Châu Âu vẫn bị chia rẽ vì "lộ trình Balkan"
Theo giới truyền thông, EU và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được thỏa thuận về các hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bởi EU không nhất trí với các đề xuất mới do Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nêu ra. Và vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17 và 18-3.
Tại hội nghị kể trên, ông Ahmet Davutoglu đã đưa ra một loạt đề xuất mới, trong đó có khoản hỗ trợ bổ sung 3 tỷ euro - tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính lên 6 tỷ euro đến năm 2018, để Ankara giúp kiềm chế làn sóng di cư vào châu Âu.
Ngoài ra, EU tái định cư cho một người tị nạn Syria từ Th#ổ Nhĩ Kỳ, để đổi lấy việc Ankara tiếp nhận một người tị nạn Syria từ các đảo của Hy Lạp bị quá tải. Thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng hy vọng, chậm nhất tới cuối tháng 6-2016, công dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể vào khu vực Schengen mà không cần thị thực, nhưng việc này không được thông qua tại hội nghị này.
Người tị nạn Syria vượt biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. |
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng chỉ trích EU chậm trễ trong việc giải ngân khoản hỗ trợ tài chính 3 tỷ euro đã được thông qua trước đó cho Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần nhấn mạnh về số người nhập cư mà nước này đã tiếp nhận tới nay - khoảng 2,5 triệu người chính thức đăng ký nhập cư, trong đó khoảng 1/10 sống trong các trại tị nạn. Giới truyền thông cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn được trả giá cao hơn cho sự hợp tác của họ với EU trong chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.
Theo thống kê, hiện trung bình mỗi ngày có hơn 2.000 người tị nạn vượt biển Aegean trên những chiếc thuyền và tàu đánh cá từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối yêu cầu đòi đóng cửa "lộ trình Balkan" đối với người tị nạn.
Đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng là EU cần tìm ra giải pháp bền vững với Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Angela Merkel cũng cho rằng, Hy Lạp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết về việc cung cấp nơi cư ngụ cho 50.000 người tị nạn và EU cần hỗ trợ Athens thực hiện nhiệm vụ này. Bởi Hy Lạp là cửa ngõ chính đối với 1,13 triệu người di cư vào châu Âu trong 14 tháng qua và Athens kêu gọi EU hỗ trợ 520 triệu USD để lo nơi ăn chốn ở cho hàng trăm nghìn người tị nạn.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi việc tái phân bổ khẩn cấp hàng nghìn người nhập cư tới các nước trong EU, sau khi Macedonia thắt chặt việc phong tỏa biên giới khiến người nhập cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp. Bởi chính phủ Macedonia quyết định tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với dòng người tị nạn đang tìm cách vượt biên vào nước này.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã kêu gọi Chính phủ Đức đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn mỗi năm nhằm hạn chế người tị nạn vào châu Âu. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz xác nhận, ngày 7-3, EU sẽ nhất trí đóng cửa "lộ trình Balkan" đối với người di cư vào châu Âu. Và theo kế hoạch, Áo sẽ tiếp nhận tối đa 37.500 đơn tị nạn trong năm nay, sau mức 90.000 đơn năm 2015.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, điều quan trọng hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận toàn bộ người tị nạn không phải dân Syria và châu Âu không muốn thấy làn sóng người tị nạn Syria kéo vào từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường cuộc chiến chống bọn buôn người với sự hỗ trợ từ các tàu của NATO trên biển Aegean. Và trước tình trạng quá tải hiện nay, EU muốn điều chỉnh chính sách nhập cư để cân đối giữa các nước ở "lục địa già".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron lại tuyên bố, London sẽ không tham gia bất kỳ hệ thống tị nạn chung nào của EU. Và vì Anh không phải thành viên của khu vực Schengen (miễn thị thực giữa các nước thành viên EU) nên London có thể duy trì các biện pháp bảo vệ biên giới.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi EU thông báo, có thể đề xuất tập trung hóa đối với yêu cầu tị nạn, và coi đây là một phần trong chính sách di cư tổng thể sẽ được thương đàm và công bố tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17 và 18-3. Ông David Cameron cũng cho biết, hải quân Anh sẽ tham gia lực lượng NATO để ngăn chặn và hồi hương người tị nạn cố tìm cách đến châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ.