Các tập đoàn công nghệ Mỹ giúp Canada chống tin giả trước bầu cử
Bộ trưởng Thể chế Dân chủ Karina Gould nói với các nhà lập pháp rằng Microsoft, Facebook đưa ra các thông báo tự nguyện trợ giúp bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.
"Đã đến lúc không thể thụ động trước các thông tin sai lệch", bà Gould nói. Bà cũng cho biết thêm rằng Microsoft và Facebook cũng đồng ý tăng cường các nỗ lực chống lại thông tin sai lệch, thúc đẩy các biện pháp bảo vệ để giải quyết các sự cố an ninh mạng và giải thích các quy tắc của họ về việc chấp nhận quảng cáo chính trị.
Facebook và Microsoft sẽ giúp Canada tăng cường an ninh trên internet. |
Tháng 4-2019, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã chỉ trích các tập đoàn truyền thông xã hội lớn chưa làm tròn trách nhiệm hỗ trợ chính phủ đối phó với nguy cơ nước ngoài can thiệp cuộc bầu cử.
Ottawa cũng cảnh báo về khả năng sẽ "chỉnh đốn" các tập đoàn này. Các quan chức Chính phủ nói rằng họ sợ các nhân tố xấu sẽ toan tính can thiệp vào cuộc bỏ phiếu. "Các chiến thuật độc hại, đa diện và thay đổi liên tục tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng", bà Gould nói.
Khi được hỏi làm thế nào bà có thể đảm bảo các hãng trên tuân thủ khi các thông báo tự nguyện mang tính chất không ràng buộc, bà Gould cho biết sự quan tâm sâu sát của công chúng, truyền thông và các đảng chính trị sẽ giúp các nền tảng này có trách nhiệm trong thời gian ngắn.
"Tôi nghĩ họ có một mối quan tâm để trở thành những nhân tố đáng tin cậy trong không gian dân chủ Canada và nếu không được như vậy thì chúng tôi sẽ quay lại với biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn về quy định hành chính trong kinh doanh", bà Gould nói.
Trước đó, ngày 30-1 Canada cho biết thành lập một ủy ban đặc biệt để cảnh báo các cử tri về nguy cơ có sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc tổng tuyển cử.
Bộ trưởng Bộ các thể chế dân chủ Karina Gould bày tỏ hy vọng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Google sẽ hỗ trợ bảo vệ cuộc bầu cử thông qua việc đẩy mạnh tính minh bạch, xác thực và chính trực trên nền tảng của mình.
Bà Gould cho biết, động thái trên của Canada cũng bị chi phối bởi thực tế rằng tại các cuộc bầu cử gần đây ở Anh, Pháp và Đức có bàn tay can thiệp của nước ngoài.
Cuối năm 2018, Canada đã thông qua Đạo luật bầu cử 2019 (Bill C-76) yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải đăng ký tất cả các quảng cáo chính trị và đảng phái mà họ trực tiếp hoặc gián tiếp đăng quảng cáo.
Theo đó, các nền tảng trực tuyến phải đăng ký toàn bộ các quảng cáo mang tính chính trị/đảng phái được trực tiếp hay gián tiếp đăng tải trên nền tảng của mình. Mọi hình thức vi phạm sẽ bị phạt hoặc thậm chí lĩnh án tù. Trong khuôn khổ của C-76, các quy định về minh bạch quảng cáo dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 30-6 tới.
Tháng 2-2019, Tập đoàn công nghệ Google đã quyết định sẽ cấm quảng cáo chính trị trên nền tảng của mình. Theo quyết định này, Google sẽ sửa đổi các hệ thống và chính sách quảng cáo để chặn các quảng cáo nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật C-76.
Google cũng bày tỏ lo ngại về việc rất khó để phát hiện quảng cáo nào mang tính đảng phái, khi quảng cáo đó không đề cập đến một ứng cử viên hay một đảng cụ thể. Google là một trong những công ty quảng cáo kỹ thuật số lớn nhất thế giới. Trong năm 2016, Google chiếm 48% quảng cáo trên Internet tại Canada, so với mức 24% của Facebook.
Không chỉ Canada, cuối tháng 1-2019, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng 5, Liên minh Châu Âu (EU) đã yêu cầu các công ty quảng cáo và các tập đoàn Internet của Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến chống các chiến dịch gieo rắc thông tin giả. Ủy ban châu Âu cho rằng vào thời điểm các chiến dịch tranh cử bắt đầu khởi động tại các nước EU, các công ty Internet cần có các giải pháp cụ thể để bảo đảm sự minh bạch của các quảng cáo mang tính chính trị.