Châu Âu thành lập lực lượng cảnh sát chống buôn người

Thứ Sáu, 26/02/2016, 10:21
Ngày 22-2, cảnh sát châu Âu (Europol) đã thành lập lực lượng chuyên trách đối phó với hoạt động buôn người và đưa người nhập cư bất hợp pháp vào "lục địa già".

Lực lượng này có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, có nhiệm vụ giúp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác trong việc chống lại vấn nạn đang khiến châu Âu phải gồng mình chống đỡ.

Giám đốc Europol Rob Wainwright cho biết, hoạt động buôn người đang là loại tội phạm phát triển nhanh nhất ở châu Âu và sẽ thảo luận để hợp tác sâu hơn với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phần lớn người tị nạn chọn làm điểm khởi hành hướng tới châu Âu. Và đó là một phần trong nỗ lực ngăn chặn dòng người tị nạn đổ về châu Âu.

Người tị nạn ở Slovenia.

Theo ước tính của Europol, có tới 9/10 người tìm kiếm quy chế tị nạn tại châu Âu đến được "lục địa già" đều nhờ vào mạng lưới buôn người.

Ngày 23-2, Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã phản đối việc Áo gạt nước này khỏi hội nghị bàn về vấn đề người di cư ở Balkan diễn ra hôm 24-2 tại thủ đô Vienna. Áo đang muốn hợp tác với Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech để kiểm soát biên giới bên trong khu vực Schengen.

Sau tuyên bố áp đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn, Áo đã điều thêm 450 binh sỹ tới khu vực biên giới và từ sáng 22-2, những binh sỹ kể trên đã hỗ trợ lực lượng cảnh sát giám sát dòng người tị nạn vào nước này. Ngày 22-2, Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex) cho biết, số người tị nạn tới Hy Lạp trong tháng 1 đã giảm khoảng 40%, còn 68.000 trường hợp so với tháng 12-2015.

Những người tị nạn tìm kiếm cơ hội được nhập cư vào Czech.

Cùng ngày 22-2, với 69 phiếu thuận và 5 phiếu chống trên tổng số 90 phiếu, Quốc hội Slovenia đã thông qua dự luật điều động quân đội trợ giúp lực lượng cảnh sát kiểm soát dòng người di cư tràn qua khu vực biên giới giữa nước này với Croatia. Bộ trưởng Nội vụ Vesna Gyorkos Znidar coi đây là sự hỗ trợ cần thiết nhằm giảm bớt áp lực cho lực lượng cảnh sát trong việc kiểm soát biên giới.

Cũng trong ngày 22-2, cảnh sát Hungary cho biết, khoảng 1.500 người di cư đã tìm cách xâm nhập trái phép vào nước này từ Serbia. Do đó, Hungary sẽ đẩy nhanh việc xây dựng hàng rào tại biên giới với Romania nếu người di cư xâm nhập trái phép từ hướng này.

Theo giới truyền thông, có hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp sau khi Macedonia bất ngờ đóng cửa biên giới nước này với Afghanistan hôm 22-2. Theo thông báo của cảnh sát Macedonia, nước này buộc phải hạn chế số người di cư Afghanistan do Serbia, Croatia và Slovenia giảm tiếp nhận người nhập cư.

Ngày 21-2, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Czech Martin Stropnicky khẳng định, mạng lưới tội phạm buôn người di cư vào châu Âu thu lợi nhuận hơn cả buôn lậu ma túy và vũ khí. Đồng thời tỏ ý hoài nghi về khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong việc hạn chế số lượng người tị nạn mới vào châu Âu.

Bộ Nội vụ Bulgaria cho biết, từ 17 giờ ngày 21-2 tất cả các trạm kiểm soát của nước này dọc đường biên giới với Hy Lạp đã được mở cửa trở lại, sau 3 ngày kể từ khi giới tài xế xe tải Bulgaria phong tỏa 6 trạm kiểm soát dọc biên giới với Hy Lạp.

Ngày 22-2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cảnh báo, các nước châu Âu chỉ còn 2 tuần để thực thi các biện pháp mà các nhà lãnh đạo EU vừa đạt được tại hội nghị thượng đỉnh trước đó. Và trong số các biện pháp ưu tiên thực hiện có chiến dịch hành động chung EU-Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hợp tác của Frontex nhằm chống đưa người lậu vào châu Âu, cũng như đưa người tị nạn ở Địa Trung Hải trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Frontex ghi nhận, có hơn 1,83 triệu người vượt biên trái phép vào EU trong năm 2015. Giới truyền thông cho biết, khoảng 200.000 người tị nạn đang chờ ở Bắc Phi để vào châu Âu. Và việc siết chặt công tác bảo vệ biên giới ngoài EU ở biển Aegean giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới việc nhiều người tị nạn phải chọn lộ trình vượt Địa Trung Hải từ Libya và Ai Cập để vào châu Âu.

Theo thông báo của chính quyền tỉnh Pas-de-Calais, Pháp, từ ngày 24-2, cảnh sát bắt đầu dỡ bỏ khu lều trại ổ chuột được cho là lớn nhất nước này dành cho người nhập cư trái phép ở ngoại ô thành phố cảng Calais. Dự kiến, người tị nạn tại đây sẽ được chuyển tới khu nhà tạm hoặc các trung tâm tị nạn ở Pháp.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve khẳng định, tiến trình di rời người nhập cư sẽ diễn ra một cách trật tự và tôn trọng cá nhân. Ước tính có khoảng 3.700 người tị nạn và nhập cư ở đây để chờ cơ hội tới Anh bằng cách vượt eo biển Manche hoặc qua tuyến đường hầm Eurotunnel. Trong khi đó giới truyền thông cho biết, IS đã chọn đồng USD làm phương tiện thanh toán. Và theo thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, IS có thể sở hữu khoảng 1 tỷ USD và chúng dùng số tiền này để tài trợ cho khủng bố.

Nhiệm Bình
.
.
.