Cảnh sát Mỹ lật lại "vụ án thế kỷ"

Thứ Năm, 31/03/2016, 15:49
Người dân Mỹ lại có dịp nhắc tới "vụ án thế kỷ" sau khi cảnh sát thành phố Los Angeles quyết định giám định con dao được tìm thấy trong một ngôi nhà trước đây của cựu ngôi sao bóng bầu dục người da màu Orenthal James Simpson.


Bởi gần 22 năm trước (13-6-1994), vợ cũ của Orenthal James Simpson là Nicole Brown Simpson cùng bạn trai Ronald Goldman đã bị giết và cựu ngôi sao bóng bầu dục bị bắt, bị xét xử và được tuyên trắng án (3-10-1995). Một phụ nữ da trắng bị giết bởi nghi can người da màu từng thu hút sự quan tâm của khoảng 50% người dân Mỹ khi phiên tòa khai đình từ ngày 24-1-1995. Và hiện vụ án lại được đề cập khi nghi can Orenthal James Simpson đã 68 tuổi.

Bằng chứng mới - phiên tòa mới?

Trong tuyên bố hôm 4-3, cảnh sát thành phố Los Angeles cho biết, đang giám định con dao được tìm thấy trong ngôi nhà từng thuộc sở hữu của Orenthal James Simpson, người đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trên khắp nước Mỹ bởi "vụ án thế kỷ". Theo giới truyền thông, bộ phận pháp y của cảnh sát Los Angeles có nhiệm vụ xác định xem con dao kể trên có liên quan tới cái chết của cô Nicole Brown Simpson và bạn trai Ronald Goldman gần 22 năm trước hay không. 

Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới thông tin cho biết, con dao được một công nhân xây dựng từng làm việc tại khu dinh thự Rockingham Avenue tìm thấy và giao cho cảnh sát từ nhiều năm trước, nhưng mãi tới tháng 2-2016, các chuyên gia pháp y của cảnh sát Los Angeles mới biết tới vật chứng này. Theo người phát ngôn của bộ phận pháp y, con dao kể trên sẽ làm sáng tỏ vụ án giết người từng gây nhiều tranh cãi tại Mỹ.

Ngôi sao bóng bầu dục Mỹ nổi tiếng một thời O.J. Simpson trong phiên tòa xét xử tại Las Vegas, Los Angeles, năm 2013.

Theo thông tin trên website giải trí TMZ, con dao được phát hiện từ năm 1998 trong tình trạng bị chôn vùi ở khuôn viên dinh thự Rockingham Avenue của Orenthal James Simpson và một công nhân xây dựng đã tìm thấy nó khi đang phá dỡ khu nhà này. TMZ cho biết, người công nhân này đã trao con dao kể trên cho một sĩ quan cảnh sát, nhưng không hiểu vì lý do gì mà viên cảnh sát này không nộp vật chứng cho cơ quan. 

Mãi tới gần đây thông tin này mới được đề cập và khi con dao đến tay các chuyên gia pháp y của Sở cảnh sát Los Angeles nó đã hoen gỉ và dính bẩn. Vẫn theo TMZ, có những dấu hiệu cho thấy có vết máu trên con dao và cảnh sát Los Angeles đang phân tích ADN cùng những chất khác bám trên đó.

Orenthal James Simpson nổi tiếng với biệt danh O. J. Simpson, thậm chí chỉ cần 2 chữ cái viết tắt O.J, người ta cũng đã nhận ra ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng nhất nước Mỹ với một loạt thành tích trong các giải đấu chuyên nghiệp. Và khi Orenthal James Simpson trở thành bị cáo, phiên tòa cũng thu hút sự quan tâm, chú ý nhiều nhất của dư luận trong lịch sử tư pháp Mỹ. 

Bởi trong gần 9 tháng (từ 24-1 đến 3-10-1995), phiên tòa xét xử Orenthal James Simpson luôn được truyền hình trực tiếp với khoảng 50% người dân Mỹ theo dõi. Và theo kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy, ngành công nghiệp Mỹ đã thiệt hại tới 25 tỉ USD vì công nhân bận theo dõi diễn tiến của phiên xét xử, xao nhãng việc sản xuất. 

