Các đại gia dược phẩm Mỹ bị phạt hàng tỷ USD vì thuốc giảm đau
Theo phán quyết của tòa án, Johnson&Johnson và bộ phận dược phẩm Janssen của công ty này sẽ phải hỗ trợ tài chính cho một "kế hoạch bồi thường" nhằm chăm sóc những người bị nghiện chất opioid, các gia đình và cộng đồng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng phụ thuộc thuốc chứa chất gây nghiện.
Johnson&Johnson là công ty dược phẩm đầu tiên bị đưa ra xét xử liên quan cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ. Sau phán quyết của tòa, cổ phiếu của J&J đã giảm 2% xuống còn 130 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, số tiền 572 triệu USD trong phán quyết mà tòa tuyên sau hơn 7 tuần xử án thấp hơn nhiều so với số tiền mà bang đòi hỏi.
Thuốc giảm đau có chứa opioid được cho là nguy hiểm gấp 50 lần heroin. |
Trước đó, trong phiên tòa hôm 28-5, Bộ trưởng Tư pháp bang Oklahoma Mike Hunter cáo buộc Johnson & Johnson đã thực hiện chiến dịch tẩy não, lừa đảo trị giá hàng triệu USD để quảng bá thuốc giảm đau opioid như một loại thuốc thần kỳ, từ đó góp phần dẫn đến đại dịch opioid trên toàn nước Mỹ. Bang Oklahoma yêu cầu Johnson & Johnson đền bù 17,5 tỷ USD.
Thuốc giảm đau nhóm opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp, chủ yếu được sử dụng để giảm đau. Nếu sử dụng liên tục thuốc nhóm opioid, con người sẽ bị phụ thuộc thuốc, đòi hỏi tăng liều và dẫn đến hội chứng cai khi đột ngột ngừng.
Trường hợp sử dụng lượng opioid quá liều lượng mà cơ thể và bộ não chịu được, bệnh nhân có nguy cơ bị suy hô hấp hoặc ngừng tim, dẫn đến tử vong. Bang Oklahoma ước tính phải mất 20-30 năm với chi phí 12,7-17,5 tỷ USD mới giải quyết được cuộc khủng hoảng opioid do Johnson & Johnson gây ra.
Ngoài Johnson & Johnson, Công ty dược phẩm Purdue Pharma, nhà sản xuất thuốc giảm đau OxyContin và Công ty Teva Pharmaceuticals cũng bị tố tiếp thị sai lệch về thuốc giảm đau, góp phần vào đại dịch opioid.
Mới đây, Purdue Pharma đã đề xuất khoản bồi thường từ 10 - 12 tỷ USD nhằm giải quyết hàng nghìn đơn khiếu nại, yêu cầu công ty này phải chịu trách nhiệm trong vấn nạn nghiện thuốc giảm đau tại Mỹ hiện nay.
Purdue Pharma đã phải chịu sự chỉ trích của dư luận sau khi đã khuyến khích tiêu thụ thuốc giảm đau kê toa có thành phần gây nghiện opioid. Hiện các cuộc làm việc giữa đại diện Purdue Pharma và Tòa án bang Ohio đang diễn ra ở thành phố Cleveland. Trong khi đó, các cơ quan hữu quan Mỹ chuẩn bị tiến hành một cuộc thử nghiệm quy mô lớn đối với hàng chục hãng dược phẩm có liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid tại nước này.
Trong một tuyên bố ngày 27-8, hãng Purdue Pharma cho biết động thái trên là biện pháp "tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ trong vụ kiện opioid". Biện pháp này xuất phát từ thực tế là tiến trình kiện tụng và kháng cáo kéo dài trong nhiều năm sẽ chỉ lãng phí về thời gian và tiền của.
Hồi đầu năm nay, Purdue Pharma đã được chính quyền bang Oklahoma rút đơn kiện sau khi hãng này đồng ý bồi thường thiệt hại 270 triệu USD. Các chính quyền và người dân Mỹ cáo buộc rằng các công ty trong chuỗi sản xuất và phân phối thuốc giảm đau nhóm opioid đã che giấu sự nguy hiểm của loại thuốc này và không có biện pháp gì để kiểm soát doanh số bán hàng gia tăng quá mức cho đến khi hàng triệu người Mỹ đã lạm dụng loại thuốc này.
Theo Viện Nghiên cứu quốc gia về lạm dụng thuốc (NIDA) của Mỹ, tình trạng lạm dụng và sử dụng quá liều thuốc giảm đau đã bùng phát tại nước này trong 20 năm qua. Thống kê cho thấy trong hai thập kỷ qua, gần 400.000 người đã tử vong vì dùng thuốc quá liều, thông qua việc kê đơn của bác sĩ hoặc dùng trái phép.
Từ năm 2016, số người nghiện thuốc giảm đau buộc phải chuyển sang dùng heroin hay thuốc chứa ma túy mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) đã siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn. Cũng theo FDA, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ chết do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện.
Trong đó, thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid có nguy cơ gây nghiện cao và được cho là nguy hiểm gấp 50 lần so với heroin. Số thuốc giảm đau cực mạnh thuộc nhóm này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do con người gây ra tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, với gần 50.000 ca tử vong do dùng quá liều vào năm 2017. Năm 2017, nước Mỹ đã phải chi 115 tỷ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc số trẻ em có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid.