Cảnh sát Mỹ được xử nhẹ khi gây án
Và trước sức ép của dư luận cũng như người dân, ngày 27-1, Sở Cảnh sát Cleveland mới quyết định đuổi việc 6 sĩ quan cảnh sát, 6 người khác bị kỷ luật và 1 người nghỉ hưu. Mặc dù vụ việc diễn ra từ tháng 11-2012, nhưng hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng người dân thành phố Cleveland.
Theo hãng AFP, tổng cộng có hơn 100 cảnh sát tham gia cuộc truy đuổi và 13 người đã bắn 137 phát đạn vào chiếc xe chở Timothy Russell và Malissa Williams. Trong số 6 cảnh sát tham gia nổ súng, sĩ quan Michael Brelo là người trèo lên nóc xe do Timothy Russell lái và bắn tới 49 phát đạn. Mặc dù là một trong 6 sĩ quan cảnh sát vừa bị đuổi việc, nhưng trước đó Michael Brelo từng được một tòa án ở Cleveland xử trắng án. Và phán quyết của tòa đã khiến người dân thành phố Cleveland vô cùng tức giận, và họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình khác nhau.
Người dân thành phố Cleveland biểu tình phản đối vụ cảnh sát bắn chết hai người da đen trên xe ôtô. |
Theo giới truyền thông, vụ việc nảy sinh sau khi chiếc xe do Timothy Russell lái đột ngột rồ ga, phát ra tiếng nổ khi chạy ngang qua trụ sở của Sở Cảnh sát thành phố Cleveland. Và cảnh sát tưởng đó là tiếng súng, nên lập tức truy đuổi trên quãng đường dài khoảng 35km. Mặc dù vụ việc diễn ra hơn 4 năm, nhưng Sở Cảnh sát và chính quyền thành phố Cleveland hầu như án binh bất động cho tới khi sự giận dữ của người dân lên tới đỉnh điểm, họ mới vào cuộc.
Và theo kết luận mới nhất của chính quyền thành phố Cleveland, những sĩ quan cảnh sát tham gia nổ súng bắn vào chiếc xe chở Timothy Russell và Malissa Williams, đã gây nguy hiểm đến tính mạng của những người khác, cho dù việc xả súng chỉ diễn ra trong 20 giây. Điều đáng nói là có một số người không báo cáo cấp trên khi tham gia cuộc truy đuổi và tiến hành việc này vượt quá giới hạn địa lý của Cleveland.
Trước quyết định đuổi việc 6 sĩ quan cảnh sát của Sở Cảnh sát Cleveland, ngày 25-1, Văn phòng tư pháp quận Walter cho biết, bồi thẩm đoàn đã buộc tội đàn áp đối với cảnh sát Michaell Kelley với mức án 1 năm tù giam. Bởi cảnh sát Michaell Kelley đã sử dụng súng bắn điện Taser vào người thành viên hội đồng người da đen Jonathan Miller ở Prairie View, bang Texas.
Theo một đoạn video quay bằng điện thoại cho thấy, cảnh sát Michaell Kelley đã dùng khẩu Taser bắn khiến ông Jonathan Miller ngã sấp mặt xuống đất ngay trước ngôi nhà của mình hồi tháng 10-2015. Vụ việc của ông Jonathan Miller một lần nữa dấy lên những câu hỏi về nạn phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát Mỹ thời gian gần đây.
Trước đó (thượng tuần tháng 1), một bồi thẩm đoàn đã buộc tội Brian Encinia và sa thải sĩ quan cảnh sát này. Điều đáng nói là Brian Encinia cũng là một trong những sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ tấn công ông Jonathan Miller.
Theo cáo buộc của tòa, hành động của Brian Encinia đã khiến cô Sandra Bland tự treo cổ trong phòng giam hôm 13-7-2015. Brian Encinia đã chặn xe của cô Sandra Bland vì không bật tín hiệu khi đổi làn đường tại Prairie View và tranh cãi giữa họ đã dẫn đến bắt giam. Và chỉ 3 ngày sau khi bị giam vì một lỗi giao thông nhỏ, cô Sandra Bland đã tự sát, còn sĩ quan cảnh sát Brian Encinia bị sa thải.
Trong một diễn biến liên quan, tính đến ngày 18-12-2015, cựu nhân viên cảnh sát Daniel Holtzclaw, 29 tuổi, làm việc tại Sở Cảnh sát thành phố Oklahoma đã bị kết án tới 263 năm tù sau khi bị cáo buộc hãm hiếp và tấn công tình dục.
Theo hồ sơ tại tòa, trong thời gian làm cảnh sát, Daniel Holtzclaw, bị cho là có liên quan đến 36 đơn kiện về tội danh hãm hiếp và tấn công tình dục, cùng nhiều tội danh khác. Công tố viên thành phố Oklahoma David Prater tuyên bố, mọi người phải nhận ra rằng, đây không phải là những tội ác do một nhân viên thực thi pháp luật gây ra - hắn chỉ là một kẻ hiếp dâm đội lốt nhân viên thực thi pháp luật.
Trong khi đó, công tố viên Lori McConnell nói, Daniel Holtzclaw đã chọn những người mà hắn tin không dám tố giác hành vi của mình.
Theo tờ Washington Post, vụ bắn chết thanh niên da đen 23 tuổi Keith Childress Jr., của cảnh sát Las Vegas là trường hợp cuối cùng trong số 986 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết trong năm 2015. Con số này cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ báo cáo thường niên của FBI trong suốt thập kỷ qua. Keith Childress Jr. bị truy nã vì dính líu tới một số vụ án bạo lực và cảnh sát đã nổ súng khi người này không chịu bỏ một vật đang cầm trong tay. Nhưng sau khi khám nghiệm, vật trong tay Keith Childress Jr. là chiếc điện thoại di động, không phải súng. Điều này trái ngược với tuyên bố của cảnh sát: đã khai hỏa vì Keith Childress Jr. không chịu buông súng. |