Cảnh sát Anh hoãn “còng đầu” tội phạm

Thứ Sáu, 07/10/2016, 16:32
Cảnh sát London (Anh) phải hoãn áp dụng kế hoạch thí điểm trùm một chiếc mũ lưới lên đầu nghi phạm lúc bắt giữ đối tượng, vì các tổ chức bảo vệ nhân quyền giận dữ phản đối.


“Không lẽ lấy tay bịt mồm nghi phạm ?”

Trước đó vào tháng 2-2016, Cảnh sát thủ đô Anh (còn gọi là Scotland Yard hoặc là Metropolitan Police, viết tắt là Met) được “bật đèn xanh” thử nghiệm biện pháp trùm mũ lưới lên đầu nghi phạm. Kiểu “còng đầu” này còn được gọi là “mũ chống cắn khạc”, nhằm để bảo vệ cảnh sát khỏi bị nghi phạm khạc nhổ nước miếng hoặc cắn, những hành vi có thể khiến cảnh sát có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng, như bệnh viêm gan.

Đã có những vụ đối tượng cắn, nhổ nước miếng buộc cảnh sát phải dùng thuốc chống nhiễm trùng liều mạnh để phòng chống. Việc uống thuốc này kéo dài 3 tháng và có thể khiến cảnh sát bị nôn mửa liên tục.

Che Donald, quan chức phụ trách mảng sức khỏe-an toàn thuộc Công đoàn Cảnh sát Anh, nói: “Tôi thà bị đối tượng đấm vào mặt hơn là bị khạc nhổ. Bệnh viêm gan phổ biến nơi các nhóm lạm dụng ma túy. Chúng tôi đâu có đối phó với người hiền lành. Tôi không nghĩ mũ lưới là một cách sử dụng vũ lực mà là một vấn đề sức khỏe và an toàn”.

Cựu thanh tra cảnh sát Hamish Brown của Met là một trong số những người ủng hộ biện pháp này: “Đâu còn cách nào khác, không lẽ chúng tôi lấy tay bịt mồm đối tượng, hoặc nhét khăn tay vào miệng nghi phạm.

Người phát ngôn  của  Met cho biết, các cảnh sát sẽ được huấn luyện sử dụng mũ lưới kỹ lưỡng để tránh bị đối tượng cắn hoặc khạc nhổ vào người họ. Bà này còn nói  biện pháp trên là cần thiết để cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kế hoạch thí điểm đã được phổ biến cho tất cả 32 đơn vị tạm giam ở London chuẩn bị sử dụng “mũ chống cắn khạc” từ tháng 10 tới.

Ban đầu, cảnh sát sẽ không sử dụng mũ lưới này ngoài đường, vì khi triển khai có thể bị chụp ảnh hoặc khiến người dân bức xúc. Nhưng việc sử dụng mũ lưới có thể được mở rộng cho cảnh sát tuần tra đường phố, nếu lãnh đạo cảnh sát thủ đô kết luận kế hoạch thí điểm là một thành công.

Biện pháp “còng đầu” gây phản cảm

Mũ lưới “còng đầu” đã gây tranh cãi, có những cáo buộc cảnh sát xâm phạm các quyền lợi của nghi phạm và thậm chí có thể gây nguy hiểm.  Met cũng từng phản đối sử dụng mũ lưới, và vài chỉ huy đã bày tỏ sự quan ngại rằng đấy là cách “bắt chước” quân đội Mỹ trùm đầu những nghi phạm khủng bố Al-Qeada bị giam nhốt ở nhà tù Vịnh Guantanamo.

Cảnh sát London phải hoãn thí điểm “còng đầu” nghi phạm.

Theo báo Guardian  ngày 7-9, các tổ chức bảo vệ nhân quyền nói cảnh sát đã có đủ quyền lực để bắt giữ nghi phạm và gọi biện pháp “còng đầu” phủ lên đầu và mặt nghi phạm này là “viển vông và đáng sợ”. 

Tổ chức Ân xá quốc tế” và Tổ chức dân quyền Tự do cùng nhóm vận động Inquest (chuyên giúp những người phàn nàn cảnh sát hành động quá tay) mô tả chiếc mũ lưới “là một công cụ sơ khai, bạo tàn và hạ cấp, gieo rắc nỗi sợ và đau khổ” và “nó chỉ có trong những câu chuyện kinh dị, không có trên đường phố của một xã hội văn minh” .

Tổ chức Ân xá quốc tế nói mũ lưới có thể hạn chế sự hít thở, tạo ra sự lạc hướng và có thể gây nguy hiểm và căng thẳng cực kỳ…, và đề nghị phải đặt ra những câu hỏi về cách trấn áp nghi phạm này có vi phạm nhân quyền hay không.

