Cảnh sát Mỹ có “quá tay”?
Đáng báo động là từ sự vụ này, người ta đã “trưng ra” nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ khá cao người Mỹ da màu bị bắn và giết bởi các sĩ quan cảnh sát người Mỹ da trắng.
Những con số kinh hoàng
Cho đến nay, chưa có một cơ sở dữ liệu chính thức nào về các hành động bạo lực của cảnh sát ở Mỹ. Tuy nhiên, những dữ liệu được tổng hợp bởi các nhà nghiên cứu đang đóng vai trò là nguồn thông tin quan trọng về tần suất người dân Mỹ bị cảnh sát ức hiếp, trong đó có cả thông tin về những công dân bị sát hại.
Thống kê của nhóm nghiên cứu “Bản đồ bạo lực cảnh sát” cho hay, riêng trong năm 2019, hơn 1.100 người đã “vô tình” bị cảnh sát Mỹ giết chết trong đó người da màu chiếm tới 24% số người thiệt mạng trong khi họ chỉ chiếm có 13% dân số. Các nhà khoa học này đã đấu tranh để nghiên cứu xem liệu sự phân biệt chủng tộc có phải có nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những cái chết vô lý của người da màu.
Kết quả là, qua theo dõi hơn 90% vụ việc nói trên, các nhà khoa học xác định một cảnh sát có thể gây ra cái chết cho người da màu bằng nhiều cách như bắn chết, đánh đến chết, giam giữ… và những nguyên nhân gây ra việc này có thể chỉ đơn giản là người đó đâm vào xe cảnh sát, trêu chọc cảnh sát…
Cảnh sát Mỹ liên tục đụng độ với những người biểu tình sau khi xảy ra vụ việc người da màu George Floyd bị chẹt cổ đến chết. |
Những con số này cao hơn nhiều so với các nước phương Tây khác. Như ở Anh, tờ The Guardian năm 2015 đã báo cáo rằng có tổng cộng 55 vụ bắn chết bởi cảnh sát ở Anh và xứ Wales từ năm 1990 đến 2014 trong khi chỉ có 15 người bị cảnh sát Đức bắn chết trong năm 2010 và 2011.
Cũng theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu “Bản đồ bạo lực cảnh sát”, tháng 12 và tháng 1 là những tháng có nhiều vụ công dân bị cảnh sát giết hại nhiều nhất. Như tháng 12, đã có 110 người đã bị cảnh sát giết chết còn vào tháng 1, con số này là 105. Tháng 2, tháng có ít người chết nhất thì con số là 80 người.
Các vụ cảnh sát sát hại người da màu cũng khác nhau đáng kể trên khắp các thành phố lớn nhất của Mỹ. Tỷ lệ này cao nhất ở St.Louis, từ 2013 - 2019, mỗi năm cảnh sát “vô tình” giết khoảng 18 người/ 1 triệu cư dân. New York là nơi có tỷ lệ thấp nhất với 1,3 người/ 1 triệu cư dân trong cùng khoảng thời gian đó.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện rằng, St.Louis là nơi mà phong trào “Cuộc sống đen tối” được đẩy mạnh do tỷ lệ người da màu bị giết cao hơn những nơi khác. Điển hình là năm 2014, cảnh sát da trắng Darren Wilson đã bắn chết Michael Brown, một người da đen 18 tuổi. Tuy nhiên Wilson không bị buộc tội dù một báo cáo năm 2015 của Bộ Tư pháp thừa nhận, hành động của Darren Wilson không khách quan và không hợp lý.
Nhưng kể từ đó, cụm từ “Giơ tay lên” “Hãy bắn súng!” trở thành biểu tượng của phong trào “Cuộc sống đen tối” phát triển rộng rãi ở khắp nơi trong những năm sau đó. Một điểm đáng chú ý nữa là mặc dù có nhiều vụ cảnh sát sát hại công dân như vậy nhưng từ năm 2013 đến 2019, 99% các vụ không dẫn đến một phiên xét xử hay buộc tội nào.
Phong trào "Chiến dịch con số 0"
Lần này, dường như cái chết của George Floyd đã khiến nước Mỹ nổi giận. Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra khắp nơi, lan sang cả Canada, Chile và nhiều nước châu Âu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký sắc lệnh hành pháp cải tổ lực lượng cảnh sát và Thượng viện, Hạ viện thì bỏ phiếu về luật cải tổ hoạt động của lực lượng cảnh sát.
Thêm vào đó, một chiến dịch được dẫn dắt bởi các nhà hoạt động và nhà nghiên cứu dân quyền mang tên “Chiến dịch số 0” cũng chính thức ra mắt. Chiến dịch này tạo ra một danh sách 10 giải pháp dựa trên các nguyên tắc về nhân quyền và xây dựng dữ liệu cảnh sát nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực của cảnh sát Mỹ.
