Châu Âu:

Cảnh sát chống buôn người và nhập cư bất hợp pháp

Chủ Nhật, 08/05/2016, 15:55
Dòng người đổ về châu Âu như thác lũ đang trở thành "miếng mồi ngon" cho các tổ chức tội phạm buôn người. Chính điều này đã thúc giục các quốc gia châu Âu sớm thành lập một lực lượng chuyên trách đối phó với hoạt động buôn người và đưa người nhập cư bất hợp pháp vào "lục địa già" này.


Lời tuyên chiến mới

Trong một tuyên bố được đưa ra từ cuối tháng 2, cảnh sát châu Âu (Europol) cho hay, lực lượng chuyên trách đối phó với nạn buôn người và nhập cư bất hợp pháp (EMSC) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan và có nhiệm vụ giúp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin. 

Giám đốc Europol Rob Wainwright cho biết, hoạt động buôn người đang là loại tội phạm phát triển nhanh nhất ở châu Âu. Do đó, giới chức Europol sẽ sớm thảo luận để hợp tác sâu hơn với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phần lớn người tị nạn chọn làm điểm khởi hành hướng tới châu Âu trong nỗ lực ngăn chặn dòng người tị nạn đổ về châu Âu. 

Ông Rob Wainwright còn tiết lộ rằng, hiện Europol đang theo dõi hơn 40.000 người bị tình nghi dính líu tới hoạt động buôn người di cư. Các nghi phạm đến từ hơn 100 quốc gia nhưng nhiều nhất là người mang quốc tịch Bulgaria, Ai Cập, Hungary, Iraq, Kosovo, Pakistan, Ba Lan, Romania, Serbia, Syria, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ cuối tháng 2, cảnh sát châu Âu (Europol) đã thành lập lực lượng chuyên trách đối phó với nạn buôn người và nhập cư bất hợp pháp (EMSC). 
Những người nhập cư trái phép thường phó mặc số phận trên những con thuyền lênh đênh ở biển.

Cùng với chiến dịch của Europol, cảnh sát các nước cũng thực hiện các cuộc truy quét tội phạm buôn người tại từng vùng riêng lẻ. Như ở Áo, cơ quan chống buôn người đã phối hợp với các đồng nghiệp tại Hy Lạp để xác định 200 đường dây buôn người từ Afghanistan và vùng Trung Đông tới EU qua khu vực Balkans. Những kẻ buôn người này có mặt ở khắp nơi, từ Bulgaria, Hungary, Macedonia đến Romania và Serbia. 

Tại nhà ga xe lửa Keleti ở thủ đô Budapest (Hungary), nơi hàng nghìn người tị nạn đang trên đường tới Tây Âu nhưng bị nhà chức trách nước này chặn lại, sự hiện diện của những kẻ buôn người có vẻ như là điều bình thường. Lực lượng này lặng lẽ tiếp cận đám đông người di cư, mời chào đưa họ tới Áo với giá vài trăm USD. 

Đại tá Gerald Tatzgern, người đứng đầu cơ quan chống buôn người của Áo cho biết, từ tháng 9 năm ngoái tới nay, cảnh sát Áo thường xuyên phát hiện những xe tải khóa kín, chở người nhập cư bất hợp pháp di chuyển trên quốc lộ. Nhiều người trong số họ đã thiệt mạng. 

Tổng Vụ trưởng Vụ An ninh Công cộng thuộc Bộ Nội vụ Áo Konrad Kogler thì cho biết, giới chức nước này đã phát hiện khoảng 500 người tị nạn và bắt giữ 10 đối tượng buôn người trong một chiến dịch mới được triển khai ở các khu vực dọc biên giới nước này hồi đầu năm. 

Tại Hungary, 18 người Romania đã bị bắt vì tình nghi liên quan đến các vụ buôn người nhập cư không giấy tờ tùy thân qua biên giới nước này… Nhiều quốc gia khác cũng đang chật vật đối phó với dòng người nhập cư chạy trốn khỏi xung đột và nghèo đói tại những nước ở Trung Đông, Bắc Phi, châu Phi hạ Sahara hay một số nước ở Nam Á.

Sự hỗ trợ của NATO

Bên cạnh những chiến dịch truy quét lớn của lực lượng cảnh sát, các quốc gia châu Âu cũng bắt đầu sử dụng một biện pháp khác là xây dựng hàng rào để ngăn chặn người nhập cư. Hungary hồi cuối năm ngoái đã hoàn thành hệ thống tường rào cao 3,5m, dài gần 200km dọc biên giới với Serbia. Macedonia cũng dựng hàng rào thép tại khu vực biên giới phía Nam giáp với Hy Lạp nhằm sàng lọc những người tị nạn. 

Chính phủ Macedonia cho biết việc xây dựng hàng rào là nhằm hướng dòng người di cư về những trạm kiểm soát để những người này có thể đăng ký xin tị nạn và được hỗ trợ nhân đạo, chứ không hoàn toàn đóng cửa đối với những người tị nạn. Các quốc gia khác thì điều chuyển thêm nhiều cảnh sát và binh lính kiểm soát vùng cửa khẩu. Như ở Bỉ, hơn 1.000 cảnh sát liên bang đã được đưa đến các đồn biên phòng. Đức, Tây Ban Nha cũng vậy. Riêng ở khu vực biên giới Hungary và Serbia thì có tới 2.100 cảnh sát được triển khai với chó nghiệp vụ, ngựa và cả máy bay.

