Chi tiền để chống trốn thuế

Thứ Năm, 06/10/2016, 08:03
“Tôi không thể nhân danh quốc gia khác, nhưng có thể nói Đan Mạch công khai về những gì chính quyền làm. Việc tiếp xúc với nguồn giấu tên đã được thực hiện thông qua một nước khác bằng tin nhắn mã hóa", quan chức Cơ quan Thuế và Hải quan Đan Mạch (DCTA) Jim Soerensen đã tuyên bố như vậy với hãng AP hôm 29-9. 


Và tuyên bố kể trên được đưa ra ngay sau khi Đan Mạch quyết định chi 5,9 triệu kroner (khoảng 902.500 USD) cho nguồn giấu tên để nhận các tài liệu bị rò rỉ từ hãng luật Panama Mossack Monseca liên quan tới các khách hàng Đan Mạch đã mở các công ty ở hải ngoại để trốn thuế.

Theo đó, 4,7 triệu kroner (706.960 USD) được trả trực tiếp cho nguồn giấu tên và 1,2 triệu kroner (180.500 USD) là các loại thuế giao dịch. “Nếu phát hiện bất kỳ thông tin liên quan tới nước khác, chúng tôi sẽ chuyển theo các hiệp ước quốc tế", ông Jim Soerensen cho biết thêm.

Các nghị sĩ châu Âu tham gia phiên điều trần đầu tiên về vụ “Hồ sơ Panama” ở Brussels hôm 27-9.

Theo ông Jim Soerensen, họ đã được xem số tài liệu kể trên từ ngày 9-9 trước khi trả tiền để sở hữu nó. Và giới chức Đan Mạch đã nhận được lời đề nghị từ nguồn giấu tên về các tài liệu từ “Hồ sơ Panama” có thể liên quan tới 600 người Đan Mạch bị coi là trốn thuế. “Việc chi tiền đã được đa số nghị sỹ trong Quốc hội Đan Mạch ủng hộ”, ông Jim Soerensen khẳng định.

Theo giới truyền thông, việc Đan Mạch mua “Hồ sơ Panama” để điều tra trốn thuế vừa cho thấy thái độ quyết liệt của chính phủ nước này, vừa chứng tỏ mức độ tổn thất từ vấn nạn trốn thuế. Theo thống kê, chỉ trong 3 năm qua, tình trạng gian lận thuế đã khiến Đan Mạch tổn thất 1,85 tỉ USD.

Vẫn theo lời ông Jim Sorensen, sau khi sở hữu số tài liệu trong “Hồ sơ Panama”, các nhân viên điều tra sẽ nghiên cứu và điều tra đối với những nghi vấn trốn thuế. Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên chi tiền để sở hữu tài liệu từ “Hồ sơ Panama”. Trước đó (7-9), ông Karsten Lauritzen, Bộ trưởng Thuế vụ Đan Mạch cho biết, sẵn sàng chi 9 triệu kroner (khoảng 1,4 triệu USD) để sở hữu thông tin từ “Hồ sơ Panama”.

Theo lời ông Karsten Lauritzen, Chính phủ Đan Mạch đã mở cuộc điều tra vào 8 ngân hàng của nước này. Và cảnh sát đang điều tra xem liệu ngân hàng Nordea Bank, với 11 triệu khách hàng, có tham gia rửa tiền hay không. "Chúng tôi nợ tất cả những người đóng thuế đàng hoàng tại Đan Mạch", ông Karsten Lauritzen tuyên bố. Theo hãng Reuters, quyết định mạnh tay của Đan Mạch là một phần trong nỗ lực loại bỏ vấn nạn trốn thuế mà nước này, cũng như thế giới đang phải đối mặt.

Trước đó (26-9), cơ quan chức năng Pháp đã yêu cầu Thụy Sĩ cung cấp dữ liệu của hơn 45.000 tài khoản khách hàng Pháp tại ngân hàng UBS do liên quan đến cuộc điều tra trốn thuế. Bởi ngân hàng UBS, một trong những ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ từng nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng Pháp.

Pháp yêu cầu Thụy Sĩ cung cấp dữ liệu của 45.161 tài khoản khách hàng Pháp trong giai đoạn 2006-2008. Tờ Le Parisien dẫn lời nhà chức trách Pháp cho biết, tổng số tài sản có trong các tài khoản tại UBS lên đến 11 tỷ Franc Thụy Sĩ (11 tỷ USD), và điều này đồng nghĩa với việc Pháp mất hàng tỷ euro do trốn thuế.

Văn phòng Công ty Mossack Fonseca tại Panama.

Theo giới truyền thông, Pháp mới xác định được 4.782 tài khoản, còn 40.379 tài khoản nữa chưa được xác định. Nhà báo Bastian Obermayer, phóng viên điều tra của tờ Suddeutsche Zeitung (Đức), là người liên lạc với nhân vật đứng sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” và chỉ sử dụng biệt danh John Doe, quyết không lộ diện, vừa đề xuất, Nghị viện châu Âu cần sớm làm sáng tỏ vụ này và giúp chấm dứt hoạt động trốn thuế của những người siêu giàu và siêu quyền lực.

Nghị sĩ Hi Lạp Stelios Kouloglou yêu cầu có chính sách bảo vệ tốt hơn đối với những người tố cáo sai phạm và các nhà báo đã tham gia quá trình điều tra “Hồ sơ Panama”. Giới truyền thông đưa tin, Đức, Pháp và Anh cũng muốn chi tiền để mua dữ liệu từ “Hồ sơ Panama”, nhưng việc này vẫn chưa được thực hiện.

Theo tờ The Guardian, Nghị viện châu Âu đã quyết định mở cuộc điều tra kéo dài 10 tháng về các thông tin liên quan tới “Hồ sơ Panama”. Và tại phiên điều trần diễn ra hôm 27-9, hội đồng điều tra gồm 65 thành viên đã nghe các nhà báo liên quan tới "Hồ sơ Panama" trình bày các chứng cứ. Các nghị sĩ châu Âu sẽ điều tra việc có hay không chính phủ các nước và Ủy ban châu Âu đã không triển khai các điều luật minh bạch tài chính và chống trốn thuế.

Cuộc điều tra sẽ tập trung vào vai trò của các phần lãnh thổ thuộc Anh ở nước ngoài vì gần một nửa trong số 214.000 công ty, quỹ ủy thác bị liệt kê trong “Hồ sơ Panama” đã đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Nghị sĩ Molly Scott Cato thuộc đảng Xanh của Anh cho rằng, Anh là tâm điểm trong “Hồ sơ Panama” và xứ sở sương mù sẽ trở thành thiên đường trốn thuế lớn nhất thế giới sau khi nước này rời Liên minh châu Âu.

Thiện Lân
.
.
.