Chân dung hải tặc trong thế kỷ XXI
Tấn công tất cả, từ những con tàu thương mại đến những du thuyền tư nhân, hành động cướp biển ngày nay thuần túy là những “phi vụ làm ăn”, hoàn toàn khác xa với cuộc sống phiêu lưu đầy chất lãng mạn của các nhân vật cướp biển xuất hiện trong bộ phim “Cướp biển vùng Caribe” hay những tác phẩm văn học thế kỷ XIX.
"Lý lịch trích ngang" của những tên cướp biển khét tiếng trong thế kỷ XXI
Dẫu có nguồn gốc là Somalia, Nigeria, Indonesia, Trung Quốc hay Philippines, những tên cướp biển ngày nay đều có thể xếp vào một trong bốn loại. Đầu tiên là những tên cướp biển được xếp vào loại những người “đói khổ”. Đó là những người dân bị vây hãm bởi hoàn cảnh đói nghèo không lối thoát, họ dễ dàng chấp nhận trở thành những tên cướp biển bởi sự cám dỗ hấp dẫn của việc kiếm tiền dễ dàng.
Đa phần cướp biển xuất thân từ nghèo khó, dễ dàng chấp nhận trở thành những tên cướp biển bởi sự cám dỗ của việc kiếm tiền dễ dàng. |
Ngoài lượng hàng hóa quý giá trên những con tàu vận chuyển hàng hóa, vận chuyển dầu lửa, còn có rất nhiều tiền mặt trên tàu để trả lương cho thủy thủ và dành cho những khoản chi tiêu khác. Những con tàu này thường có tốc độ di chuyển chậm rãi và không có khả năng chống xâm nhập. Thủy thủ đoàn mỗi con tàu thường chỉ khoảng 20 người và không có vũ khí, dễ dàng chịu khuất phục trước đám cướp hung tợn trang bị vũ khí nóng.
Loại cướp biển theo “truyền thống”. Trong khung cảnh toàn cầu hóa, việc giao thương bằng đường hàng hải trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, ở một số nơi, “truyền thống” bắt nguồn từ nền văn hóa bản địa cũng đã thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với xu hướng mới này.
Ví dụ ở một số làng ven eo biển Malacca, nhiều người hành nghề ngư dân vào ban ngày và cướp biển vào ban đêm, một thứ kỹ năng mang tính “cha truyền con nối” và được cư dân địa phương coi như là “biết làm ăn”. Bộ tộc Bugis, hiện định cư tại Indonesia, trước đây thường sống du mục hàng hải kiêm cướp biển trên vùng biển Indonesia và Malaysia, điều tương tự cũng xảy ra với Tau Suk, nhóm cư dân ở phía Đông Bắc của tỉnh Sarbah và quần đảo Tawi-Tawi, ở phía Nam của Biển Solo.
Thông thường chống lưng cho những tên cướp biển là một vài tổ chức tội phạm nào đó: mafia hay các băng đảng tội phạm quốc tế với một cơ cấu tổ chức phức tạp có sự phân nhánh đạt trình độ tinh vi đến bất ngờ. Trong những trường hợp này, phần lớn của cải cướp bóc được sẽ dành để cung cấp cho một mạng lưới rộng lớn, những tên cướp biển trực tiếp tham gia các phi vụ chỉ được hưởng một phần nhỏ những gì đánh cướp được.
Những chiếc thuyền buồm với những cánh buồm có đầu lâu xương chéo, biểu tượng của những chiếc thuyền hải tặc trong thời kỳ hoàng kim của giới cướp biển thế kỷ XVIII. |
Cuối cùng là những tổ chức khủng bố, giá trị tài sản được vận chuyển trên các con tàu không phải là thứ chúng quan tâm, điều chúng muốn là một chiến dịch tấn công bạo lực gây tiếng vang và chúng thường tiến hành giết chóc, phá hủy những con tàu hoặc bắt giữ con tin để trao đổi và bỏ lại hàng hóa lại con tàu.
