Cảnh sát Bhutan tận tụy và lạc quan

Chủ Nhật, 29/01/2017, 14:28
Vương quốc Bhutan nằm kín trong lục địa tại Nam Á  giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là quốc gia có diện tích nhỏ bé và duy nhất trên thế giới mà nền Phật giáo Kim cương thừa vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.


Tuy nền kinh tế được xếp vào hạng thấp nhất thế giới, song Bhutan lại được mệnh danh là "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới bởi" Bhutan không đánh giá sự phát triển đất nước dựa trên GDP, mà dựa trên GNH (Gross National Happiness - chỉsố hạnh phúc quốc gia). Nơi đây, có những người cảnh sát luôn thân thiện và tận tụy vì công việc…

Cảnh sát Vương quốc Bhutan (RBP) được thành lập năm 1965 với quân số ban đầu chỉ có 555 sỹ quan, được phiên chế từ quân đội. Mãi tới năm 1980, đạo luật về cảnh sát đầu tiên mới ra đời, đánh dấu sự tự chủ về pháp lý và chỗ đứng độc lập cho lực lượng cảnh sát. Theo đạo luật cảnh sát sửa đổi năm 2009, cảnh sát Bhutan chịu trách nhiệm quản lý cả hệ thống nhà tù và công tác cứu hộ, cứu nạn ở nước này.

Cảnh sát giao thông chủ yếu làm nhiệm vụ phân luồng giao thông.

RBP trực thuộc Bộ Nội vụ và Văn hóa. Tổng Tư lệnh và các Phó Tổng tư lệnh được Quốc vương ký quyết định bổ nhiệm dựa trên tờ trình của Bộ trưởng bộ này.

Tổng tư lệnh Cảnh sát Bhutan có quyền lực gần như tuyệt đối và chịu trách nhiệm toàn diện về mọi hoạt động của lực lượng, được toàn quyền quyết định về chính sách, tài chính, bổ nhiệm nhân sự và các vấn đề liên quan đến công tác cảnh sát, quyết định thành lập hay xóa bỏ các đơn vị cảnh sát dưới quyền. Cảnh sát có vai trò quan trọng trong hệ thống các cơ quan hành pháp của Chính phủ.

Cơ quan đầu não của cảnh sát Bhutan đặt tại Thủ đô Thimphu với các đơn vị nghiệp vụ như: Cục Kế hoạch và Nhân lực, Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh, Cục Quản lý trại giam, Trung tâm Cải tạo thiếu niên, Cục Công nghệ thông tin, Cục Cảnh sát đặc biệt, Cục Cảnh sát điều tra, Cục Chống ma túy, Cục Bảo vệ trẻ em và phụ nữ, Văn phòng Interpol quốc gia, Cục Phòng cháy và cứu nạn, Học viện Cảnh sát.

Tại địa phương là các cơ quan cảnh sát cấp tỉnh, cảnh sát cấp huyện và thấp nhất là các đồn cảnh sát. Ngoài ra, RBP còn có các đơn vị cảnh sát độc lập được đặt tại các khu vực trọng yếu, đặc biệt quan trọng để bảo vệ các cơ quan Chính phủ, sân bay hoặc các công trình quan trọng. Hệ thống nhà tù gồm 21 trại giam và cơ sở cải tạo tập trung, trong đó có các cơ sở cải tạo dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội.

Những ứng viên trúng tuyển vào lực lượng cảnh sát sẽ phải trải qua khóa huấn luyện kéo dài 9 tháng về thể lực, kỹ năng sử dụng vũ khí, võ thuật (taekwondo), pháp luật, quan hệ công chúng, điều tra ban đầu, điều khiển giao thông… Sau đó, họ được phiên chế về các đơn vị.

Tùy theo công việc thực tế, mỗi năm các sỹ quan được phái cử đi học nâng cao trình độ với khóa học 6 tuần về các kiến thức điều tra, kỹ thuật hình sự, kiểm soát ma túy… Các sỹ quan nếu muốn được bổ nhiệm cấp chỉ huy đều phải trải qua khóa học tại Học viện Cảnh sát.

