Châu Âu mạnh tay với bọn buôn người
Trong thông báo đưa ra hôm 2-1, đại diện NCA cho biết, 2 nghi phạm bị bắt (1 người Iran, 33 tuổi, và 1 người Anh, 24 tuổi) tại thành phố Manchester ngày 2-1 và việc này diễn ra sau khi Chính phủ Anh cho tái triển khai các tàu tuần tra trên biển đi từ Địa Trung Hải.
Vẫn theo NCA, vì đang trong tiến trình điều tra nên họ không thể đưa ra bình luận gì về 2 nghi phạm bị bắt, nhưng khẳng định vụ bắt giữ được tiến hành trong bối cảnh số người tìm cách vào Anh qua tuyến đường biển này gia tăng.
Việc này diễn ra khi Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid có chuyến thăm lực lượng cảnh sát biển tuần tra trên tuyến eo biển Anh tại cảng Dover. Và ông Sajid Javid đã kêu gọi lực lượng hải quân Hoàng gia Anh giúp giải quyết tình trạng gia tăng số tàu vượt biển trái phép vào Anh bằng cách tăng cường lực lượng tuần tra trên biển.
Sự hoảng sợ của phụ nữ và trẻ em khi xuồng chìm dần. |
Mấy ngày trước (30-12-2018), Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid đã điện đàm với Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner và 2 ông đều nhất trí tổ chức họp trong tháng 1-2019 để cùng đưa ra những biện pháp ngăn chặn các nhóm buôn người đưa người bất hợp pháp từ Pháp tới Anh qua eo biển Anh.
Cùng ngày 30-12-2018, đại diện Bộ Nội vụ Anh cho biết, cảnh sát đã nhận báo động vào lúc 7h30 sáng 30-12-2018 về sự có mặt của 6 người đàn ông trên thuyền tại khu vực bờ biển Kingsdown, cách cảng Dover chừng 6 dặm về phía Bắc.
6 người này đều mang quốc tịch Iran, nâng tổng số người vượt eo biển từ Pháp tới Anh bằng thuyền nhỏ là 220 người kể từ tháng 11 đến ngày 30-12-2018.
Hơn 10 ngày trước (27-12-2018), người phụ trách tăng cường năng lực công tác nhập cư thuộc Bộ Nội Vụ Anh, ông David Wood cảnh báo, Anh sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu không có biện pháp cứng rắn gửi trả những người nhập cư trái phép về Pháp. Bởi số người vượt eo biển Anh bất hợp pháp đến Anh trong mùa Giáng sinh 2018 tăng đột biến.
Trong 2 tháng qua, số người vượt biển tăng gấp 10 lần, đưa tổng số người vượt biển lên tới 280 người, đa số là người Iran. Ông David Wood còn cho biết, những kẻ buôn lậu người ngày càng trở nên mạnh bạo hơn vì chúng biết, chỉ cần đưa người qua được quá nửa eo biển Anh là những người này có cơ hội xin tị nạn ở xứ sở sương mù. Được biết, những người vượt eo biển Anh phải trả cho bọn buôn lậu người 5.000 bảng Anh cho chuyến vượt biển của mình.
Gần 3 tháng trước (18-10-2018), trong kết luận của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), diễn ra tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU cho biết, sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với liên đoàn Arab (vào ngày 24 và 25-2-2019 tại Ai Cập) để giải quyết vấn đề người di cư.
EU cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước hữu quan để điều tra, bắt giữ và truy tố những kẻ buôn người, đưa người tị nạn và người di cư kinh tế vào những hành trình nguy hiểm qua đường bộ và đường biển.
Về phần mình, Hạ viện Italia đã thông qua (29-11-2018) sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đệ trình. Sắc lệnh trên sẽ nới lỏng các quy định về trục xuất người nhập cư, cho phép tước quyền công dân Italia của người nhập cư, nếu bị buộc tội khủng bố.
Ngoài ra, sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay bằng các giấy phép cư trú theo diện "bảo vệ đặc biệt" hay "thảm họa tự nhiên ở quê hương".
Đồng thời tăng cường những biện pháp nhằm đảm bảo an ninh như giám sát bằng camera, giải tỏa các khu nhà có người nhập cư vào ở bất hợp pháp, sử dụng các thiết bị bay không người lái, giám sát chặt chẽ việc cho thuê xe và thành lập các Quỹ An ninh ở các khu dân cư.
Theo giới chuyên môn, hạn chế tối đa quyền được tị nạn của người nhập cư là 1 trong những điểm then chốt của sắc lệnh kể trên.
Gần 1 tháng trước (10-12-2018), Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã chính thức được thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc diễn ra tại Marrakesh (Maroc) với sự tham dự của của các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 150 nước trên thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres coi hiệp ước này là lộ trình để ngăn chặn "sự hỗn loạn và nỗi thống khổ". Đây được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư. Trước đó, Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về vấn đề di cư quốc tế Louise Arbour đã chỉ trích những nước không tham gia ký hiệp ước này như Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Áo, Slovakia… |