Châu Âu đau đầu với nạn thực phẩm bẩn
Bởi theo đánh giá của BFSA, một lượng trứng nhỏ nhiễm "bẩn" có thể đã được nhập vào nước này (khoảng 0,0001% số trứng được nhập khẩu vào Anh và nguy cơ đe dọa sức khỏe cho cộng đồng là thấp). Giới chức Anh đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nhập khẩu trứng từ những nông trại bị ảnh hưởng.
Và việc này diễn ra trong bối cảnh Hà Lan chuẩn bị tiêu hủy hàng triệu con gà mái sau khi phát hiện loại thuốc trừ sâu fipronil trong trứng gà. Chính phủ Pháp cũng vừa xác nhận, 13 lô trứng nhiễm fipronil đã được tìm thấy tại 2 nhà máy chế biến thực phẩm ở miền Trung Tây nước này.
Nhưng theo Bộ Nông nghiệp Pháp, không rõ có sản phẩm nào đã tới tay người tiêu dùng hay chưa bởi nông trại tại Pas-de-Calais đã được đặt dưới sự giám sát, sau khi chủ trang trại thông báo với chính quyền về số trứng bị nghi nhiễm "bẩn".
Nông dân Hà Lan tiêu hủy trứng bị nghi nhiễm độc. |
Trước vụ trứng "bẩn", người tiêu dùng châu Âu từng quan ngại sau khi Europol cho biết, cảnh sát Tây Ban Nha đã triệt phá một đường dây tội phạm có tổ chức liên quan tới việc đưa thịt ngựa "bẩn" vào tiêu thụ tại các thị trường châu Âu.
Ngoài Anh và Pháp, nhiều siêu thị tại Đức, Hà Lan và Bỉ đã thu hàng triệu quả trứng sau khi Bỉ thông báo với Ủy ban châu Âu (EC) về vụ trứng nhiễm fipronil hôm 20-7. EC nêu rõ, hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, số trứng bị nghi nhiễm "bẩn" đã được xuất sang Pháp, Anh thông qua Đức. Các nhà bán lẻ tại Thụy Điển và Thụy Sỹ cũng có động thái tương tự.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu trứng từ Hà Lan do lo ngại ảnh hưởng từ vụ bê bối này. Vụ bê bối diễn ra khi nhà cung cấp trứng gia cầm lớn cho các siêu thị ở châu Âu là Aldi thông báo, gần như toàn bộ số trứng cung cấp cho thị trường châu Âu bị nhiễm thuốc trừ sâu fipronil.
Theo giới chuyên môn, fipronil được sử dụng phổ biến trong trồng trọt để trừ sâu bệnh cho cây và loại hóa chất này bị cấm sử dụng trong xử lý động vật làm thực phẩm cho người. Nếu dư lượng fipronil trong thực phẩm cao, hóa chất này có thể gây ra các bệnh về thận, gan và tuyến giáp ở người.
Được biết, fipronil được công ty Chickfriend của Hà Lan đưa vào các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Có thông tin cho rằng, một công ty của Bỉ đã cung cấp cho công ty Chickfriend loại hóa chất này, nhưng hiện thông tin đó chưa được kiểm chứng.
Trước áp lực từ Đức và Hà Lan, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme cho biết, đã yêu cầu Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ (AFSCA) phải giải thích lý do tại sao không sớm thông báo cho các nước láng giềng về vụ bê bối cho dù biết sự việc từ tháng 6-2017.
AFSCA cũng đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ bê bối này. Cơ quan chức năng Bỉ thừa nhận đã giữ kín vụ việc, nhưng khẳng định không có động cơ xấu trong vấn đề này. Người phát ngôn EU Anna-Kaisa Itkonen cho biết, chưa thể bình luận về việc Bỉ chậm thông báo cho EU vì "đây là vụ án hình sự đang được điều tra".
Ngày 7-8, Liên đoàn Nông nghiệp và Làm vườn Hà Lan (LTO) cho biết, Hà Lan phải tiêu hủy hàng triệu con gà mái sau khi phát hiện thuốc trừ sâu fipronil có trong trứng gà. Vụ bê bối trứng "bẩn" đã khiến cho người nông dân Hà Lan phải chứng kiến hàng tỷ quả trứng, hàng triệu con gà mái bị tiêu hủy vì nhiễm thuốc trừ sâu fipronil.
Theo tờ De Volkskrant, fipronil đã được sử dụng tại các trại gà Hà Lan từ hơn một năm qua. Theo giới truyền thông, sau khi đóng cửa hơn 180 trang trại chăn nuôi gia cầm hồi thượng tuần tháng 8, Cơ quan thực phẩm Hà Lan (NVWA) đã mở cuộc xét nghiệm và quyết định, 138 trang trại vẫn phải đóng cửa.
Bởi theo kết quả xét nghiệm, trứng từ 59 trang trại có dư lượng lớn thuốc trừ sâu fipronil. NVWA khuyến cáo, trẻ em không nên ăn loại trứng này. Ngày 3-8, chuỗi siêu thị lớn nhất tại Hà Lan là Albert Heijn đã rút khỏi kệ hàng 14 loại trứng để đem đi tiêu hủy.
Theo giới truyền thông Hà Lan, trong năm 2016, khoảng 1.000 trang trại chăn nuôi gia cầm ở nước này (chủ yếu ở khu vực biên giới với Đức) đã xuất khoảng 10 tỷ quả trứng.
Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt cho biết, Đức là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ bê bối này. Bởi khoảng 3 triệu quả trứng "bẩn" đã được nhập vào Đức và đã được bán gần hết trong mấy tuần qua. Giới chức Đức đang điều tra thông tin cho rằng, trứng "bẩn" đã được vận chuyển trực tiếp đến các trại gia cầm ở vùng Niedersachsen, sau đó được bán ở nhiều nơi. Theo giới kinh tế, vụ bê bối trứng "bẩn" có thể gây thiệt hại hàng triệu euro. |