Cáo buộc xung quanh tham nhũng tại Airbus
Theo thông báo hôm 15-12 của đại diện Airbus, từ tháng 1-2018, ông Eric Schulz, Giám đốc bộ phận động cơ của hãng xe Rolls-Royce sẽ thay thế vị trí của Giám đốc thương mại John Leahy (nghỉ hưu), người đã bán được 16.000 chiếc máy bay trong gần 33 năm làm việc tại Airbus.
Từ tháng 2-2018, ông Guillaume Faury, Giám đốc bộ phận kinh doanh trực thăng, sẽ thay thế Tổng Giám đốc Fabrice Bregier, đảm trách phần lãnh đạo bộ phận máy bay thương mại của hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới. Và Giám đốc điều hành (CEO) Tom Enders sẽ không tiếp tục tham gia Ban lãnh đạo cấp cao sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng 4-2019.
Hơn 2 tháng trước (16-10), Hãng BBC dẫn tuyên bố của ông Tom Enders - sẵn sàng từ chức nếu cần thiết bởi Airbus đang bị cơ quan chức năng của Anh và Pháp điều tra vì bê bối tham nhũng. Nhưng Ban điều hành Airbus vẫn bày tỏ hoàn toàn tin tưởng đối với ông Tom Enders, người ngồi ghế CEO từ năm 2012.
Giám đốc điều hành (CEO) Airbus Tom Enders. |
10 tháng trước (tháng 2-2017), các công tố viên Vienna đã mở cuộc điều tra hình sự đối với Airbus và Eurofighter (bao gồm BAE Systems, Leonardo và Airbus) sau khi Bộ Quốc phòng Áo cho rằng, Airbus và Eurofighter đã lừa dối nước này về giá, khả năng phân phối và thiết bị của đơn hàng trị giá 2 tỷ euro được ký năm 2003.
Khi đó, ông Tom Enders là người đứng đầu Tập đoàn Hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu (EADS) và là một trong 16 cá nhân nằm trong danh sách các đối tượng bị điều tra. Ngày 26-4, các công tố viên của Áo tuyên bố, họ đang điều tra tham nhũng liên quan đến ông Tom Enders. Nhưng ngay sau khi biết tin, Airbus cho rằng, cáo buộc đối với ông Tom Enders "hoàn toàn không có căn cứ".
Hơn 1 năm trước (tháng 8-2016), Văn phòng Chống gian lận (SFO) của Anh và Văn phòng Tài chính Quốc gia Pháp (PNF) chính thức mở cuộc điều tra hình sự đối với Airbus vì những cáo buộc gian lận, tham nhũng và hối lộ để "bôi trơn" các hợp đồng mua bán và sản xuất máy bay. Giới chuyên môn coi sự tham gia của PNF có thể làm chậm tiến trình bởi đây là lần đầu tiên SFO và PNF hợp tác trong một trường hợp phức tạp có liên quan đến Airbus.
Theo giới truyền thông, bên cạnh sự biến động của thị trường, việc mở rộng cuộc điều tra của SFO đã ảnh hưởng đến sức mạnh của Airbus, và những cáo buộc liên quan đến gian lận thương mại còn khiến cổ phiếu của hãng này có lúc giảm tới 16%.
Airbus từng tuyên bố, việc SFO kiểm soát và đưa ra những cáo buộc liên quan đến các hoạt động trái quy tắc đã khiến họ thiệt hại khoảng 1,4 tỷ euro. Gần 5 tháng trước (27-7), Airbus cho biết, việc chậm giao động cơ cho số máy bay A320neo đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng này.
Theo thông báo lợi nhuận hoạt động trong quý II-2017, Airbus chỉ đạt 859 triệu euro, giảm 27% và thấp hơn mức dự kiến. Và lợi nhuận ròng của Airbus đã giảm 17% xuống 1,5 tỷ euro. Theo cuộc thăm dò ý kiến trước đó của hãng Reuters, giới kinh tế đều dự báo lợi nhuận của Airbus sẽ khoảng 910 triệu euro trên doanh thu ước đạt 15,823 tỷ euro.
Ông Tom Enders. |
Được biết, việc nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ngừng cung cấp hỗ trợ tín dụng cho Airbus khiến hãng này gặp nhiều khó khăn hơn trong cạnh tranh với đối thủ Boeing. Tín dụng xuất khẩu được nhiều quốc gia sử dụng để hỗ trợ các hãng xuất khẩu và Airbus từng sử dụng công cụ này với 6% đơn hàng chuyển đi.
Theo giới truyền thông, Boeing đã vượt Airbus về số đơn đặt hàng mới tại Triển lãm Hàng không Paris 2017 nhờ mẫu máy bay mới 737 MAX - Boeing giành được 571 đơn đặt hàng, với trị giá gần 75 tỷ USD, trong khi Airbus chỉ nhận được 326 đơn đặt hàng trị giá 40 tỷ USD. Boeing khẳng định, chi phí vận hành 737 MAX sẽ ít hơn 5% so với A320neo của Airbus.
Theo giới chuyên môn, các nhà sản xuất dự báo nhu cầu máy bay trong hai thập kỷ tới sẽ lên đến 35.000 chiếc, trị giá 5.300 tỷ USD, trong đó Airbus và Boeing đang thống trị ngành công nghiệp hàng không dân dụng thế giới.
Theo Hãng AFP, Airbus từng tuyên bố sẽ kiện cơ quan tình báo Đức (BND) vì đã do thám họ theo yêu cầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere từng bị chỉ trích vì đã nói dối trước Quốc hội về những việc làm sai trái của BND khi làm Chánh văn phòng Thủ tướng (2005-2009), trong đó có việc do thám Airbus. Theo giới truyền thông, Phủ Thủ tướng Đức đã biết về việc Mỹ do thám các công ty châu Âu từ năm 2008, trong đó có công ty mẹ của Airbus, nhưng không có phản ứng gì do sợ ảnh hưởng tới sự hợp tác tình báo với Washington. |