Châu Âu muốn duy trì Hiệp ước “Bầu trời mở”

Thứ Tư, 27/05/2020, 16:31
Cho dù không thể ngăn cản được quyết định của Mỹ, các thành viên NATO muốn tỏ rõ quan điểm phải duy trì hiệp ước giải trừ vũ khí. Nhiều nước châu Âu đã kêu gọi Mỹ xét lại quyết định.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ sẽ rời Hiệp ước "Bầu trời mở", hiệp ước giám sát không phận ký với 34 nước, với lý do Nga nhiều lần vi phạm thỏa thuận, các thành viên NATO đã họp khẩn cấp tại Brussel (Bỉ). 

Cho dù không thể ngăn cản được quyết định của Mỹ, các thành viên NATO muốn tỏ rõ quan điểm phải duy trì hiệp ước giải trừ vũ khí. Nhiều nước châu Âu đã kêu gọi Mỹ xét lại quyết định.

Hiệp ước “Bầu trời mở” được Mỹ, Nga và một số quốc gia châu Âu ký năm 1992, có hiệu lực năm 2002 nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự. 

Theo hiệp ước, 35 quốc gia thành viên được tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi.

Ông Trump quyết định rời Hiệp ước sau khi cáo buộc Nga liên tục vi phạm thỏa thuận như ngăn cản chuyến bay của Mỹ trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. 

Washington cũng cho rằng Moskva lợi dụng những chuyến bay tại Mỹ và châu Âu để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu, xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh.

Phản ứng trước quyết định này của ông Trump, Bộ Ngoại giao Nga phủ nhận Nga vi phạm Hiệp ước và cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên, trong đó có các quốc gia thành viên NATO. Đồng thời khẳng định Nga sẽ làm mọi thứ có thể để cứu vãn hiệp ước này.

Một phi đội máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.

Theo các nhà phân tích, Hiệp ước “Bầu trời mở” là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Donald Trump xóa bỏ vai trò tham gia của Mỹ kể từ khi nhậm chức.  

Vì thế, nếu Mỹ quyết định chính thức rút khỏi Hiệp ước “Bầu trời mở” sẽ là một lỗ hổng tiếp theo trong cơ chế giám sát quân sự  giữa Nga và Mỹ sau khi hai bên vừa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF, và cũng chưa dứt khoát về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) sắp hết hiệu lực vào năm 2021.

Diễn biến này được cho là không chỉ khiến mối quan hệ Nga - Mỹ bị đẩy lên một cao trào mới mà còn gây ra những xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. 

Việc Mỹ đóng lại một Hiệp ước có ý nghĩa then chốt để đảm bảo niềm tin lẫn nhau ở châu Âu cũng được cảnh báo là sẽ mở ra một tình huống thách thức về an ninh khu vực. 

Những người ủng hộ Hiệp ước “Bầu trời mở” cho rằng hiệp ước vẫn còn giá trị, đặc biệt với các đồng minh châu Âu của Mỹ, bằng cách để các thành viên tham gia "dè chừng" nhau. 

Hiệp ước cũng giúp cho quân đội các nước thành viên NATO hợp tác cùng nhau, vì hầu hết các nhiệm vụ của Mỹ đều được thực hiện trong quan hệ đối tác với quốc gia khác.

Nhiều nước châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng trước thông báo của Mỹ, cho rằng điều này đang làm giảm uy tín và vai trò của Mỹ trên thế giới, làm suy yếu an ninh của các đồng minh châu Âu cũng như toàn cầu. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephan Dujaric cũng cảnh báo về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó kiểm soát.

Vì vậy tại cuộc họp tổ chức ngày 22-5 của NATO, 11 nước châu Âu đã kêu gọi Mỹ xét lại quyết định, trong số đó có Pháp, Đức, Ý và  cả Anh và Ba Lan. Đó là những nước vẫn mong muốn có sự bảo đảm an ninh của Mỹ với khối NATO. 

Một số nước chỉ trích việc rút khỏi hiệp ước “Bầu trời mở” là một quyết định mang tính ý thức hệ của ông Donald Trump, sẽ làm khó khăn thêm cho việc thiết lập trật tự thế giới trên cơ sở quan hệ đa phương.

"Không một chính phủ nào, dù là đồng minh hay không, cho rằng Mỹ cần hoặc nên rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở", chuyên gia an ninh và phân tích hình ảnh độc lập Steffan Watkins cho biết.

Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí tại Đông Á, cho rằng ác cảm của ông Trump với Hiệp ước “Bầu trời mở” không phải do những hạn chế của nó hay bất cứ hành vi vi phạm nào của Nga, mà đơn thuần mang động cơ chính trị. "Trump phản đối nó chỉ bởi vì nó là một hiệp ước", Lewis nói.

Ông Hans Kristensen, chuyên gia hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, cho rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước “Bầu trời mở” của Mỹ là thiếu sáng suốt, phản tác dụng và trái với quan điểm của cộng đồng tình báo, quân đội và các đồng minh của Mỹ. 

"Nó sẽ khiến việc theo dõi các hoạt động của Nga trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi chính quyền Trump đã từ bỏ một loạt hiệp ước quốc tế. Đây là biểu hiện đáng lo ngại của việc chính quyền Trump làm suy yếu trật tự quốc tế", Kristensen nói.

Ngay tại Mỹ, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Nebraska cũng phản đối quyết định của Tổng thống. "Tôi cho rằng việc chúng ta rút khỏi hiệp ước là một sai lầm. Điều quan trọng là các đồng minh của chúng ta muốn nó. Các đối tác NATO nhỏ hơn của chúng ta trông cậy vào những hình ảnh thu được từ các chuyến bay theo hiệp ước", nghị sĩ Don Bacon, cựu thiếu tướng không quân Mỹ, nói. 

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.