Châu Âu tăng cường chống khủng bố
Và từ 7 đến 10-7, Ba Lan sẽ áp dụng hạn chế đối với các chuyến bay hàng không, các máy bay cỡ nhỏ sẽ bị cấm bay trong bán kính 100km từ thủ đô Warsaw, trong khi một số máy bay cỡ lớn phải thay đổi đáng kể đường bay.
Những biện pháp kiểm soát tại biên giới với các nước khu vực Schengen sẽ được dỡ bỏ từ ngày 2-8. Động thái kể trên diễn ra sau khi đạo luật chống khủng bố quy định mở rộng quyền hạn của các cơ quan thực thi pháp luật tại Ba Lan bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 2-7.
Cảnh sát Bỉ sẵn sàng đối mặt trong mọi tình huống. |
Đạo luật chống khủng bố cho phép bắt giữ các đối tượng tình nghi trong thời hạn 2 tuần, sau đó các cơ quan hữu quan phải đưa ra cáo buộc trong vòng 14 ngày. Các cơ quan thực thi pháp luật có quyền lục soát và bắt giữ những đối tượng tình nghi bất kể ngày hay đêm.
Cũng theo đạo luật này, Bộ Nội vụ có quyền trục xuất ngay lập tức những người nước ngoài là mối đe dọa đối với Ba Lan. Đạo luật chống khủng bố cũng quy định việc người sử dụng dịch vụ điện thoại trả trước phải đăng ký và việc cơ quan chức năng có thể nhanh chóng truy cập dữ liệu cá nhân của người dân.
Luật cũng quy định các cấp độ nguy cơ khủng bố, trong đó quyền hạn của các cơ quan thực thi pháp luật được mở rộng đáng kể. Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Blaszczak khẳng định, những quy định này hoàn toàn chính xác, rõ ràng nhằm đảm bảo an ninh cho công dân Ba Lan.
Ngày 2-7, khi trả lời phỏng vấn tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Giám đốc Cục Bảo vệ hiến pháp liên bang Đức (BfV) Hans-Georg Maassen tuyên bố, họ không loại trừ khả năng vụ tấn công ở Istanbul có thể xảy ra tại Đức.
Theo ông Hans-Georg Maassen, các vụ tấn công ở châu Âu ngày càng trở nên quan trọng đối với IS - hăm dọa người dân và gửi thông điệp tới những đối tượng ủng hộ chúng. Trước đó (24-6), Quốc hội Đức đã thông qua đạo luật chống khủng bố sửa đổi, tăng thêm quyền cho lực lượng chống khủng bố.
Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho biết, các tổ chức khủng bố quốc tế có quan hệ với nhau, nên các nước cần liên kết và trao đổi thông tin. Theo thống kê, Đức hiện có khoảng 1.100 đối tượng thuộc dạng tình nghi là phần tử cực đoan, trong đó 470 thuộc dạng nguy hiểm.
Được biết, Bộ Nội vụ Đức đã thành lập thêm một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố (gọi là BFE+), chuyên trách về bắt giữ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm và bảo vệ nhân chứng, trực thuộc cảnh sát liên bang nhằm hỗ trợ các đơn vị đặc nhiệm trước những nguy cơ an ninh ngày càng gia tăng.
Pháp đã thông qua luật mới (25-5) về chống khủng bố, tăng quyền cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và mở rộng quy mô hoạt động theo dõi, phòng ngừa đối với các đối tượng tình nghi. Theo đó, cảnh sát sẽ có quyền khám xét vào ban đêm, kể cả tại nhà riêng.
Bộ trưởng Tư pháp Pháp Jean-Jacques Urvoas cho rằng, khủng bố là mối đe dọa thường trực đối với an ninh quốc gia, và mọi biện pháp đều nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống khủng bố và các tổ chức tội phạm.
Ủy ban Chống khủng bố của Quốc hội Bỉ cũng đã nhất trí thông qua dự luật cho phép tiến hành bố ráp 24/24 giờ và lập ngân hàng dữ liệu chung cho các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực chống khủng bố.
Ngoài ra, Ủy ban Chống khủng bố còn bổ nhiệm một cố vấn an ninh và bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như mở rộng việc nghe lén liên quan đến buôn bán vũ khí. Bulgaria cũng thông qua kế hoạch chống cực đoan hóa và chủ nghĩa khủng bố.
Cảnh sát đặc nhiệm Ba Lan diễn tập giải cứu con tin. |
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter công bố gói dự thảo gồm các biện pháp chống khủng bố mới nhằm giúp việc giám sát điện thoại và Internet trở nên dễ dàng trong công tác điều tra.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng có quyền giám sát các tài khoản ngân hàng của cá nhân và tổ chức nghi ngờ có liên hệ với chủ nghĩa cực đoan. Theo giới truyền thông, Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp các nước EU đã cam kết cải thiện công tác chia sẻ thông tin chống khủng bố.
Theo kế hoạch đã định, từ thượng tuần tháng 7, một trung tâm chống khủng bố mới được thành lập tại trụ sở Cơ quan Tình báo Hà Lan (AIVD) gần thành phố La Hay (Hague), Hà Lan. Trung tâm chống khủng bố này có nhiệm vụ tạo thuận lợi cũng như đẩy mạnh việc trao đổi thông tin tình báo giữa giới chức an ninh của 30 quốc gia. Giám đốc AIVD Rob Bertholee cho rằng, chủ nghĩa khủng bố là vấn đề xuyên biên giới, đòi hỏi phải có một chiến lược chung để chống lại lực lượng này. |