Châu Âu: Truy bắt băng nhóm mafia Italia

Thứ Tư, 19/12/2018, 22:27
Một cuộc điều tra kéo dài hai năm đã lên đến đỉnh điểm vào trung tuần tháng 12 này với 90 vụ bắt giữ thành viên của một liên minh mafia Italia chuyên buôn bán ma túy từ khắp nơi trên thế giới về châu Âu.


Hôm 5-12, hàng trăm cảnh sát ở Đức, Italia, Bỉ và Hà Lan đã được huy động trong chiến dịch bắt giữ gần 100 tên tội phạm bị nghi ngờ là thành viên của một liên minh mafia Italia chuyên buôn bán ma tuý từ khắp nơi trên thế giới về châu Âu. Lục soát nơi ẩn náu của những kẻ này, lực lượng cảnh sát còn thu giữ được khoảng 2 triệu Euro (tương đương 2,3 triệu USD). 

Filippo Spiezia, Phó Chủ tịch của Eurojust, cơ quan công tố Liên minh châu Âu (EU) điều phối các cuộc đột kích nói: "Hôm nay chúng tôi gửi một thông điệp rõ ràng đến các nhóm tội phạm có tổ chức trên khắp châu Âu. Chúng không phải là những người duy nhất có thể hoạt động xuyên biên giới. Cộng đồng tư pháp và thực thi pháp luật của châu Âu cũng có thể làm được điều này”. 

Tờ The Guardian của Anh thì cho hay, đây là cuộc triệt phá tội phạm có tổ chức lớn thứ 2 trong vòng nửa tháng qua ở EU. Trước đó vài ngày, nhà chức trách Italia cũng đã triệt phá một nhóm mafia ở thành phố Palermo của Sicily bằng cách bắt giữ 46 người, bao gồm cả ông trùm. 

Còn cuộc tấn công hôm 5-12 là đỉnh điểm của một cuộc điều tra kéo dài hai năm với mật danh Pollino chống lại nhóm tội phạm Ndrangheta hùng mạnh chuyên buôn bán cocaine, rửa tiền, hối lộ và bạo lực.

Hàng trăm cảnh sát ở Đức, Italia, Bỉ và Hà Lan đã được huy động trong chiến dịch bắt giữ hàng trăm thành viên của Tập đoàn mafia Ndrangheta.

Thông tin từ Eurojust cho hay, hiện Ndrangheta được cho là tổ chức tội phạm mạnh nhất của Italia, ngang với Cosa Nostra của Sicily hay Camorra của vùng Naples. Tổ chức này chuyên sử dụng loại tàu lớn du lịch tới châu Âu để vận chuyển ma tuý. 

Trong 2 năm các thành viên của chuyên án nằm vùng, họ đã phát hiện ra khoảng 4 tấn cocaine được chuyển vào châu Âu đều do Ndrangheta thực hiện. Chính quyền Italia đã bắt giữ 41 nghi phạm, chủ yếu ở Calabria. 

Tại Đức, cảnh sát liên bang thực hiện nhiều vụ bắt giữ trong các cuộc đột kích vào sáng sớm 5-12 tại các cơ sở có liên quan đến nhóm tội phạm này, trọng tâm là ở bang phía tây bắc sông Rhine-Westfalen, giáp biên giới Hà Lan và Bỉ, và Bavaria ở phía Nam. 

Năm nghi phạm khách đã bị bắt ở Hà Lan, nơi các công tố viên bắt đầu cuộc điều tra vào năm 2014 với những nghi ngờ ban đầu nhằm vào hai nhà hàng Italia. Số nghi phạm còn lại bị bắt giữ ở biên giới Bỉ. Filippo Spiezia khẳng định, những kẻ bị bắt trong chiến dịch bao gồm "các thành viên cấp cao của mạng lưới mafia Ndrangheta”.

Nói về chiến tích này của Eurojust, cảnh sát Italia đã không tiếc lời ca ngợi sự hợp tác của các đồng nghiệp Đức, Bỉ, Hà Lan và gọi đây là một chiến thuật chống tội phạm mới, quan trọng, cho phép các nhà điều tra ở các quốc gia khác nhau chia sẻ thông tin một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Federico Cafiero De Raho, công tố viên mafia hàng đầu của Italia, các cuộc đột kích vừa qua “chỉ làm trầy xước bề mặt của Ndrangheta”. 

Cafiero de Raho nhận định, Ndrangheta có mạng lưới hoạt động buôn bán cocaine khổng lồ, rộng khắp thế giới nên nếu muốn tiêu diệt tận gốc băng nhóm này thì phải bắt giữ hàng ngàn người và thu giữ hàng tỷ Euro. 

Một chuyên gia hàng đầu về Ndrangheta, Công tố viên Nicola Gratteri ở Catanzaro thì cung cấp thêm thông tin rằng “Tập đoàn mafia” Ndrangheta có trụ sở tại Calabrian trong nhiều năm và chúng đã mua lại các khách sạn, nhà hàng cùng nhiều tài sản khác ở Bỉ, Hà Lan, Pháp và Đức để rửa tiền hàng tỷ Euro kiếm được thông qua buôn bán cocaine, cũng như đầu tư số tiền đó để bắt đầu kinh doanh "sạch" và có nhiều doanh thu hơn nữa. 

Công tố viên Nicola Gratteri còn kể rằng, cảnh sát các nước quyết định đột kích là vì Domenico Pelle, kẻ đứng đầu gia tộc Pelle-Vottari, một nhóm trong Tập đoàn mafia Ndrangheta đã sát hại một người mua lẻ cocaine ở thị trấn Siderno vì nợ anh ta 27.000 Euro. 

Hồ sơ điều tra ghi rõ, gia tộc Pelle-Vottari đã buôn lậu khoảng 200kg cocaine từ Brazil, Guyana, Colombia vào Rotterdam (Hà Lan) và Antwerp (Bỉ). Năm nay mới 26 tuổi, Domenico Pelle được thừa hưởng quyền chỉ huy Pelle-Vottari sau khi bố và anh trai lần lượt bị bắt giữ. 

Vào những năm 1990, gia tộc Pelle-Vottari bị mắc kẹt trong mối thù đẫm máu với gia đình đối thủ Nirta-Strangio và đến năm 2007 thì lên đến đỉnh điểm với cuộc tắm máu khét tiếng ở Đức được gọi là "vụ thảm sát Duisburg". Hàng trăm vụ bắt giữ theo sau, và kể từ đó, Pelle-Vottari đã được xây dựng lại quyền lực và tài chính của họ trong Ndrangheta. 

Chi Anh
.
.
.