Năm 2005, Bhutan trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol và có sự hợp tác rất tốt với cảnh sát quốc tế. Hằng năm, một số sỹ quan ưu tú có thể được cử ra nước ngoài học tập tại các cơ sở đào tạo của Cảnh sát Ấn Độ, Australia, Singapore…

Tất cả các cảnh sát Bhutan đều được đào tạo, rèn luyện ý thức tuyệt đối trung thành với tổ quốc, làm việc tận tụy và minh bạch, hết lòng phục vụ nhân dân. Có thể đồng lương còn thấp, cuộc sống còn khó khăn nhưng không một sỹ quan nào kêu ca hay tìm cách tham nhũng.

Họ sẵn sàng đến nhận công tác tại các vùng sâu, vùng xa theo sự phân công của tổ chức, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh với mục tiêu cao nhất là được phụng sự đất nước và nhân dân. Vì thế, có thể thấy ở mọi cảnh sát Bhutan tinh thần lạc quan và sự tận tụy với công việc được giao.

Cảnh sát Bhutan.

Ở Bhutan, tuyệt đại đa số người dân đều theo đạo Phật và tư tưởng từ bi hỷ xả thấm vào văn hóa và mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Người dân có ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ yêu cầu của cảnh sát rất tốt. Rất hiếm khi thấy cảnh người vi phạm pháp luật có hành vi chống đối lại cảnh sát.

Khắp cả nước tuyệt đối không tìm thấy một đèn tín hiệu giao thông nào trên các nẻo đường đất nước nhưng các phương tiện đi lại rất trật tự, tuân thủ tốt luật giao thông đường bộ. Người tham gia giao thông từ người đi bộ cho tới người lái xe ôtô đều luôn biết nhường nhịn và giúp đỡ nhau trên đường.

Tiếng còi xin đường cũng rất từ tốn và nhẹ nhàng chứ không gắt gỏng hay vô tổ chức. Do vậy, vai trò của người cảnh sát giao thông là hướng dẫn và điều tiết giao thông, chứ hiếm khi phải tuýt còi xử phạt. Bhutan cho phép người dân được sở hữu súng sau khi được đăng ký với cảnh sát nhưng người dân có ý thức rất cao khi sử dụng súng để săn bắn.

Số vụ tội phạm liên quan đến súng thuộc dạng thấp nhất thế giới. Bhutan cũng là nước có tỷ lệ tội phạm rất thấp, hầu như không có các vụ trọng án mà chủ yếu các vụ phạm tội thuộc dạng ít nghiêm trọng.

Khi có bất kỳ vấn đề nào cần báo tin hay trợ giúp về an ninh trật tự, người dân có thể dễ dàng liên lạc tới các số máy đường dây nóng của cảnh sát là 111 (báo tin về giao thông), 110 (báo tin về cháy) và 113 (báo tin về tội phạm và vi phạm pháp luật) để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Ngay khi tiếp nhận tin, cảnh sát Bhutan luôn tổ chức xác minh và xử lý rất nhanh, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh. Cảnh sát ở mọi cấp, đặc biệt là cảnh sát cơ sở rất gần gũi nhân dân với phương châm "dân quý, dân giúp là mình thành công". Dù đất nước còn nghèo nhưng Chính phủ Bhutan luôn dành ưu tiên đặc biệt cho cảnh sát về con người, trang bị, tài chính… vì quan niệm rằng an ninh trật tự được đảm bảo thì người dân mới yên tâm sinh sống, làm việc và đất nước mới bình yên để phát triển bền vững.

Đến Bhutan, khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn và khác lạ về đất nước, văn hóa, con người nơi đây, du khách cũng có thể được giúp đỡ tận tình hoặc có những bức ảnh đẹp chụp chung với những sỹ quan cảnh sát thân thiện. Những vùng đất yên ả, thanh bình, sạch đẹp như trong những câu chuyện cổ tích được giữ an toàn bởi những người cảnh sát luôn hết mình vì công việc, hiền hậu với nhân dân nhưng cương quyết với tội phạm…

Hoàng Nhân
.
.
.