Lãnh đạo Tổ chức dân quyền Tự do cho biết đã chứng kiến nhiều lần cảnh sát sử dụng “mũ chống cắn khạc” một cách không cần thiết mà không giải thích, để trùm lên đầu cả trẻ em và người khuyết tật. Trong khi đó, cảnh sát khi cần thiết đã có quyền sử dụng vũ lực đối với công dân bằng cách còng tay, khóa tay-khóa chân, xịt hơi cay hoặc dùng gậy.

Inquest nói đây là một biện pháp “đáng báo động”, không có sự tranh luận và tư vấn và nó không có ích trong việc hỗ trợ cảnh sát trong quan hệ với cộng đồng: “Việc sử dụng mũ lưới như một công cụ cảnh sát rất đáng sợ, dẫn đến những quan ngại thật sự về nguy cơ lạm dụng và gây ra sự kỳ thị đối với các cộng đồng thiểu số trong xã hội, hoặc người có vấn đề về sức khỏe tâm thần”.

Từ đó, Met tạm ngưng kế hoạch, nói sẽ xem xét thêm trước khi thực hiện. Họ cho biết quyết định thí điểm mũ lưới “còng đầu” được phê duyệt vào tháng 2 và đã lấy ý kiến của các chuyên gia.

Theo tờ Guardian, Met không báo cáo với Thị trưởng Sadiq Khan về kế hoạch. Người phụ trách mảng giám sát Met thuộc Văn phòng thị trưởng nói: 

“Thị trưởng không được tư vấn về quyết định này, và chúng tôi sẽ xem xét các chi tiết trước khi cho phép thí điểm. Hoàn toàn không thể chấp nhận bất kỳ vụ tấn công cảnh sát nào đang làm nhiệm vụ, và đôi khi việc sử dụng phương tiện bảo hiểm là cần thiết. Nhưng việc vận dụng các chiến thuật gây bất ngờ đối với nghi phạm là một vấn đề rất nhạy cảm, cần được thông báo cho người dân biết. Chúng tôi sẽ thảo luận về các chi tiết với Met và sẽ làm công tác tư vấn chặt chẽ với họ”.

Bé gái “quá dữ” nên bị trùm mũ lưới

Trên thực tế, “mũ chống cắn khạc” đã được một số ít lực lượng cảnh sát sử dụng. Cảnh sát giao thông Anh cũng áp dụng biện pháp “còng đầu” này 151 lần kể từ khi bắt đầu hồi tháng 6-2014. Lực lượng này hiện bị Ủy ban độc lập phàn nàn cảnh sát (IPCC) điều tra vụ một thanh niên da màu bị cảnh sát đè xuống đất, trói tay rồi trùm mũ lưới. Vụ bắt vào tháng 7 vừa qua diễn ra trên một chiếc cầu ở London, đã  bị quay phim và đưa lên mạng xã hội, dẫn đến việc IPCC điều tra.

Luật sư Shamik Dutta bào chữa cho thanh niên này, nói: “Việc sử dụng mũ lưới khiến người bị bắt hoảng loạn, cảm thấy bị làm nhục và khiến thân chủ của tôi căng thẳng. Khi che mặt ai đó, việc sử dụng mũ lưới có thể khiến nhân chứng - kể cả cảnh sát - khó thể nhanh chóng biết người bị bắt có khó thở, bị sốc hoặc bị chấn thương mặt hoặc đầu vốn cần được khám y tế lập tức để tránh những hậu quả đe dọa mạng sống người bị bắt”.

Vụ cảnh sát Anh bắt và trùm mũ lưới lên đầu thanh niên da màu

Tháng 6-2016, cảnh sát hạt Sussex bị chỉ trích, vì nổi lên chuyện nhân viên công lực trùm một chiếc mũ lưới lên đầu một bé gái 11 tuổi bị khuyết tật, sau khi đã còng tay và đeo dây khóa chân. Bé gái này từng bị bắt 3 lần và năm 2012 đã một lần bị giam một tháng theo Luật sức khỏe tâm thần. Trong cả 4 lần em bị giam trong xà lim, cảnh sát không cử người lớn ở cùng em.

IPCC đã vào cuộc điều tra, kết luận 11 cảnh sát phải giải trình việc bắt bé gái này. Mẹ bé gái cho biết con bà đã phải chịu đựng một trải nghiệm “ác mộng”. Nhưng cảnh sát hạt Sussex bào chữa cho các cảnh sát liên quan vụ việc, nói bé gái dù nhỏ tuổi “nhưng đã thể hiện tầm cỡ bạo lực cao”, nên biện pháp kềm giữ là cần thiết để tránh em tự gây thương tích hoặc làm nhân viên công lực bị thương.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)
.
.
.