Cải tạo 1.200 cảnh sát biến chất

Thứ Tư, 20/09/2017, 09:41
"Từ những gì nhìn thấy thì chuyện này đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục bởi những người khác. Tốt nhất là nên có biện pháp ngay để ngăn những vụ việc tương tự", Cảnh sát trưởng Manila Oscar Albayalde đã tuyên bố như vậy khi trả lời phỏng vấn với hãng Reuters.


Và vụ "cướp giữa ban ngày" do một số sĩ quan cảnh sát của quận Caloocan đã khiến dư luận bức xúc và buộc Cảnh sát trưởng Manila Oscar Albayalde phải ra lệnh giải tán và đào tạo lại 1.200 cảnh sát sau hàng loạt tai tiếng thời gian vừa qua. 

Theo hãng Reuters, Cảnh sát trưởng Oscar Albayalde yêu cầu toàn bộ sĩ quan cảnh sát thuộc một số đơn vị của quận Caloocan phải trải qua khóa tái huấn luyện và định hướng trước khi thuyên chuyển họ tới các đơn vị khác. Đồng thời cảnh báo, cảnh sát các khu vực khác của Manila có thể chịu hình phạt tương tự nếu họ không nghiêm túc. 

Việc này diễn ra sau khi truyền thông địa phương đưa tin một số sĩ quan cảnh sát của quận Caloocan xông vào nhà một phụ nữ lớn tuổi để cướp số tiền trị giá 30.000 peso và toàn bộ việc này đã bị camera ghi lại. Và việc này đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc và tức giận. 

Theo ông Oscar Albayalde, có 62 cảnh sát tại đơn vị số 2, 4 và 7 của quận Caloocan bị đào thải vì "quá bê bối", nhưng Quận trưởng Jemar Modequillo và Quận phó Ilustre Mendoza không bị thay thế. 

Đây là lần đầu tiên toàn bộ một đơn vị cảnh sát bị đình chỉ nhiệm vụ kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức và khởi động cuộc chiến chống ma túy cách đây 15 tháng. Và là "giọt nước tràn ly" sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte cho phép cảnh sát toàn quyền bắn hạ tội phạm ma túy.

Những cảnh sát bị nghi sát hại Kian Loyd Delos Santos điều trần trước Thượng viện.

Hơn 20 ngày trước (28-8), hãng Reuters dẫn tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Philippines khi ông Rodrigo Duterte cho phép cảnh sát được quyền bắn "bọn dốt nát" chống cự lệnh bắt. Đồng thời nhấn mạnh "giết người, gây án mạng và giết người trái pháp luật" thì không được phép, và cảnh sát phải bảo vệ pháp luật khi thi hành nhiệm vụ. 

Tổng thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố, có thể có sự lạm quyền trong cuộc chiến chống ma túy và đã ra lệnh bắt những cảnh sát tham gia vào vụ giết hại Kian Loyd Delos Santos, cậu học sinh trung học với cáo buộc là "người vận chuyển ma túy". 

Ông Rodrigo Duterte tuyên bố, không bao che cho hành vi lạm quyền và các sỹ quan cảnh sát sẽ phải đối mặt với hậu quả về hành động của họ nếu kết quả điều tra chính thức kết luận điều đó. Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã trao thưởng 40.000USD cho bất cứ ai bắt được cảnh sát bao che cựu Thị trưởng thành phố Ozamiz Reynaldo Parojinog, người bị bắn chết vì dính líu tới hoạt động buôn bán ma túy. 

Ông Rodrigo Duterte từng khẳng định, sẽ tiếp tục cuộc chiến chống ma túy, nhưng yêu cầu cảnh sát chỉ tiêu diệt nghi phạm trong trường hợp tính mạng bị đe dọa. 

"Cảnh sát không được phép giết chết một người quỳ gối xin tha mạng vì đó là hành động sát nhân", hãng Reuters dẫn lời ông Rodrigo Duterte. Vẫn theo hãng Reuters, cảnh sát đã mang theo các bộ dụng cụ xét nghiệm, gõ cửa từng nhà người dân ở Payatas, một trong những khu phố nghèo nhất ở Thủ đô Manila để yêu cầu họ xét nghiệm ma túy tại chỗ. 

Được biết, chính quyền địa phương đã đồng ý chi tiền để tiến hành các cuộc xét nghiệm ma túy tự nguyện và miễn phí từ 4-5 tháng. Tuy nhiên, các nhóm hoạt động nhân quyền tỏ ra hoài nghi về các cuộc xét nghiệm ma túy của cảnh sát - đó chỉ là cái cớ để cảnh sát truy lùng các đối tượng sử dụng ma túy.

Cảnh sát đi tuần ở quận Caloocan thuộc thủ đô Manila.
Tổng thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố "hài lòng với việc tiêu diệt hàng triệu người nghiện". Và hơn 1 tháng trước (12-8), hãng CNN từng dẫn tuyên bố của ông Rodrigo Duterte - không thể kiểm soát cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. 

"Các nước khác không làm được. Làm sao chúng ta có thể? Chúng ta không thể kiểm soát những vấn đề ma túy đó được", ông Rodrigo Duterte tuyên bố khi có mặt tại thành phố Davao. 

Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng, nhiệm kỳ của ông quá ngắn nên không có đủ thời gian giải quyết và so sánh với vấn đề ma túy ở Mỹ. Cuộc chiến chống ma túy của ông Rodrigo Duterte bị cựu Tổng thống Barack Obama chỉ trích mạnh, nhưng đến thời Tổng thống Donald Trump, các chỉ trích này có phần dịu bớt. 

Quốc hội chỉ phê duyệt ngân sách 20 USD cho Ủy ban Nhân quyền Philippines, mặc dù họ yêu cầu cấp 34 triệu USD cho ngân sách năm 2018 (năm 2017 được duyệt 15 triệu USD). Chủ tịch Hạ viện Pantaleon Alvarez gọi Ủy ban Nhân quyền Philippines là tổ chức "vô dụng" và chứa nhiều tham nhũng. Còn dư luận coi động thái kể trên là sự trừng phạt của chính quyền đối với tổ chức chuyên chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. Khác với ngân sách cho Ủy ban Nhân quyền Philippines, ngân sách cho các chiến dịch chống ma túy của cảnh sát được cấp 17,58 triệu USD trong năm 2018, tăng 4.400% so với năm 2016.


Nhiệm Bình
.
.
.