Cảnh sát Anh truy lùng kiều nữ gốc Việt cầm đầu đường dây kết hôn giả
Tổ chức phi pháp núp bóng spa làm đẹp
Theo nguồn tin từ phía cảnh sát Anh thì một người phụ nữ gốc Việt có tên là Lưu Thị Thùy Trang và tên thường gọi là Louise đang bị truy nã khẩn cấp vì những cáo buộc liên quan đến việc cầm đầu một đường dây chuyên tổ chức kết hôn giả. Trước khi mọi chuyện bị bại lộ thì Louise đã lẩn trốn và không để lại dấu viết khiến cảnh sát cùng các cơ quan điều tra đã phải mở lệnh truy nã trên khắp nước Anh.
Louise là một người gốc Việt 24 tuổi định cư tại Anh và làm nghề chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ. Công việc làm ăn trước đây của cô khá thuận lợi khiến nhiều người mơ ước có được một công việc cũng như một cuộc sống như cô. Chính vì vậy mà đã có nhiều người thân trong gia đình Louise muốn được cô tạo cho một cơ hội đặt chân đến đất nước Anh với hy vọng đổi đời. Công việc ở tiệm làm đẹp càng ngày càng nhiều khiến Louise cũng muốn đưa được những người thân của mình sang để phụ giúp. Louise đã xoay xở cũng như tìm đủ mọi cách để đưa người sang Anh và cách mà cô đã chọn là tổ chức kết hôn giả cho những người Việt và người có quốc tịch Anh. Càng ngày càng có nhiều người có nhu cầu muốn xuất ngoại nên Louise đã tập trung thời gian cũng như trí lực vào công việc này dưới bóng của những tiệm spa làm đẹp.
Những phi vụ tổ chức đưa người sang Anh đã khiến cô thu được số tiền lớn gấp rất nhiều lần so với công việc tại cửa tiệm, bên cạnh đó cô còn được nhiều người mang ơn vì đã giúp họ đổi đời, khiến Louise không có cách nào rút chân ra khỏi những công việc làm ăn phi pháp. Công việc tổ chức kết hôn giả rất phức tạp nên Louise đã thành lập cả một đường dây quy mô, chia nhỏ lẻ từng công đoạn để dễ quản lý cũng như che mắt được cơ quan điều tra. Louise là người trực tiếp liên hệ với những người có quốc tịch Anh, đặt vấn đề với họ, nếu như họ đồng ý sẽ có ngay một bản hợp đồng rất chi tiết về việc chứng nhận đăng ký kết hôn. Những người có quốc tịch sẽ được nhận một khoản tiền không nhỏ kèm theo một bản hợp đồng và những lời đường mật của Louise. Louise thường tìm đến những người có hoàn cảnh khó khăn đang rất cần tiền nên cô đã không gặp phải khó khăn gì trong việc thuyết phục họ đồng ý tham gia vào đường dây của mình.
Amanda Nolan (trái) và Gemma Nelson nằm trong đường dây tổ chức kết hôn giả của Louise. |
Đầu tiên Louise chỉ làm cho những người thân trong gia đình cô, sau đó thấy công việc thuận lợi và dễ dàng, Louise đã mở rộng đường dây, cô đã tổ chức cho hàng loạt người sang Anh bằng con đường này. Những cặp vợ chồng giả này sẽ được cung cấp tất cả những thông tin về nhau để họ được chấp nhận kết hôn, sau khi kết hôn thì người có quốc tịch Anh sẽ được đón vợ hoặc chồng ở Việt Nam sang định cư tại Anh theo diện đoàn tụ. Mọi điều kiện sẽ được hai bên ký kết với nhau bằng một bản hợp đồng.
Việc làm đen tối bị phanh phui
Tổ chức đưa người sang Anh bằng việc kết hôn giả do Louise cầm đầu ngày càng mở rộng khiến nhiều cơ quan chức năng nghi ngờ, cảnh sát điều tra vào cuộc và đã phát hiện ra việc làm ăn phi pháp này. Một trong những phi vụ làm ăn mới nhất bị cơ quan điều tra phát hiện ra đó là khi Louise thực hiện tiến hành cuộc hôn nhân giả với người đàn ông có tên là Amanda Dolan, 28 tuổi. Ngay sau khi nhận được đơn xin đăng ký kết hôn, cảnh sát đã điều tra về người đàn ông này và anh ta thừa nhận rằng đã nhận được 5.000 bảng Anh để tham gia vào cuộc hôn nhân do Louise sắp đặt. Vì đang sống độc thân lại đang cần tiền nên anh ta đã đồng ý với bản hợp đồng mà Louise đưa ra.
Theo lời kể của Amanda Dolan thì anh ta chỉ được biết mặt “vợ” qua ảnh, toàn bộ thông tin về đời tư của nhau được trao đổi qua bà mối Louise. Bản hợp đồng được ký kết với nội dung liên quan đến tài sản sau khi ly hôn và cuộc sống đời tư của hai bên. Amanda Dolan nói rằng anh cũng không nghĩ đến hậu quả những việc mình làm chỉ biết rằng công việc đơn giản mà đổi lại anh ta lại có được một khoản tiền, đến khi bị cơ quan cảnh sát triệu tập để thẩm vấn thì anh ta mới nhận ra rằng mình đã trực tiếp tham gia vào một đường dây làm ăn phi pháp.