Ngoài các hoạt động phòng ngừa trên đường bộ và đường hàng không, Europol cũng đã phối hợp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thắt chặt vòng vây nhằm vào các tổ chức tội phạm buôn người trên biển. Cụ thể, từ tháng 3 đến nay, NATO đã cử một nhóm tàu hải quân tới vùng biển Aegean theo đề xuất từ Đức, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, NATO cũng tăng cường hợp tác với Cơ quan biên giới châu Âu (Frontex) của EU để đưa tàu tới vùng biển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Chúng tôi tiến hành các hoạt động do thám, giám sát, thu thập thông tin và chia sẻ thông tin với lực lượng bảo vệ bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp cũng như Frontex để giúp họ xử lý cuộc khủng hoảng di cư, cắt đứt đường dây buôn lậu và buôn người". Hải quân Hoàng gia Anh cũng triển khai tàu đổ bộ RFA Mounts Bay tham gia sứ mệnh này cùng với 2 tàu tuần tra biên giới và một tàu dân sự.

Những con số đau lòng

Theo ước tính của Europol, có tới 9/10 người tìm kiếm quy chế tị nạn tại châu Âu đến được "lục địa già" đều nhờ vào mạng lưới buôn người. Europol cũng đã xác định được hơn 230 địa điểm trong vào ngoài EU, nơi tình trạng buôn người nhập cư và các hoạt động hỗ trợ nó diễn ra. 

Trong số này, 11 "điểm nóng" buôn người di cư hàng đầu ngoài EU chủ yếu là ở Bắc Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Amman (Jordan); Algiers và Oran (Algeria); Beirut (Lebanon); Benghazi, Misrata và Tripoli (Libya); Cairo (Ai Cập); Casablanca (Morocco); Istanbul và Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ). 

Trong khi đó, các thành phố châu Âu nơi người nhập cư được hỗ trợ để di chuyển đến các địa điểm khác của EU bao gồm Athens và Thessaloniki (Hy Lạp); Berlin, Frankfurt, Hamburg và Munich (Đức); Budapest (Hungary); Copenhagen (Đan Mạch); London (Anh); Madrid (Tây Ban Nha); Milan và Rome (Italia); Paris (Pháp); Stockholm (Thụy Điển); Vienna (Áo) và Warsaw (Ba Lan). 

Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner thì cho hay, hoạt động buôn người ở châu Âu hiện đã phát triển thành mô hình kinh doanh trị giá từ 3-6 tỷ USD/năm. Có nhiều băng đảng tội phạm đang chuyển từ hoạt động buôn ma túy sang buôn người vì lợi nhuận quá lớn.

Thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cũng có thấy, đã có hơn 1 triệu người di cư và tị nạn tới Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2015 (gấp 4 lần năm 2014) và rất khó để dự đoán diễn biến của cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn châu Âu trong năm 2016. 

Giám đốc IOM William Lacy Swing còn tiết lộ, trung bình mỗi gia đình người di cư và tị nạn phải chi cho bọn buôn người từ 2.000 đến 6.000 USD mới có cơ hội đến EU. 

Trong khi đó, chỉ huy lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới Thụy Điển Patrik Engstrom cảnh báo, những kẻ buôn người có rất nhiều mánh khóe để đưa người di cư vào quốc gia này, từ hình thức đơn giản như sử dụng các xe nhà ở lưu động giới giá thấp hay phức tạp hơn là thuê cả phi cơ, khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ, để chuyển người di cư. 

Đây là hình thức di chuyển nhanh và hạn chế được nhiều rủi ro nên khách hàng phải trả khoảng 10.000 USD cho một chỗ ngồi trên chuyến bay này. Khi tiếp đất, họ được xác nhận là người tị nạn… 

Còn điều tra chung của Europol và cảnh sát Thụy Điển cho thấy để đi thuyền từ Tây Libya vượt Địa Trung Hải tới Lampedusa, Italia, mỗi người di cư phải trả 900 USD. Một vé tàu từ Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) tới Kos (Hy Lạp) tốn 1.000 USD - 2.000 USD. Đi đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức tốn kém tới 10.000 USD - 12.500 USD. Taxi từ biên giới Serbia - Hungary tới Áo tốn 1.100 USD - 1.200 USD. Taxi từ biên giới Hungary - Serbia tới Budapest có giá khoảng 200 USD. Và di chuyển từ Budapest tới Vienna (Áo) có chi phí từ 650 USD - 1.000 USD. 

Đáng lo ngại nhất là việc trong số hơn 1 triệu người di cư tới EU hồi năm ngoái thì có ¼ là trẻ vị thành niên, 85.000 trẻ không có người lớn đi cùng và 10.000 trẻ em trong số này đã biến mất sau khi tới châu Âu. 

Anh Tuấn
.
.
.