Cảnh sát robot - một lực lượng hành pháp đặc biệt

Thứ Hai, 25/07/2016, 14:43
Trong những năm qua, khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng ngày càng nhiều trong công tác cảnh sát tại nhiều nước trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng và hỗ trợ đắc lực cho lực lượng cảnh sát trong khi làm nhiệm vụ. Rất nhiều thành tựu đã và đang phát huy tác dụng, mở ra triển vọng to lớn và những hướng đi mới trong công tác cảnh sát. Một trong những ứng dụng đó là các cảnh sát robot…

Cảnh sát thủ đô Dubai của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã phát triển một dự án đầy tham vọng và đang đưa vào thử nghiệm hoạt động một số robot cảnh sát sử dụng hệ điều hành K5 android để làm nhiệm vụ tuần tra trên đường phố, các khu mua sắm, khu công cộng đông người và giao tiếp với người dân trong định hướng giảm thiểu số lượng cảnh sát thật tuần tra trên đường mà vẫn đảm bảo được công tác giữ gìn an ninh trật tự và xử lý các công việc phát sinh.

Các robot chính thức sẽ được giới thiệu vào năm 2017 và dự kiến những robot này sẽ trở thành một phần của lực lượng cảnh sát vào năm 2019 với tham vọng đưa cảnh sát Dubai trở thành một trong những sở cảnh sát hiện đại và thành công nhất trên thế giới. Cảnh sát robot của cảnh sát Dubai cao hơn 1,5m và nặng khoảng 130kg.

Cảnh sát robot giao tiếp với người dân.

Các robot này không được trang bị vũ khí. Không giống như các robot siêu nhân thường có nhiệm vụ chiến đấu trong các bộ phim khoa học giả tưởng, các robot thông minh này sẽ đóng vai trò thực sự như một cảnh sát và là kênh giao tiếp, trao đổi thông tin với người dân và du khách trong nước cũng như quốc tế. Chúng có màn hình hiển thị giao tiếp hai chiều, máy dò nhiệt, loa phatst, mirco kết nối trực tuyến với Trung tâm nhận tin của cảnh sát Dubai, định vị vệ tinh GPS, máy đọc biển số xe với tốc độ 300 biển số/phút.

Khi giao tiếp với robot này, người dân có thể đặt ra các câu hỏi hoặc than phiền, khiếu nại, sau đó sẽ nhận được những câu trả lời xác đáng ngay lập tức về an ninh trật tự của robot thông qua các phần mềm thông minh được tích hợp trong bộ nhớ mà không cần sự can thiệp từ trung tâm chỉ huy. Trung tâm chỉ huy chỉ can thiệp trong trường hợp cực kỳ khẩn cấp, phức tạp và những tình huống phát sinh mới ngoài dự kiến mà robot không thể tự mình xử lý được.

Cảnh sát Mỹ cũng đang nghiên cứu loại robot mang tên Knightscope K5. Loại robot này không trang bị vũ khí nhưng được trang bị nhiều chức năng điều tra và thu thập tin tức phục vụ hoạt động của lực lượng cảnh sát.

Knightscope K5 có khả năng nhận diện khuôn mặt, đọc 1.500 biển số xe ôtô/phút, thu được giọng nói từ xa và ghi nhận hình ảnh bằng góc quay camera 360 độ, xét nghiệm nhanh độc chất trong không khí, vẽ và phân tích bản đồ số tại vị trí xung quanh với radar 3D, đồng thời có khả năng phân biệt hành vi nghi vấn phạm tội với hành động thông thường của công dân…

Khi làm nhiệm vụ, trên cơ sở thu thập và phân tích các thông tin có được, Knightscope K5 sẽ gửi thông tin phân tích về trung tâm và đưa ra cảnh báo đối với các nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Các nhà nghiên cứu có tham vọng phát triển Knightscope K5 thành cảnh sát robot có khả năng độc lập phán đoán, truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn như cảnh sát thật. Knightscope K5 có khả năng di chuyển liên tục trong nhiều giờ mà không cần sạc điện với tốc độ di chuyển khoảng 20km/giờ.

