Cảnh sát Pháp điều tra vụ bê bối thuốc giảm đau

Thứ Hai, 25/01/2016, 09:57
Tuyên bố hôm 18-1 của Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine cho thấy, Paris muốn giảm nhẹ ảnh hưởng của vụ bê bối thuốc giảm đau. Bởi theo bà Marisol Touraine, không có lý do để ngừng các cuộc thử nghiệm lâm sàng loại thuốc giảm đau mới tại Pháp, cho dù một người đã tử vong khi tình nguyện tham gia dùng thuốc này.

Mặc dù coi đây là vụ việc nghiêm trọng chưa từng có ở Pháp, nhưng Bộ trưởng Y tế Pháp vẫn nhấn mạnh, hiện chưa có bằng chứng bắt buộc phải dừng các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc mới được chiết xuất từ cây gai dầu (cannabis), giúp giảm đau và ngăn ngừa rối loạn thần kinh. Bà Marisol Touraine còn cho biết, ngoài điều trị đau, thuốc còn được dùng để giảm tâm trạng lo âu, phiền muộn cùng các rối loạn liên quan tới các chứng thoái hóa thần kinh.

Nhưng khi phát biểu trên truyền hình trước đó, bà Marisol Touraine từng tuyên bố, cuộc nghiên cứu bị đình hoãn và tất cả những người tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm đều phải dừng lại. Đồng thời khẳng định, loại thuốc này không chứa cần sa và không phải là một chất dẫn xuất của cần sa như báo chí Pháp đã đưa tin.

Bộ trưởng Y tế Pháp, bà Marisol Touraine (trái) tại cuộc họp báo.

Bà Marisol Touraine còn cho biết, ngày 26-6-2015, Cơ quan An toàn dược phẩm Pháp (ANSM) đã cấp phép cho hãng dược Bial của Bồ Đào Nha và họ đã thuê cơ sở của Công ty Biotrial của Pháp để tiến hành thử nghiệm cho mình. Bởi Biotrial được cấp giấy phép hoạt động, và đã trải qua 2 đợt thanh tra trong năm 2014 với kết quả tốt.

Văn phòng công tố Paris cho biết, cuộc điều tra sự cố y tế nghiêm trọng nhất tại Pháp được mở rộng bao gồm cáo buộc ngộ sát sau cái chết của tình nguyện viên. Ngày 18-1, tờ Le Monde dẫn thông cáo của Bệnh viện Đại học Rennes (RUH) cho biết, tình trạng của 5 người còn lại tuy ổn định, nhưng 4 người bị các triệu chứng rối loạn thần kinh, có thể dẫn đến những di chứng suốt đời.

Tên loại thuốc thử nghiệm tuy không được công khai, nhưng theo tạp chí Forbes thì đó là BIA 10-2474 do hãng dược Bial của Bồ Đào Nha điều chế. Và việc thử nghiệm do Công ty Biotrial của Pháp tiến hành. Hiện 3 cơ quan chức năng của Pháp là ANSM, cảnh sát tư pháp, và Cơ quan Thanh tra xã hội (Igas) đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn tới cái chết kể trên.

Giới chức Bồ Đào Nha cũng mở cuộc điều tra về vụ việc này. Hãng dược Bial của Bồ Đào Nha đã làm việc với các cơ quan y tế của Pháp và Bồ Đào Nha để xác định nguyên nhân dẫn tới sự cố kể trên. Bởi theo lời bác sỹ Gilles Edan, phụ trách khoa Khoa học thần kinh tại Bệnh viện RUH cho biết, tình trạng của bệnh nhân nhập viện đầu tiên nhanh chóng trở nên tồi tệ và dẫn đến chết não.

Và cả 6 người này đều thuộc nhóm sử dụng thuốc với liều lượng cao nhất trong tổng số 108 bệnh nhân tự nguyện tham gia thử nghiệm. Giới truyền thông cho biết, đợt thử nghiệm BIA 10-2474 được Biotrial tổ chức tại thành phố Rennes, với sự tham gia của 108 tình nguyện viên và bắt đầu từ ngày 9-7-2015.

Theo giới chuyên môn, cái chết hôm 17-1 của người thử thuốc BIA 10-2474 thật sự là cú sốc đối với ngành Y tế Pháp. Năm trường hợp còn lại (trong độ tuổi từ 28 đến 49) tuy đang trong điều kiện sức khỏe khá ổn định, nhưng theo Cơ quan Y tế Pháp, 4/5 người này có nguy cơ bị tổn thương não.

Giám đốc Bial Antonio Portela cho biết, ông bị sốc nặng trước cái chết của tình nguyện viên, đồng thời cam kết điều tra nghiêm túc vụ việc này. Theo giới truyền thông, cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 7-1 và có 90 tình nguyện viên khỏe mạnh tham gia uống với các liều lượng và trong những thời gian khác nhau. Nhưng việc thử nghiệm BIA 10-2474 đã bị đình chỉ từ ngày 11-1.

Theo báo cáo của IMS Health, công ty Mỹ chuyên cung cấp thông tin, dịch vụ và công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cùng những chỉ trích về xu hướng tăng giá của dược phẩm kê đơn tại Mỹ, trong 5 năm tới, chi phí cho dược phẩm trên thế giới sẽ tăng từ 3%-6%/năm. Và chi phí cho dược phẩm của thế giới sẽ tăng khoảng 30% từ mức 1.000 tỷ USD hiện nay lên 1.300 tỷ USD vào năm 2020, do sự xuất hiện của các loại thuốc mới đắt đỏ, giá cả tăng, dân số già và xu hướng tăng cường sử dụng thuốc tại các nước đang phát triển.

IMS Health còn cho rằng, tới năm 2020, doanh số bán các loại thuốc (thuốc kê đơn có bản quyền, thuốc cùng gốc và thuốc không kê đơn) trên thế giới có thể đạt 1.400 tỷ USD. Và con số này ước tăng thêm khoảng 349 tỷ USD so với năm 2015, gần gấp đôi so với mức tăng 182 tỷ USD của giai đoạn từ năm 2011 tới năm 2015. Vẫn theo IMS Health, đến năm 2020, hằng năm số liều thuốc sử dụng sẽ đạt 4.500 tỷ liều, tăng 24% so với năm 2015.

Thiện Lân
.
.
.