Cảnh sát Mỹ lại dính líu vào vụ giết người

Thứ Hai, 04/01/2016, 18:00
Tuyên bố chiều 28-12-2015 (theo giờ địa phương) của công tố viên Tim McGinty tuy khép lại hơn 1 năm vụ cảnh sát Timothy Loehmann bắn chết Tamir Rice, cậu bé người Mỹ gốc Phi 12 tuổi hôm 22-11-2014, nhưng đang gây ra nhiều tranh cãi và những vụ biểu tình phản đối quyết định kể trên. Bởi theo ông Tim McGinty, bồi thẩm đoàn ở thành phố Cleveland, bang Ohio không nhận thấy có bằng chứng về hành vi phạm tội của cảnh sát!

Theo băng ghi hình, cảnh sát Timothy Loehmann đã bắn chết Tamir Rice chỉ vài giây sau khi tới hiện trường. Cùng tới hiện trường với Timothy Loehmann còn có cảnh sát Frank Garmback và cả 2 người đều được bồi thẩm đoàn tuyên vô tội. Bởi trước đó có người gọi điện cho cảnh sát thông báo, có người cầm súng trong công viên. Và một video camera an ninh đã quay lại cảnh Tamir Rice giơ khẩu súng giả bằng nhựa khi thấy xe cảnh sát tiến đến gần.

Khi khai trước bồi thẩm đoàn, cảnh sát Timothy Loehmann cho biết, ông đã yêu cầu Tamir Rice giơ tay lên, nhưng cậu lại móc súng từ thắt lưng ra, nên hậu quả đã xảy ra. Báo mạng Daily Beast lập tức tuyên bố, cảnh sát Timothy Loehmann đã khai báo gian dối bởi video cho thấy, khi chiếc xe cảnh sát vừa dừng lại, ông ta lập tức lao ra ngoài và xả súng vào Tamir Rice.

Luật sư của gia đình Tamir Rice cho biết, họ không hề ngạc nhiên, tuy rất buồn và thất vọng với kết quả này, và đang yêu cầu một công tố viên đặc biệt thụ lý, cùng sự vào cuộc của Bộ Tư pháp. Gia đình Tamir Rice còn cáo buộc công tố viên Tim McGinty đã cố tình thao túng quy trình điều tra và đánh giá vụ án của bồi thẩm đoàn để cứu 2 cảnh sát da trắng kể trên. Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang (FBI) cho biết, sẽ tiếp tục điều tra độc lập vụ xả súng này. Tối 28-12-2015, hơn 20 người biểu tình đã đi bộ trên 5km dưới trời mưa từ khu trung tâm giải trí đến các chốt cảnh sát với khẩu hiệu: Hãy tuyên án và đưa các cảnh sát giết người vào tù.

Quyết định của bồi thẩm đoàn ở thành phố Cleveland được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát lại bắn chết 2 người da đen khác tại thành phố Chicago, nên đang châm ngòi cho những phản ứng của người dân trước hành động sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát. Người thân và bạn bè của 2 nạn nhân da đen Bettie Jones, 55 tuổi, và Quintonio LeGrier, 19 tuổi vừa tổ chức họp báo yêu cầu chính quyền thành phố Chicago điều tra vụ cảnh sát xả súng bắn chết 2 người này.

Trong khi đó, người dân Chicago lại xuống đường biểu tình để phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát. Ngày 26-12-2015, cảnh sát Chicago nhận được điện báo về một vụ bạo lực gia đình. Khi đến nơi, cảnh sát xả súng bắn chết Quintonio LeGrier bởi anh ta cầm gậy lao xuống cầu thang định tấn công họ. Còn bà Bettie Jones, hàng xóm của Quintonio LeGrier, đã trúng đạn lạc thiệt mạng.

Phát biểu trong cuộc họp báo sáng 28-12-2015 (theo giờ Việt Nam), bà Janet Cooksey, mẹ của Quintonio LeGrier, vừa khóc nức nở vừa nói, hành vi giết chóc này phải chấm dứt; và cảnh sát phải bảo vệ dân, không thể để phù hiệu cảnh sát trở thành giấy phép giết người! Bà Janet Cooksey còn tuyên bố, con trai mình bị bắn 7 phát đạn, trong đó có 1 phát vào mông và điều này chứng tỏ, Quintonio LeGrier đã quay đi, nhưng vẫn bị cảnh sát bắn.

Thành viên của 2 gia đình nạn nhân này yêu cầu cảnh sát giải thích về hành động vũ lực gây sát thương kể trên. Vụ nổ súng xảy ra khi Quintonio LeGrier từ trường Đại học Bắc Illinois, về thăm nhà trong dịp lễ Giáng sinh. Khoảng 100 người đã tổ chức lễ cầu nguyện cho 2 nạn nhân và tuyên bố, họ không tin cảnh sát sau những gì đã xảy ra. Chính quyền thành phố Chicago tuyên bố, sẽ điều tra, làm rõ vụ này.

Trong khi đó, người dân đang gây sức ép đòi Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, phải từ chức vì các vụ bạo lực của cảnh sát. Trước đó, cảnh sát thành phố Los Angeles cho biết, ông Nicholas Robertson, người đàn ông da màu đã bị cảnh sát bắn chết hôm 12-12-2015 sau khi phớt lờ yêu cầu của cảnh sát. Hai cảnh sát đã bắn tổng cộng 33 viên đạn sau khi ông Nicholas Robertson từ chối hạ vũ khí và bước về phía trạm xăng, nơi có một gia đình đang đổ xăng.

Ngày 10-12-2015, cảnh sát Daniel Holtzclaw ở thành phố Oklahoma đã bị buộc tội tấn công tình dục và cưỡng hiếp 13 phụ nữ Mỹ gốc Phi. Phiên tòa khai đình từ 7-12-2015 và có nhiều người biểu tình tập trung bên ngoài tòa án để yêu cầu trừng trị nghiêm khắc cảnh sát biến chất này. Theo các công tố viên, cảnh sát Daniel Holtzclaw đã sử dụng vũ lực tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp những phụ nữ da đen từng có tiền án, tiền sự về ma túy, mại dâm. Cô Janie Liggons là người đầu tiên tố cáo Daniel Holtzclaw và tòa sẽ tuyên án vào ngày 21-1-2016.
Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.