Cảnh sát Đức siết chặt kiểm soát người nhập cư

Thứ Hai, 21/03/2016, 11:05
Nếu thực hiện theo tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, cảnh sát nước này sẽ phải căng mình, cũng như phối hợp tốt với cảnh sát các nước Liên minh Châu Âu (EU) và Europol, mới có thể đáp ứng yêu cầu - phải cập nhật dữ liệu (bao gồm ngày và nơi nhập cảnh của công dân không thuộc các nước trong khu vực Schengen, cũng như điểm xuất cảnh) về du khách đi vào khu vực Schengen ở châu Âu.


"Chúng tôi muốn biết ai đến", ông Thomas de Maiziere nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, việc cập nhật sự di chuyển của du khách sẽ tăng cường an ninh cho các quốc gia châu Âu. "Một hệ thống mới sẽ nắm được các dữ liệu về cá nhân và thị thực, để có thể cảnh báo cho chúng ta về du khách nếu người đó đã ở quá thời gian lưu trú.

Và những dữ liệu này cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm và chống nhập cư bất hợp pháp", Bộ trưởng Nội vụ Đức tuyên bố. Điều này đồng nghĩa với việc, cảnh sát các nước EU phải thu thập dữ liệu về du khách đến từ các nước ngoài khu vực Schengen.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere.

Ngoài ra, ông Thomas de Maiziere còn nói, EU nên tập trung nhiều hơn cho công tác bảo vệ biên giới với các nước ngoài khu vực Schengen, cũng như nối mạng liên thông các dữ liệu hiện có về  thị thực và nhập cư. Những phát ngôn kể trên của Bộ trưởng Nội vụ Đức được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Die Welt mới đây.

Tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Đức diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh EU sắp diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-3 để giải quyết "vấn nạn người di cư", nên thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan cảnh sát hình sự Đức Holger Muench cũng vừa hối thúc các quốc gia châu Âu thiết lập mạng lưới chia sẻ dữ liệu xuyên quốc gia để theo dõi những phần tử Hồi giáo trở về từ Iraq và Syria.

Theo ông Holger Muench, cấu trúc bảo mật công nghệ thông tin của châu Âu hiện chưa thực sự hiệu quả. Bởi chỉ khoảng 50% trong số 28 quốc gia thành viên EU tự động tiến hành việc so sánh dấu vân tay hoặc mẫu ADN của những phần tử Hồi giáo trở về nước sau khi đến Iraq hoặc Syria.

Do đó, cảnh sát châu Âu phải nhanh chóng thiết lập mạng lưới chia sẻ dữ liệu xuyên quốc gia để nắm bắt thông tin về những đối tượng tình nghi. Được biết, cảnh sát Đức cũng vừa nhận chỉ thị không đưa người tị nạn từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, ông Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho biết, bà Angela Merkel sẽ không thay đổi chính sách về người tị nạn, bất chấp thất bại nặng nề của đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) trong các cuộc bầu cử địa phương diễn ra hôm 13-3.

Ngày 14-3, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định, các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bảo vệ biên giới ngoài EU sẽ không gắn với việc đưa Ankara trở thành thành viên EU. Đồng thời thừa nhận, Đức hưởng lợi từ việc các quốc gia vùng Balkan đóng cửa biên giới với người tị nạn đang tìm cách di chuyển lên phía Bắc.

Nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, Paris không có ý định nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề nhân quyền hay thị thực, để đổi lấy cam kết chặn dòng người di cư tới châu Âu. Đồng thời kêu gọi châu Âu phải tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài khối, để tránh việc các nước phải đưa ra những biện pháp đơn phương. Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện YouGov tiến hành, có tới 71% người dân Đức được hỏi cho rằng, sự hỗ trợ của Ankara là phi thực tế.

Bởi ngày 14-3, Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Vesna Mitric cho biết, nước này đang thay thế hệ thống hàng rào thép gai vốn được dựng lên dọc biên giới với Croatia nhằm ngăn chặn dòng người di cư bằng một hệ thống mới cao hơn và vững chắc hơn.

Cùng ngày 14-3, với sự hỗ trợ của quân đội, cảnh sát Macedonia đã chặn hàng trăm người di cư vượt biên trái phép từ Hy Lạp. Những người này đã bị đưa về đồn cảnh sát tại thị trấn Gevgelija ở Macedonia và đây là cuộc vượt biên quy mô lớn đầu tiên kể từ khi biên giới Hy Lạp-Macedonia bị đóng cửa hồi tuần trước.

Ngày 13-3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Babar Baloch cảnh báo, người di cư tại trại tị nạn Idomeni ở biên giới phía Tây Bắc Hy Lạp giáp với Macedonia đang bị đẩy tới cùng cực. Hơn 14.000 người mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp-Macedonia sau khi Macedonia đóng cửa biên giới. Hy Lạp đặt mục tiêu giải quyết tình trạng người di cư mắc kẹt trên biên giới với Macedonia trong vòng một tuần.

Nhưng theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết, chi phí để giải quyết khủng hoảng di cư vượt mức 600 triệu euro như dự tính trước đó. Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz lại kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục đóng cửa biên giới để chặn người tị nạn thông qua các lộ trình khác nhau đổ vào "lục địa già".

Mạnh Phong
.
.
.