Những vùng biển nguy hiểm nhất thế giới
Năm 2019, trên toàn thế giới đã xảy ra 360 vụ cướp biển, theo con số thống kê mà Trung tâm Hợp tác thông tin và an toàn hàng hải (MICA) đã công bố. Trong đó 111 vụ xảy ra tại vùng vịnh Guinea. Theo Gauthier Dupire, Thuyền trưởng tàu khu trục Somme của Pháp thì: “Vịnh Guinea có 6.000km bờ biển trải dài từ Senegal đến Angola với 19 nước ven biển, 4.000 lượt tàu bè qua lại mỗi ngày, 1 triệu tấn cá và 10% lượng dầu mỏ của thế giới hàng năm đi qua khu vực này, đó là một kho của cải rất hấp dẫn với những tên cướp biển”.
Dạng cướp biển thứ nhất: bắt cóc thủy thủ đoàn để đòi tiền chuộc. Năm 2019 đã có tới 146 người bị những tên cướp biển bắt làm con tin để đòi tiền chuộc, tăng một phần ba so với cùng kỳ năm 2018. Bắt cóc con tin luôn là một chiến dịch khá phức tạp và cồng kềnh, nó đòi hỏi toán cướp đó phải có một cơ sở hậu cần khá quy mô đáp ứng được yêu cầu giam giữ và giám sát 24/24h ít nhất là 10 con tin trong khoảng thời gian trung bình là một tháng.
Dạng cướp biển thứ hai thì “hầm hố” hơn, đó là những cuộc tấn công cướp bóc tàu chở dầu hoặc các tàu vận chuyển hàng hóa. Năm ngoái, 42 tàu chở dầu đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công hoặc những âm mưu tấn công.
Một vụ bắt giữ những tên hải tặc trong vùng Vịnh Guinea. |
Các chuyên gia tại Trung tâm MICA đã lưu ý sự liên quan giữa việc tăng giá dầu trên thị trường và sự gia tăng những vụ tấn công nhắm vào các tàu chở dầu. Khi giá dầu hơn 40 USD/thùng, sau khi trừ đi các chi phí cần thiết (nhân sự, vũ khí, mua tàu vận chuyển hàng hóa), việc đánh cướp một chiếc tàu chở dầu vẫn mang lại những món lợi kếch xù cho bọn cướp biển.
Năm 2019, đặc biệt là ba tháng cuối năm, tình hình phức tạp đối với khu vực vùng vịnh Guinea. Theo Cục Hàng hải Quốc tế (BMI), đã xảy ra 18 vụ cướp tàu. Giống như một số lượng lớn các vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc, 13 trong số 18 trường hợp trên đã có súng nổ trên thuyền. BMI cũng cho biết, trong hai quý trước đó đã có tới 41 vụ bắt cóc, tất cả đều ở ngoài khơi Nigeria.
Vì Nigeria cùng với Angola là 2 nhà sản xuất dầu chính trong khu vực, các cuộc tấn công hải tặc này đã làm gián đoạn giao thông hàng hải và khiến thị trường kinh tế quốc tế mất hàng tỷ đô la. Theo người phát ngôn của BMI: "Nhu cầu cấp thiết là sự tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia giáp với Vịnh Guinea để có thể thực hiện các hành động hiệu quả chống lại cướp biển".
Nếu như giờ đây tại vùng Sừng châu Phi (chủ yếu là ngoài khơi Somalia), nạn hải tặc đã giảm hẳn sau khi các tàu chiến của nhiều nước tăng cường sự hiện diện cũng như tăng cường tiến hành các cuộc tuần tra ở đây thì số các vụ cướp biển và tấn công tàu thuyền lại tăng lên đều đặn ở vòng cung Caribe. Trong năm 2019 đã có 28 vụ cướp biển tấn công ở ngoài khơi Grenada so với 3 vụ vào năm 2018. Ở đây, mục tiêu tấn công chủ yếu của cướp biển là những chiếc du thuyền. Xa hơn một chút về phía Nam, chẳng hạn trên vùng biển Đại Tây Dương của Colombia, bọn cướp không ngần ngại tấn công cả những chiếc tàu lớn, chẳng hạn như những chiếc tàu buôn.
