Cảnh sát Hy Lạp triệt phá đường dây buôn người bằng máy bay
- Châu Âu thành lập lực lượng cảnh sát chống buôn người
- Tết đoàn tụ nơi “tâm bão” buôn người
- Tội phạm buôn người "đút túi" 6 tỷ USD trong năm 2015
- Nhiều người giúp việc có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người
Cảnh sát Hy Lạp cho biết, mạng lưới này đã đưa trót lọt 12 lượt người di cư tới Italia và mỗi chuyến chúng thu từ 5.100USD đến 8.500USD/người. Theo cảnh sát Hy Lạp, mạng lưới kể trên gồm 4 người Hy Lạp và 2 người Iraq đã bị bắt hôm 16-3 khi đang tìm cách đưa 7 người Iraq, trong đó có 2 trẻ em, tới Italia trên chiếc phi cơ Piper hạng nhẹ.
Sau khi lục soát chiếc Piper, cảnh sát đã tịch thu 34.430 euro, 2 ôtô, 700 gram cây gai dầu và nhiều băng đạn. Kẻ cầm đầu mạng lưới này là một trong hai đối tượng người Iraq vừa bị bắt giữ và hiện cảnh sát đang truy lùng những đối tượng còn lại. Và những kẻ bị bắt đang bị thẩm vấn để làm rõ thủ đoạn đưa người vào châu Âu của chúng.
Cảnh sát Đức tăng cường bảo vệ ở sân bay Frankfurt. |
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Washington coi thỏa thuận vừa đạt được giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người di cư là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu.
Trước đó (18-3), Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuy coi đây là một ngày lịch sử khi đạt được thỏa thuận quan trọng với EU về vấn đề người nhập cư, nhưng vẫn nhấn mạnh, việc Ankara đề xuất các giải pháp hạn chế dòng người di cư tràn sang châu Âu là hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, không phải để mặc cả với EU. Ngày 18-3, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, tất cả những người Syria di cư trái phép đã đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 20-3. Và theo kế hoạch này, cứ 1 người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ được EU tái phân bổ sẽ đổi lấy 1 người di cư Syria được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ Hy Lạp. Đổi lại, EU tăng số tiền hỗ trợ người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ lên 6 tỷ euro, bãi bỏ chế độ thị thực đối với 78 triệu công dân nước này tại EU và sớm thúc đẩy các cuộc đàm phán để kết nạp Ankara bị trì hoãn từ nhiều năm nay.
Nhưng trước đó (17-3), Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo, các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận cuối cùng không thể gắn với nỗ lực gia nhập EU của Ankara.
Theo giới truyền thông, EU cam kết huy động các nguồn tài chính để cung cấp thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro cho tới cuối năm 2018 vì muốn đẩy nhanh thỏa thuận với Ankara trước khi người di cư ồ ạt đổ về Hy Lạp. Nhưng Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite cảnh báo, đề xuất này đã chạm tới rìa của luật pháp quốc tế và rất khó thực hiện. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, cơ chế bố trí và số lượng người được tiếp nhận có thể sẽ được xem xét lại trong trường hợp cần thiết.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, EU không có sự lựa chọn nào ngoài việc ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư được coi là tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến thế giới thứ II. Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhấn mạnh, thà không đạt thỏa thuận còn hơn một văn bản "bán tống bán tháo" những giá trị của châu Âu.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cùng chung quan điểm với Thủ tướng Bỉ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lạc quan một cách thận trọng về vấn đề này.
Còn Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi EU không bán đứng người tị nạn. Và người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi đã yêu cầu các nước cần tăng khả năng tiếp nhận người tị nạn Syria đang tạm trú ở các nước láng giềng từ 170.000 lên 480.000. Và vấn đề này sẽ được đề cập tại hội nghị quốc tế về người di cư, dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 30-3.
Trước đó, Thủ tướng Áo Werner Faymann từng yêu cầu Thủ tướng Đức Angela Merkel thay đổi chính sách hiện nay - chấm dứt chính sách cho phép người tị nạn tự do qua biên giới, không chỉ trong lộ trình giữa các nước Balkan, mà cả các điểm nóng người tị nạn tìm cách để vào châu Âu.
Theo ông Werner Faymann, chừng nào không chấm dứt tình trạng người tị nạn tự do đi lại giữa các nước, thì việc thực thi nghị quyết của Hội đồng châu Âu là không thể. Và Áo không muốn tiếp tục là "phòng chờ" cho người tị nạn tới Đức. Phó Thủ tướng Áo Reinhold Mitterlehner cũng kêu gọi đóng cửa tuyến hành lang Balkan và cho rằng, cần chuẩn bị phương án cho cuộc khủng hoảng người tị nạn khi sức ép lớn hơn sẽ diễn ra trong mùa hè này.