Từ những lời khai của Amanda Dolan, cảnh sát điều tra đã lần tìm ra dấu vết của Louise. Cô là người cầm đầu đường dây và đã lôi kéo được một số người khác tham gia vào tổ chức này. Theo kết quả điều tra ban đầu của cảnh sát thì Louise đã có một đội quân hùng hậu phía sau trong đó có Kevin Donnelly, 34 tuổi, Proctor Jason, 40 tuổi, Denny Wallace, 22 tuổi và Gemma Nelson, 28 tuổi. Trong số những người này thì cảnh sát đã bắt được Denny Wallace, 22 tuổi.
Denny Wallace khai nhận rằng Louise đã sử dụng uy tín của mình bằng ba tiệm sơn móng tay mà cô làm chủ tại Preston, Chorley và Blackburn để dụ dỗ những người này bước vào đường dây tổ chức kết hôn giả. Thời gian đầu thì những người này chỉ là những người làm thuê trong tiệm của Louise, sau đó vì lợi nhuận mà họ đã gia nhập đường dây tổ chức đưa người sang Anh bất hợp pháp.
Đường dây đưa người sang Anh bằng con đường kết hôn giả của Louise được thực hiện từ năm 2008. Trong suốt một thời gian dài cô cùng các cộng sự của mình đã thực hiện trót lọt hàng trăm vụ và đã mang lại cho cô một khoản tiền lợi nhuận không nhỏ. Theo lời khai của Denny Wallace thì anh ta không biết chính xác mỗi phi vụ thành công Louise thu về bao nhiêu tiền, anh ta chỉ nhận được 300 bảng Anh cho mỗi phi vụ trót lọt. Làm việc với Louise anh ta luôn nhận được tiền công rất sòng phẳng, công việc cũng không phải nặng nhọc nên anh ta cũng không nghĩ đến hậu quả mà mình sẽ phải gánh chịu.
Sau khi ra lệnh khám nhà và bắt khẩn cấp Louise, theo công tố viên Elizabeth Nicholls thì các giấy tờ mà cảnh sát thu được liên quan đến các cuộc hôn nhân của Louise bao gồm giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn giả còn Louise đã bỏ trốn trước đó vài ngày. Sau khi điều tra về bản thân Louise thì cô được định cư tại Anh cũng bằng con đường kết hôn giả. “Cô Louise đã tổ chức kết hôn giả cho bản thân, sau đó tổ chức cho bạn và người thân trong gia đình cô. Các cuộc hôn nhân ngay sau đó đã không còn tồn tại. Mục đích của việc tổ chức hôn nhân giả này là giúp cô và người thân có được quốc tịch Anh”, dẫn lời công tố viên Elizabeth Nicholls.
Cảnh sát Anh cũng cho biết, ngôi nhà của Louise tại địa chỉ đường Castleton, Preston đã được chuyển tên sang cho hai người Việt khác. Công tố viên Nicholls cho biết có thể Louise là thành viên của một “tổ chức phi pháp lớn” cho nên cô có thể trốn thoát rất nhanh và không để lại tung tích nào. Vì có nghi ngờ liên quan đến những tổ chức làm ăn phi pháp lớn nên cảnh sát đã mở lệnh truy nã rộng rãi trên toàn nước Anh để tìm ra tung tích của Louise.
Theo nhận định của nhiều người thì cô ta đã trốn chạy khỏi nước Anh bởi cô ta biết rõ những công việc mà mình đang làm, biết trước hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu như mọi chuyện bị bại lộ, chính vì vậy mà cô ta đã tính cho mình nước rút an toàn. Sau một thời gian điều tra thì cảnh sát đã bắt được những tay chân tham gia vào đường dây của Louise nhưng vẫn không thể tìm được tên cầm đầu đường dây này bởi trước khi trốn chạy cô ta đã xóa sạch dấu vết. Nhà cửa và cửa tiệm đã được sang nhượng cho người khác, ngoài tờ giấy khai sinh cùng với tờ đăng ký kết hôn giả thì Louise không để lại một dấu vết nào khác. Những người gốc Việt được Louise đưa sang Anh cũng không có thông tin gì về cô ta bởi họ chỉ là người thực hiện theo đúng những gì trong hợp đồng còn sau khi đã đặt chân đến nước Anh thì họ không biết gì về bà mối này nữa. Những người thân của Louise cũng không biết được cô ta đang ở đâu và làm gì, chỉ biết rằng lúc nào cô ta cũng bận rộn và không có thời gian để quan tâm đến mọi người trong gia đình.
Công cuộc tìm kiếm người phụ nữ gốc Việt cầm đầu đường dây đưa người trái phép sang Anh vẫn đang được cảnh sát điều tra tiến hành. Gây tội ắt sẽ phải đền tội, không ai có thể thoát khỏi quy luật này. Với Louise cũng vậy, cho dù cô ta có cố gắng trốn chạy tội lỗi thì chắc chắn một ngày nào đó cô ta sẽ phải đối diện với pháp luật và trả giá cho những tội lỗi của mình