Những giải pháp chống lại nạn hải tặc
Hiển nhiên các quốc gia trên thế giới đều không thể chấp nhận việc các toán cướp biển tự do tấn công các tàu bè qua lại trên biển, dùng súng uy hiếp hay sát hại các thủy thủ đoàn, đánh cướp hàng hóa và áp đặt những luật lệ ngang ngược của chúng trên các vùng biển và các đại dương. Để đáp trả, các quốc gia hoặc hành động riêng rẽ, hoặc tham gia vào các liên minh, đang dần dần đưa ra được các biện pháp đối phó hiệu quả.
Ví dụ tại vùng Vịnh Aden, từ năm 2009, một hạm đội quốc tế gồm mười lăm tàu chiến được hỗ trợ bởi một số máy bay và các toán biệt kích đã có mặt thường xuyên tại đó. Mục tiêu bảo vệ vùng biển này chống lại các toán cướp biển Somalia. Kể từ đó, các vụ tấn công của cướp biển tại đây không chỉ giảm hẳn về số lượng mà còn giảm hẳn về “chất lượng”: không một vụ tấn công nào của cướp biển thu được thành công kể từ 2010 đến nay.
Cuộc chiến chống lại nạn hải tặc còn diễn ra trong lĩnh vực pháp lý. Ở Pháp, khái niệm “hải tặc” bị xóa bỏ khỏi các văn bản pháp luật từ năm 2007 đã được đưa trở lại trong các bộ luật 4 năm sau đó. Điều này giúp củng cố thẩm quyền của các tòa án Pháp, cho phép họ ủy quyền cho các lực lượng vũ tranh tiến hành các chiến dịch can thiệp một khi các hành động cướp bóc trên biển được chứng minh.
Cuối cùng, các chủ tàu giờ đây cũng đã tìm tự mình cách tăng cường các biện pháp phòng vệ: trang bị cho tàu những hệ thống báo động khẩn cấp, thiếp lập các căn phòng “tình huống”, những căn phòng có độ an toàn cao nơi thủy thủ đoàn có thể trú ẩn trong trường hợp bị tấn công. Khi bị tấn công, từ các căn phòng an toàn này, theo những hợp đồng đã ký kết, thủy thủ đoàn có thể gửi những yêu cầu hỗ trợ tới những công ty vệ sĩ hay an ninh tư nhân. Những công ty này sẽ cử người trực tiếp tiếp cận để tái chiếm con tàu, đè bẹp sự kháng cự của toán cướp biển và đưa con tàu trở lại trạng thái an toàn.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (1982), vùng lãnh hải của các nước ven biển được nâng lên từ 3 thành 12 hải lý. Quy định này đã vô tình tiếp tay cho những tên cướp biển: nếu phạm tội trên vùng biển quốc tế, chúng chỉ cần chạy trốn về vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển sẽ thoát khỏi sự truy đuổi và trừng phạt quốc tế, ngoài ra nếu vụ cướp bóc xảy ra trong vùng lãnh hải, những tên cướp biển chỉ có nguy cơ duy nhất chịu sự trừng phạt của quốc gia có chủ quyền trên vùng lãnh hải đó .
Để khắc phục hạn chế này, chẳng hạn đối với trường hợp Somalia, ngày 2-6-2008, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1816. Theo các điều khoản của nghị quyết này, các quốc gia hợp tác với Chính phủ Somalia được quyền, trong thời gian sáu tháng, "xâm nhập lãnh hải Somalia để đàn áp các hành vi cướp biển" và "sử dụng, trong vùng lãnh hải Somalia tất cả các phương tiện cần thiết để trấn áp các hành vi cướp biển và cướp có vũ trang".
Danh sách các quốc gia được ủy quyền để vào lãnh hải của mình sẽ được Chính phủ Somalia chọn lựa để đệ trình lên Hội đồng Bảo an. Nghị quyết 1816 đã tỏ ra rất hữu hiệu trong việc chặn đứng và đè bẹp được nạn cướp biển nổi tiếng một thời tại Somalia.