Lực lượng cảnh sát Mỹ luôn được trang bị những loại vũ khí tối tân để trấn áp tội phạm. |
Các giải pháp mà chiến dịch đưa ra bao gồm: hạn chế sử dụng vũ lực và tiến hành các cuộc điều tra và truy tố độc lập đối với các sự cố liên quan đến hành vi sai trái của cảnh sát. Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các chính sách kiểm soát tốt hơn, nhưng nó cũng rất quan trọng để thực thi các chính sách này trong thực tế. Cụ thể, khiếu nại đối với dữ liệu cảnh sát có thể xác định trực tiếp các sĩ quan cảnh sát đã nhiều lần bị báo cáo về hành vi sai trái và có các hình phạt nghiêm khắc hơn cho họ.
Như ở Philiadelphia, Văn phòng Sáng tạo & Công nghệ công bố dữ liệu của Sở Cảnh sát Philadelphia (CAP), công khai thông qua OpenDataPhilly. Bộ dữ liệu CAP là một phần của một sáng kiến lớn hơn nhằm tăng tính minh bạch với người dân Philadelphia và duy trì trách nhiệm của cảnh sát.
99% các vụ cảnh sát hại người da màu không dẫn đến một phiên xét xử hay buộc tội nào. |
Hiện tại, nhìn vào dữ liệu ban đầu của CAP, rõ ràng công dân da màu nộp đơn khiếu nại chống lại cảnh sát Philadelphia nhiều hơn người Mỹ da trắng từ 3 đến 4 lần. Điều này cho thấy rằng, chính quyền chưa có đủ các biện pháp để ngăn chặn các tương tác tiêu cực với cảnh sát ở Philadelphia và cần phải thực hiện nhiều thay đổi hơn để cải thiện tương tác.
“Nhìn kỹ hơn vào kết quả điều tra của các khiếu nại, chúng tôi thấy rằng 70,1% cảnh sát được đề cập trong các khiếu nại trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 4 năm 2020 đã được phát hiện là không có sai phạm.
Tổng số cán bộ trong biểu đồ này cao hơn tổng số khiếu nại vì khiếu nại có thể bao gồm nhiều hơn một đối với một sĩ quan cảnh sát. Mặt khác, chỉ có 19,7% sĩ quan bị kết tội có hành vi sai trái. Trong số các phát hiện được duy trì hoặc hiện đang chờ xử lý, 49,9% cảnh sát vẫn đang chờ xử lý kỷ luật, 42% cảnh sát được đưa đi đào tạo lại và chỉ có 6% bị kết tội”, đại diện phong trào “Chiến dịch con số 0” nói.
Cũng theo người này, ngoài Philadelphia, nhiều thành phố khác của Mỹ không công khai dữ liệu của cảnh sát. Điều này gây khó trong việc xử lý những cảnh sát sai phạm. Ron Moten, một nhà tổ chức cộng đồng nói: “Khi bạn nhìn thấy những thiết bị hỗ trợ chống bạo động của cảnh sát Mỹ, bạn sẽ hiểu mọi chuyện. Chẳng hạn như ở Denver, những người biểu tình đã tới bệnh viện với các thương tích ở mắt và đầu. Đạn cao su và các loại đạn tương tự đã làm hỏng mắt hoặc gây mù cho ít nhất 20 người với độ tuổi từ 16-59 kể từ khi các cuộc biểu tình lan rộng sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis”.
Đồng quan điểm này, Agnes Callamard, Giám đốc Tổ chức Tự do Biểu hiện toàn cầu, Đại học Columbia, cố vấn cho Liên Hợp Quốc (LHQ), cho biết, việc lạm dụng vũ khí ít sát thương là nghiêm trọng, đôi khi có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Bà Agnes Callamard nói rằng có rất nhiều trường hợp sử dụng cộng cụ hỗ trợ sai mục đích và rằng cảnh sát Mỹ đang vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền của LHQ.
Trong khi đó, một nghiên cứu mới nhất của Đại học Chicago chỉ ra rằng, cảnh sát tại các thành phố lớn nhất của Mỹ không thể đáp ứng ngay cả các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cơ bản nhất. Các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago còn thấy rằng, không có một bộ phận cảnh sát nào hoạt động theo các hướng dẫn tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu được quy định theo luật nhân quyền quốc tế.
Phân tích kỹ hơn nữa về những bất cập này, tờ The Guardian dẫn lời một chuyên gia về luật ở Đại học Chicago cho hay, trong số những thất bại đáng chê trách của cảnh sát Mỹ, có chuyện lạm dụng vũ khí, bạo lực và cách trả lời vô tổ chức, không đúng về các trường hợp nghi phạm trốn thoát, tội phạm trốn chạy...
"Các lực lượng cảnh sát ở những thành phố lớn nhất của Mỹ thiếu tính hợp pháp và họ dường như không phải chịu trách nhiệm trước việc tuân thủ luật nhân quyền. Sự thật rằng lực lượng cảnh sát ở các thành phố lớn nhất của Mỹ không phải là người đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền rất cơ bản của con người", nghiên cứu viết.