Cảnh sát một số nước như Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… đang nghiên cứu phát triển loại cảnh sát robot chuyên làm những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nguy hiểm như rà phá bom, hoạt động trong vùng có khí độc hoặc thu thập thông tin ở nơi đang có giao tranh giữa cảnh sát và tội phạm, tuần tra tại các khu vực nguy hiểm trong trại giam…

Một số robot được thiết kế chuyên nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin, chống bạo loạn hoặc chống biểu tình, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, với các chức năng như bắn súng phun lửa, tạo luồng hơi cay, xịt bọt cứu hỏa…

Cảnh sát robot làm nhiệm vụ tuần tra và phân luồng, hướng dẫn giao thông là một trong những hướng ưu tiên của việc nghiên cứu. Một số dự án cũng đang nghiên cứu chế tạo cảnh sát robot bay với việc các robot được gắn động cơ đẩy để có thể bay lên không trung như một "siêu nhân" hoặc gắn động cơ đẩy để bơi, lặn dưới nước với các nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin hoặc cứu hộ, cứu nạn, tấn công trấn áp tội phạm từ trên không hoặc dưới mặt nước.

Cảnh sát robot đã được cảnh sát Dubai đưa vào thử nghiệm trên đường phố.

Các cảnh sát robot này có thể di chuyển trên mặt đất bằng các sải bước chân như con người hoặc được lắp chân bánh lốp cao su với độ cân bằng tự động nhằm di chuyển linh hoạt. Các robot này đều được trang bị hệ thống liên lạc trực tuyến bảo mật để truyền tin và nhận chỉ thị từ xa hoặc cảnh sát tại trung tâm nắm được trực tiếp tình hình tại nơi robot đang thực hiện nhiệm vụ. Khi cần thiết, cảnh sát thật từ trung tâm chỉ huy có thể thông qua các màn hình, camera và loa, micro của các robot này để giao tiếp với đối tượng tình nghi hoặc nạn nhân.

Cảnh sát các nước cũng đang cân nhắc việc có nên trang bị vũ khí cho các cảnh sát robot này hay không. Luồng ý kiến đồng thuận thì cho rằng với công nghệ hiện đại và các hệ điều hành thông minh được trang bị thì các robot hoàn toàn có khả năng xử lý tình huống và áp dụng việc sử dụng vũ khí chính xác, giảm thiểu nguy cơ đe dọa đến tính mạng các cảnh sát thật.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng không nên thay thế hẳn cảnh sát thật bằng cảnh sát robot dù robot có được phát triển đến mức nào vì khi lỗi kỹ thuật xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường nếu robot có vũ khí trong tay, đồng thời các tình huống cảnh sát xử lý trong xã hội rất nhạy cảm và linh hoạt mà chỉ con người mới xử lý có tình, có lý được chứ không chỉ đơn thuần là việc giao tiếp đơn giản, cứng nhắc giữa robot và con người, đồng thời không thể truy trách nhiệm hình sự đối với cảnh sát robot khi lạm quyền, thực thi nhiệm vụ trái pháp luật, gây thiệt hại...

Để đảm bảo an toàn trong quá trình thử nghiệm, một số cảnh sát các nước đã áp dụng việc trang bị cho các cảnh sát robot một số vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ không có tính sát thương như bình xịt hơi cay, còng số 8, dùi cui điện…

Việc nghiên cứu, phát triển các robot để hỗ trợ cho công tác cảnh sát là rất cần thiết và đang chứng minh hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng như thế nào cho đúng và hiệu quả cũng là vấn đề đau đầu, đang được các nhà khoa học và lực lượng cảnh sát tiếp tục nghiên cứu, hoạch định chính sách thích hợp trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Inh
.
.
.