Theo thống kê, tại phiên tòa kéo dài gần 9 tháng, người ta đã chi hơn 20 triệu USD, với bộ hồ sơ dày 50.000 trang. Có 150 nhân chứng được gọi ra trước tòa. 19 đài truyền hình, 8 đài phát thanh, 23 tờ báo và 2.000 phóng viên theo dõi và đưa tin trực tiếp diễn biến của phiên tòa. 

Chỉ riêng tờ Los Angeles Times đã đăng hơn 1.000 bài viết về vụ án này. 121 máy quay phim được đặt trong phòng xử án. Hơn 80 cuốn sách được in với tác giả là những người tham dự phiên tòa ở mọi vị trí, từ công tố viên, điều tra viên, cảnh sát, bồi thẩm viên, luật sư bào chữa, tới nghi can chính của vụ án là Orenthal James Simpson.

Và sau khi Orenthal James Simpson được tuyên không có tội trong cái chết của Nicole Brown Simpson và Ronald Goldman, khoảng 3/4 người Mỹ da trắng không tán thành với phán quyết của tòa, nhưng đa số người Mỹ da đen lại tán đồng. 

Mặc dù được tuyên trắng án, nhưng năm 1997, tòa dân sự đã tìm ra bằng chứng cho thấy, Orenthal James Simpson phải có trách nhiệm trong cái chết của Nicole Brown Simpson và Ronald Goldman, yêu cầu cựu ngôi sao bóng bầu dục bồi thường tới 33,5 triệu USD. 

Nhưng theo luật của bang California, nơi Orenthal James Simpson sinh sống lại quy định, những người về hưu không phải đóng khoản tiền kể trên. Tuy nhiên 10 năm sau (1997-2007), Orenthal James Simpson đã bị tuyên phạt 33 năm tù giam vì bị khép vào tội cướp có vũ trang và bắt cóc ở Las Vegas. Và cho đến nay cựu ngôi sao bóng bầu dục vẫn đang sống trong tù. 

Tại phiên tòa ngày 28-11-2007, Orenthal James Simpson khai rằng, khi đó anh ta chỉ có ý định lấy lại những kỷ vật thể thao của mình đang nằm trong tay 2 người sưu tầm kỷ vật Bruce Fromong và Alfred Beardsley tại khách sạn Palace Station ở Las Vegas - đó là các bức ảnh, giải thưởng thi đấu và bộ quần áo Orenthal James Simpson mặc được cho là đã sử dụng khi tiến hành vụ sát hại vợ cũ cùng bạn trai.

Cuộc chiến pháp lý

Orenthal James Simpson trở thành nhân vật tiêu biểu của nước Mỹ trong lĩnh vực thể thao từ khi còn là sinh viên trường Đại học Nam California. Sau đó, anh ta trở thành cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp hàng đầu, phần lớn chơi cho đội Buffalo Bills. Và tuy đã giải nghệ năm 1979, nhưng năm 1985, cái tên Orenthal James Simpson vẫn được xếp trong danh sách những người nổi tiếng của Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia. 

Orenthal James Simpson gặp Nicole Brown Simpson lần đầu tiên tại câu lạc bộ đêm The Daisy ở Beverly Hills. Khi đó, Orenthal James Simpson đã lập gia đình và 30 tuổi, còn Nicole Brown Simpson mới 18 tuổi  và làm phục vụ tại câu lạc bộ đêm The Daisy ở Beverly Hills. 8 năm sau, Orenthal James Simpson ly dị vợ và kết hôn với Nicole Brown Simpson vào ngày 2-2-1985. 

Nhưng đến tháng 1-1992, hai người ly dị và Nicole Brown Simpson cùng các con sống trong ngôi nhà thuê ở phố Gretna Green Way. Bởi Nicole Brown Simpson không thể chịu nổi sự bạo hành cùng thói trăng hoa của Orenthal James Simpson. Khi bị sát hại, Nicole Brown Simpson 35 tuổi. 

Theo lời khai của bà Juditha, mẹ đẻ Nicole Brown Simpson: một tháng trước khi vụ án xảy ra, con gái có kể với tôi rằng, Orenthal James Simpson đã nói, nếu nhìn thấy cô với một gã đàn ông khác, tôi sẽ giết cô - anh ta vẫn ghen tuông.

Nicole Brown Simpson, vợ cũ của Simpson và Ronald Goldman.

