 23/11/2009.

Ông Andal Ampuatuan Senior tại tòa.

Khi đó, ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở Maguindanao, cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đã tổ chức một ngày quốc tang (25/11/2009) để tưởng niệm những người đã bị sát hại. Và liên minh Lakas Kampi CMD cầm quyền của bà Gloria Macapagal Arroyo đã triệu tập phiên họp khẩn để quyết định khai trừ 3 thành viên, trong đó có Thị trưởng Andal Ampatuan Junior và Tỉnh trưởng Andal Ampuatuan Senior. Bà Gloria Macapagal Arroyo còn đình chỉ công tác của toàn bộ quan chức tại tỉnh Maguidanao, và ra lệnh điều tra Tỉnh trưởng Andal Ampatuan Senior cho dù ông có chứng cứ ngoại phạm. Bởi tại thời điểm vụ thảm sát diễn ra, ông Andal Ampatuan Senior đang ở Manila và hội đàm với bà Gloria Macapagal Arroyo.

Cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo cũng ra lệnh điều tra và truy tìm những người đã cung cấp vũ khí, đạn dược cho gia tộc Ampatuan. Tuyên bố kể trên được đưa ra sau cuộc khám xét 2 ngày (4 và 5/12/2009) tại một địa điểm gần khuôn viên của gia tộc Ampatuan. Và người ta đã tìm thấy cả súng cối, súng máy, súng trường, bazoca và 2 kho vũ khí được giấu xung quanh dinh thự của gia tộc Ampatuan. Số vũ khí này đủ trang bị cho hàng nghìn binh lính. Và thiết quân luật tại tỉnh Maguindanao được ban bố cùng lệnh bắt Tỉnh trưởng Andal Ampatuan Senior.

Bà Gloria Macapagal Arroyo còn thành lập một ủy ban độc lập để giám sát việc giải giáp các đơn vị vũ trang riêng của gia tộc Ampatuan. Điều đáng nói là cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo từng cho phép Tỉnh trưởng Andal Ampatuan Senior thành lập "quân đội" tại tỉnh Maguindanao để chống lại những tay súng Hồi giáo chống chính phủ hoạt động tại khu vực miền Nam nước này.

Theo Chánh văn phòng phủ Tổng thống Eduardo Ermita, đây là lần đầu tiên trong vòng 28 năm qua chính phủ áp dụng biện pháp mạnh tay như vậy. Khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ronaldo Puno đã sa thải cảnh sát trưởng Maguindanao. Dư luận coi việc thay toàn bộ lực lượng cảnh sát (1.092 người) tại tỉnh Maguindanao là nhằm phục vụ công tác điều tra được thuận lợi, không bị cản trở.

Bộ trưởng Nội vụ Ronaldo Puno cho biết, những người thân của gia tộc Ampatuan làm việc trong lực lượng cảnh sát sẽ ngầm phá hoại tiến trình điều tra, nên họ phải bị thay thế. Đồng thời cho biết, Thị trưởng Andal Ampatuan Junior đã nộp mình cho ông Jesus Dureza, cố vấn hòa bình của bà Gloria Macapagal Arroyo tại thủ phủ Shariff Aguak của tỉnh Maguindanao sáng 26/11/2009. Còn cựu Bộ trưởng Tư pháp Agnes Devanadera ra tận sân bay để đón Andal Ampatuan Junior sau khi máy bay trực thăng hạ cánh xuống thành phố General Santos.

Ngày 27/11/2009, cựu Bộ trưởng Tư pháp Agnes Devanadera cho biết, nhiều nhân chứng trong vụ thảm sát con tin hôm 23/11/2009 khẳng định, họ tận mắt chứng kiến ông Andal Ampatuan Junior, Thị trưởng Datu Unsay trực tiếp ra lệnh và tham gia sát hại con tin. Một nhân chứng nói, đã nhìn thấy Thị trưởng Andal Ampatuan Junior ra lệnh và nã đạn vào con tin.

Tỉnh trưởng Maguindanao Esmael "Toto" Mangudadatu.

Một nhân chứng khác còn nhấn mạnh, ông Andal Ampatuan Junior đã ra lệnh cho các tay súng khóa trái 6 chiếc ôtô chở chính trị gia cùng gia đình và phóng viên, sau đó xả súng vào họ, rồi ném thi thể xuống hố. Nạn nhân chết đều bị bắn ở cự ly rất gần, một số người chết trong tư thế tay bị trói đằng sau. Cựu Bộ trưởng Agnes Devanadera còn nhấn mạnh, một số nhân chứng đã nhìn thấy khoảng 100 tay súng, trong đó có nhiều binh sĩ quân đội và cảnh sát tham gia bắt giữ và sát hại con tin.

Giáo sư luật của Trường Ðại học Philippines Theodore Te cho rằng, việc trì hoãn của tòa diễn ra bởi hệ thống tư pháp coi đây là vụ án bình thường, chứ không phải vụ thảm sát đã và đang thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Theo ông Theodore Te, Bộ Tư pháp nên điều khoảng 20 công tố viên cho vụ này và Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima cũng đã nhiều lần lên án tiến độ chậm chạp của tòa. Tính đến nay đã có 103 người bị bắt và 81 người trong số này bị truy tố, nhưng vẫn còn 92 nghi can chưa bị bắt khiến cho phiên xét xử vụ án làm nhiều phóng viên bị chết nhất trên thế giới không thể đi đến hồi kết.

Vướng mắc ở đâu?

Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Benigno Aquino đã tuyên bố, 23/11 là ngày lễ tưởng niệm quốc gia, đồng thời ra lệnh cho các cơ quan hữu trách phải nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử. Tròn 2 năm sau vụ thảm sát (23/11/2009 – 23/11/2011), Thượng viện Philippines cũng thông qua nghị quyết, lấy ngày 23/11 hàng năm là ngày quốc gia tưởng niệm vụ án ở Maguindanao. Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu, Mỹ, Anh và nhiều nước trên thế giới đã lên án vụ thảm sát tại Maguindanao.

Tỉnh trưởng Maguindanao Esmael "Toto" Mangudadatu (còn gọi là Ismael Mangudadatu) nhiều lần tuyên bố, vô cùng bức xúc và chán ngán trước tiến trình chậm chạp của phiên tòa, nhưng vẫn lạc quan - chúng ta có thể đi đến công lý, và phán quyết chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều người nói rằng, "vấn đề thời gian" có thể lâu, thậm chí rất lâu.

Luật sư Harry Roque đại diện cho các thành viên của những gia đình bị hại muốn bãi bỏ các cáo trạng đối với phần lớn trong gần 200 người bị buộc tội, chỉ truy tố 35 nghi can chính. Nhưng bên bị không muốn thấy danh sách nghi can bị rút xuống.

Ông Ismael Mangudadatu, Phó Thị trưởng thành phố Buluan đã trở thành "kẻ thù không đội trời chung" với gia tộc Ampatuan sau khi quyết định ra tranh ghế Tỉnh trưởng Maguindanao. Mặc dù đã dự tính đến khả năng xấu nhất, nhưng yêu cầu có cảnh sát bảo vệ đoàn xe chở vợ và người thân đi đăng ký bầu cử của ông Ismael Mangudadatu bị từ chối. Tuy nhiên, vụ thảm sát hôm 23/11/2009 đã giúp ông Ismael Mangudadatu đắc cử Tỉnh trưởng Maguindanao trong cuộc bầu cử ngày 10/5/2010.

Andal Ampatuan Junior khi bị dẫn ra tòa.

Theo giới truyền thông, trước khi giành quy chế Khu tự trị, gia tộc Ampatuan từng có quan hệ rất tốt với gia tộc Mangudadatu. Tại tỉnh Maguindanao, gia tộc Mangudadatu chỉ đứng sau gia tộc Ampatuan và đây là một trong những nguyên nhân khiến không một gia tộc hay đối thủ chính trị nào dám đối đầu với họ. Và trong hơn 20 năm qua, 2 gia tộc này còn củng cố mối giao hảo bằng cách gả con cái cho nhau.

Theo thống kê, trong 20 năm hưởng quy chế Khu tự trị (1989-2009), gia tộc Ampatuan và gia tộc Mangudadatu ngoài việc kết thành đồng minh chính trị, họ còn biết bảo nhau trong việc "hưởng phúc ở Maguindanao". Con cháu và người thân của gia tộc Mangudadatu cũng thay phiên nhau nắm giữ những cương vị quan trọng tại các thành phố và thị trấn còn lại của tỉnh Maguindanao.

Nhưng thông báo với gia tộc Ampatuan (năm 2008) về việc quyết định cử người ra tranh cử ghế Tỉnh trưởng Maguindanao trong cuộc bầu cử năm 2010 bị coi là hành động gửi "chiến thư" của gia tộc Mangudadatu. Bởi trước khi xảy ra vụ thảm sát hôm 23/11/2009, gia tộc Mangudadatu đã nhiều lần nhận được cảnh báo của gia tộc Ampatuan.

Theo giới truyền thông, sau 3 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Andal Ampatuan Senior muốn để con trai Andal Ampatuan Junior ngồi vào chiếc ghế Tỉnh trưởng đầy quyền lực, nên thảm án mới xảy ra. Và vụ thảm sát đã được lên kế hoạch khá chu đáo - đào nhiều huyệt đạo để chôn nạn nhân, nhiều nghi can hiện vẫn biệt vô âm tín.

Tổ chức Human Rights Watch từng cảnh báo, mối quan hệ mật thiết giữa gia tộc Ampatuan với chính quyền trung ương sẽ khiến cho cuộc điều tra và xét xử gặp khó khăn. Bởi gia tộc Ampatuan từng giúp cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo giành nhiều lá phiếu ủng hộ tại tỉnh Maguindanao trong những cuộc bầu cử trước đây.

Theo giới truyền thông, trong nhiều năm qua, gia tộc Ampatuan không những là người quản trị tỉnh Maguindanao, mà còn là đồng minh của cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo. Hầu hết con trai, cháu nội ngoại và người thân của ông Andal Ampatuan Senior đều được làm "quan lớn" tại Maguindanao.

Tuy vụ thảm sát hôm 23/11/2009 được dư luận đặc biệt quan tâm, nhưng toà lại xử kín vì lý do an ninh. Tòa được lập ngay bên trong trụ sở của Cục Điều tra quốc gia Philippines tại thủ đô Manila. Lời khai của nhân chứng Datu Rasul Sangki tuy được dư luận và giới chuyên môn quan tâm bởi ông là Phó Thị trưởng của tỉnh Maguidanao, một trong những người có mặt tại hiện trường hôm xảy ra vụ thảm sát, nhưng cho tới nay tòa vẫn chưa thể đưa ra phán quyết cuối cùng bởi còn thiếu nhiều nhân chứng, vật chứng…

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.