Cảnh sát Bulgaria tiếp tay cho tội phạm buôn người

Thứ Năm, 16/08/2018, 11:48
Theo giới truyền thông, giới chức Bulgaria vừa bắt 1 sĩ quan cảnh sát thuộc Lực lượng cảnh sát thủ đô Sofia với cáo buộc tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp.


Vụ bắt giữ diễn ra vào tối 5-8, sau khi sĩ quan cảnh sát này lái ôtô cùng tài xế 3 chiếc xe khác tới một địa điểm gần thành phố Bourgas bên bờ Biển Đen để chở 16 người di cư về thủ đô Sofia. 

Khi sĩ quan cảnh sát kể trên trở lại địa điểm cũ để đón thêm 6 người di cư khác, thì bị phát hiện và bỏ chạy cho tới khi bị truy bắt tại khu vực miền Trung Bulgaria. 

Thời điểm bị khám nhà, cảnh sát phát hiện 16 người di cư đang ẩn náu ở đây - đều là nam giới, trong đó có 1 trẻ em 10 tuổi, đến từ Afghanistan và đang trên đường vào Tây Âu. 

Theo lời khai ban đầu của sĩ quan cảnh sát bị bắt (hiện chưa công bố danh tính), nếu thực hiện trót lọt 2 vụ vận chuyển kể trên, anh ta sẽ nhận gần 1.200 USD và được yêu cầu thực hiện một cách ngẫu nhiên. 

Nhưng theo các công tố viên, đây là một nhóm tội phạm có tổ chức, không phải hoạt động đơn lẻ. Được biết, cảnh sát đang làm rõ động cơ của "cớm bẩn" này, cũng như mở rộng điều tra về cách thức nhóm người di cư kể trên được đưa vào lãnh thổ Bulgaria.

Anh Azad Ali (phải) đang tố cáo một số cảnh sát Bulgaria tiếp tay cho bọn buôn người.

Trước vụ bắt giữ này, cảnh sát Bulgaria từng bị tố cáo tiếp tay cho bọn buôn người vào "lục địa già". Bởi một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Áo đã triển khai lực lượng tới Serbia để ngăn chặn dòng người nhập cư vào châu Âu, sau khi một số người di cư tố cáo cảnh sát Bulgaria tiếp tay cho bọn buôn người. 

Theo cáo buộc của người di cư, cảnh sát Bulgaria là tay trong cho bọn buôn người để đưa họ vượt qua biên giới Bulgaria tới Serbia, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới. 

Vì Bulgaria là quốc gia không thuộc khối Schengen, nên không được hưởng qui chế tự do đi lại, nên người di cư phải vượt biên giới Bulgaria để tới Serbia. Và nếu không có sự hỗ trợ của "cớm bẩn", bọn buôn người không thể đưa người từ Bulgaria tới Serbia.

Theo cáo buộc của anh Azad Ali, cảnh sát Bulgaria đã hỗ trợ bọn buôn người và gia đình anh đi từ Iraq tới Bulgaria và hành trình của họ được quay phim - tôi nhìn thấy cảnh sát nâng thùng ôtô lên và thấy có người di cư trong xe, nhưng họ chẳng làm gì. 

Gần 2 năm trước (24-11-2016), khoảng 2.000 người di cư tại trại tị nạn Harmalni đã đụng độ với lực lượng cảnh sát và hiến binh, yêu cầu được rời khỏi trại. Một số sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong những vụ đụng độ này.

Hơn 2,5 năm trước (3-2-2016), cảnh sát Bulgaria từng triệt phá một băng nhóm buôn người gồm 7 đối tượng (6 người Bulgaria và 1 người Afghanistan) có liên quan tới các vụ đưa lậu hàng trăm người di cư qua các nước thuộc khu vực Balkan tới Tây Âu. 

Theo hồ sơ của cảnh sát, băng nhóm này bị cáo buộc tổ chức buôn người từ tháng 1-2015. Và trong cuộc vây bắt kể trên, cảnh sát đã tạm giữ 40 người di cư đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, đang trên đường tới Serbia. 

Trước đó (tháng 9-2015), Văn phòng Công tố Bulgaria cho biết, 3 người liên quan tới vụ 71 xác người tị nạn tại Áo đều tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức và họ đã bị bắt. 

Ngày 28-8-2015, cảnh sát Bulgaria xác nhận thông tin, 3 công dân nước này đã bị bắt tại Hungary liên quan tới vụ xe tải chở 71 xác người tị nạn (59 nam, 8 nữ và 4 trẻ em bị chết ngạt trong thùng xe tải đông lạnh) kể trên.

Cảnh sát Bulgaria trong một vụ bắt giữ người nhập cư trái phép.
Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Die Welt của Đức hôm 7-8, Ủy viên Tư pháp Vera Jourova xác nhận, ngày càng nhiều thành viên EU cấp quyền công dân cho người dân các nước ngoài EU sau khi nhận được số tiền đầu tư lớn từ họ. 

Theo bà Vera Jourova, Ủy ban châu Âu (EC) "cực kỳ quan ngại" về sự gia tăng của "hộ chiếu vàng", nên đã kêu gọi các quốc gia thành viên EU thận trọng hơn trong việc cấp quyền công dân. "EU không thể trở thành thiên đường trú ẩn cho bọn tội phạm, tham nhũng và tiền bẩn", bà Vera Jourova nhấn mạnh. 

Theo tờ Die Welt, Cyprus, Malta, Hy Lạp, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Lithuania, Latvia và Hungary là những quốc gia đã trao quyền công dân cho giới nhà giàu Nga, Trung Quốc, châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy vốn đầu tư. 

Còn theo đài DW của Đức, khoảng 87% số người được cấp quyền công dân ở 1 nước EU trong năm 2016 vốn là công dân của quốc gia ngoài EU, tương đương với 863.300 người, tăng 19% so với năm 2015. 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vừa cho biết, số người tị nạn trốn từ nước này vào châu Âu dự kiến sẽ tăng tới 60% trong năm 2018. 

Theo thống kê, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho nhập tịch từ 50.000 đến 80.000 người di cư Syria, nhưng gần 40% trẻ em Syria tại nước này không được tới trường, và đó là một trong những nguyên nhân khiến người tị nạn muốn tới châu Âu. 

Nhiệm Bình
.
.
.