Theo hồ sơ của tòa, ngày 12-6-1994, Nicole Brown Simpson cùng bạn trai Ronald Goldman, đã bị đâm nhiều nhát dao và chết trong một phòng khách sạn và Orenthal James Simpson bị nghi là thủ phạm. Trong số những bằng chứng được trưng bày tại tòa, đôi găng tay là vật dễ thấy nhất. Ðôi găng tay này được tìm thấy một chiếc ở nhà Nicole Brown Simpson, và chiếc còn lại ở nhà Orenthal James Simpson.

 Các công tố viên cho biết, Nicole Brown Simpson đã mua tặng Orenthal James Simpson đôi găng tay được sản xuất bởi Công ty Aris Gloves năm 1990. Và chiếc găng tay được tìm thấy ở nhà Orenthal James Simpson có dính máu của Nicole Brown Simpson, Ronald Goldman và Orenthal James Simpson. Nhưng khi tòa yêu cầu Orenthal James Simpson đi đôi găng tay này thì nó lại không vừa. Lập tức luật sư Johnnie Cochran liền nói với bồi thẩm đoàn: "Quí vị hãy nhớ kỹ đôi găng này, nó không vừa tay Orenthal James Simspon, do đó anh ta không có tội". 

Mặc dù các công tố viên còn đưa ra nhiều bằng chứng khác như dấu giày của Orenthal James Simpson tại hiện trường, tóc của Orenthal James Simpson dính trên áo Ronald Goldman… nhưng đều bị luật sư coi là ngụy tạo. Và tính đến ngày 6-7-1995, sau khi đưa ra 58 nhân chứng cùng 488 hiện vật và hình ảnh, các công tố viên phải nhường chỗ cho luật sư của Orenthal James Simpson "phản pháo".

Đoàn luật sư của Orenthal James Simpson toàn những người nổi tiếng, trong đó đáng chú ý nhất là ông Johnnie Cochran và Robert Shapiro. Và trái với nhận định cho rằng, luật sư sẽ áp dụng phương pháp biện hộ hay nhất là không biện hộ, nhưng họ đã đưa nhân chứng đầu tiên là Arnelle Simpson, con gái của Orenthal James Simpson với người vợ trước. "Bố đã xúc động và bối rối khi nghe tin Nicole Brown Simpson bị giết”. 

Một nhân chứng khác nói rằng, khi đón Orenthal James Simpson ở sân bay Chicago, anh ta rất bình thản, nhưng sau khi nghe tin vợ cũ bị giết, lập tức "bối rối và tuyệt vọng" gần như muốn khóc. Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân giúp Orenthal James Simpson trắng án là do đã sử dụng triệt để quyền im lặng khi bị xét xử trước tòa đại hình. Vì lời nói của bị can có thể được dùng để kết tội anh ta nên im lặng là cách tự bảo vệ.

Việc chọn ông Lance Ito làm Thẩm phán phiên tòa có ý nghĩa sâu sắc. Bởi bị cáo Orenthal James Simpson là người da đen, trong khi nạn nhân Nicole Brown Simpson và Ronald Goldman là người da trắng, nên chọn một người da vàng như ông Lance Ito làm Thẩm phán là giải pháp tối ưu. 

Muốn kết tội Orenthal James Simpson, cả 12 thành viên trong bồi thẩm đoàn đều phải đồng ý về bản án, chỉ cần một người không đồng ý thì bản án bất thành. Và bồi thẩm đoàn đã kiệt sức sau khi bị cách ly gần 9 tháng liền, còn Thẩm phán Lance Ito bị chỉ trích vì để thời gian xét xử vượt tầm kiểm soát và dường như không thể điều khiển được đoàn luật sư của Orenthal James Simpson. 

Khi đó, Tổng thống Bill Clinton còn được thông báo về khả năng phải hỗ trợ chính quyền California về vụ án này. 

Và sau khi nghe Thẩm phán Lance Ito tuyên án, Orenthal James Simpson đứng im không phản ứng, sau đó nở một nụ cười. Luật sư Johnnie Cochran đứng sau lưng vỗ vai anh ta và hình ảnh đó được truyền đi khắp nước Mỹ. 

Sau khi được tuyên trắng án, Orenthal James Simpson đã chuyển tới sống ở bang Florida, nơi có luật khác với bang California. Và tại đây Orenthal James Simpson sống trong căn nhà trị giá 1,5 triệu USD cùng với 2 người con. Bố mẹ của Nicole Brown Simpson cũng đòi quyền nuôi 2 cháu ngoại, nhưng bất thành.

Trịnh Huyền My
.
.
.