Thái Lan: Lan tràn các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ chui

Chủ Nhật, 05/05/2019, 20:49
Trong vài  năm qua, số lượng những người chuyên thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ trái phép - từ đơn giản đến phức tạp và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng - tăng một cách đáng kể ở Thái Lan. 


Phó Giáo sư Jumroon Tungkeeratichai, bác sĩ Bệnh viện Ramathibodi thuộc Đại học Mahidol, cảnh báo: “Số lượng người làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy ở Thái Lan tăng mạnh, trong đó có cả những nạn nhân của sự sai sót trong quá trình thực hiện – phần đông là những bệnh nhân đã tìm đến các phòng mạch bất hợp pháp hoặc những người không được đào tạo chuyên môn”.

Botox là chất làm đầy được sử dụng phổ biến.

Những người chuyên thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ chui ở Thái Lan được gọi là “maw krapao” và họ thường không được đào tạo về chuyên môn và chính vì thế sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong. 

Do hoạt động bất hợp pháp, lo sợ bị cảnh sát phát hiện và cũng một phần do quá đông khách, những “bác sĩ” này chỉ chấp nhận tiến hành làm đẹp cho những người họ tin tưởng hay được người quen giới thiệu. Trong khi một số chuyên tiêm chất làm đầy vào da thì có những “maw krapao” thực hiện tất cả các loại hình làm đẹp từ tiêm Botox hay khâu thẩm mỹ cho đến phẫu thuật mũi. 

Chất lượng tay nghề của những “maw krapao” này rất mơ hồ và đa dạng. Một số đã từng là y tá và họ dùng những gì được đào tạo để thực hiện tiêm chất làm đầy, một số lại học nghề từ những người đi trước và có cả những bác sĩ thật sự từng làm việc trong những bệnh viện uy tín nhưng bị cắt giảm nhân lực hay sa thải do sai phạm trong công việc phải chuyển sang làm phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Trong khi những phòng mạch hoạt động trái phép đang ngày càng lan rộng thì việc sử dụng các loại hóa chất không đạt chuẩn và bị cấm cũng ngày càng phổ biến. Jumroon cho biết: “Chất làm đầy được sử dụng có thể là các chất bị cấm bấy lâu nay như paraffin hay sillicone lỏng – được Hội đồng Y khoa Thái Lan thống nhất cấm sử dụng như một chất làm đầy.

Những chất này khác với silicone rắn. Sau khi silicone rắn được đưa vào cơ thể thì khoảng một năm sau sẽ có một lớp màng được hình thành một cách tự nhiên bao bọc khối silicone đó. Ngược lại, các hóa chất lỏng như silicone lỏng và paraffin có những mảnh rất nhỏ nên cơ thể hoàn toàn không thể hình thành màng bao bọc. Khi đó, những mảnh này sẽ lan ra khắp nơi và gây khó khăn trong việc loại bỏ chúng khi da bị nhiễm trùng”. 

Bệnh viện Ramathibodi.

Bên cạnh đó, có cả những bệnh nhân sử dụng loại hyluronic acid phổ biến nhưng lại không may rơi vào tay của những người hành nghề trái phép hay được thực hiện trong điều kiện không an toàn. Bác sĩ Jumroon cho biết: “Hyaluronic acid cũng có cả loại được phép sử dụng và loại bị cấm sử dụng, tùy theo hãng sản xuất có được phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay không. Trên thực tế, các bệnh nhân tìm đến “maw krapao” đều không biết họ được tiêm hóa chất của công ty nào”. 

Hơn nữa, năng lực của các “maw krapao” là có hạn và đây chính là điều đáng lo ngại. Bác sĩ Jumroon cảnh báo: “Xung quanh mũi và trên trán của chúng ta có các mạch máu nối liền với dây thần kinh thị giác, nếu các chất làm đầy bị tiêm nhầm vào các mạch máu này, bệnh nhân có thể bị mù”.

Nhu cầu làm đẹp tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện tràn lan của những phòng mạch bất hợp pháp và các loại mỹ phẩm giả. Chỉ tính riêng ở Bangkok, gần đây, đã có từ 20 đến 25 bác sĩ yếu kém tay nghề bị cảnh sát bắt giữ mỗi năm. Bộ Y tế Thái Lan đã cố gắng tìm hiểu ở Bangkok và những địa phương khác để phát hiện những cơ sở y tế hoạt động trái phép gây nguy hiểm cho bệnh nhân. 

Những cuộc thanh tra hằng năm ở các cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện ngày càng gắt gao, không chỉ kiểm tra các thiết bị y tế, giấy phép kinh doanh, mà còn cả trình độ chuyên môn của các bác sĩ và các loại sản phẩm được đưa vào sử dụng. Theo luật Thái Lan, chủ của những phòng mạch trái phép sẽ phải chịu mức án cao nhất là 3 năm tù giam hoặc phạt tiền 60.000 baht, hoặc có thể bị cả hai hình phạt trên. Những người hành nghề trái phép cũng sẽ phải chịu 3 năm tù treo, phạt 30.000 baht hoặc cả hai. 

Tuy nhiên, cũng có đề xuất với Hội đồng Y khoa của Thái Lan thực hiện thu hồi giấy phép hành nghề của những bác sĩ tham gia vào những đường dây phi pháp này. Trung bình ở Thái Lan, cứ 2 người phụ nữ thì sẽ có một người trong số đó được tin chắc rằng đã từng tìm đến các thẩm mỹ viện để tiêm Botox hay sử dụng các kỹ thuật làm đẹp da.

Theo một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc sắc đẹp cho biết, phụ nữ Thái Lan sẽ sẵn sàng bỏ ra khoảng từ 1.000 baht đến 100.000 baht cho những kỹ thuật chỉnh trang sắc đẹp mà không cần đến dao kéo. Một phụ nữ giấu tên cho biết: “Phải tốn khoảng 100.000 baht cho việc căng da mặt và chừng vài nghìn baht cho việc trị mụn”. Cô cũng thừa nhận rằng mình đã sử dụng cả hai liệu pháp trên và nhiều kỹ thuật làm đẹp khác để cải thiện vẻ bề ngoài của mình. 

Về phần các “maw krapao”, cô cho rằng: “Tôi có nghe về việc này nhưng chưa thử bao giờ. Tôi muốn được chăm sóc bởi những bác sĩ có trình độ đàng hoàng nhưng những “maw krapao” ngoài kia lại không phải là bác sĩ. Họ chỉ là những y tá hay trợ lý bác sĩ từng làm việc trong các phòng mạch và chỉ biết sơ sơ về chuyên môn”.

Duy Minh
.
.
.