COVID-19 làm phương Tây thức tỉnh việc phụ thuộc dược phẩm Trung Quốc

Thứ Sáu, 01/05/2020, 14:08
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, phương Tây mới thức tỉnh trong đau đớn và phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giành lại quyền chủ động về thuốc men, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Có một điều các nhà khoa học, giới chuyên môn phần nào đã nắm rõ, nhưng đa phần công chúng thì chưa biết, đó là trong vòng chưa đến 30 năm, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, đi đầu là châu Âu và Mỹ, đã “nhường” một phần lớn “chủ quyền” về thuốc men và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. 

Từ những năm 1990, hoạt động của ngành công nghiệp dược phẩm châu Âu và Mỹ đa phần chuyển sang Trung Quốc. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, phương Tây mới thức tỉnh trong đau đớn và phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giành lại quyền chủ động về thuốc men, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mọi ngả đường đều dẫn đến... Trung Quốc

Trong những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu vẫn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính vẫn được sản xuất tại châu Âu, chỉ có 20% được nhập từ nước ngoài. Đã có thời nước Đức được gọi là nhà máy dược phẩm và hóa chất của cả thế giới. 

Tuy nhiên, sự thay đổi bắt đầu từ những năm 1990, khi các doanh nghiệp quyết định dịch chuyển ồ ạt vì chi phí nhân công và các quy định về môi trường. 

Kế hoạch ban đầu là tất cả đều được sản xuất tại một nơi. Thế nhưng, với sự cạnh tranh của thuốc đồng dạng (generic) được sản xuất tại các nước đang phát triển, ngành dược phẩm đã thuê thầu phụ cả mảng sản xuất dược liệu thô, hoạt chất và kể cả thuốc. 

Đó là thời toàn cầu hóa theo kiểu đôi bên đều có lợi, cho phép một số doanh nghiệp cất cánh và những công ty khác sản xuất với giá thấp. Nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh cuối cùng tại Đức đã đóng cửa vào năm 2017.

Trung Quốc đã trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm.

Giáo sư Stefan Laufer, cựu Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Quốc gia Đức, cho biết: “Do áp lực từ các cơ quan bảo hiểm y tế Đức, thuốc trở thành một sản phẩm mà tiêu chí quan trọng nhất là giá thành chứ không phải chất lượng”. 

Theo ông, yếu tố môi trường là một lý do lớn dẫn đến việc dịch chuyển ngành hóa học hữu cơ, vốn có lợi cho ngành công nghiệp hóa dược phẩm rất phát triển của Đức. Giáo sư Laufer lấy làm tiếc là Đức đã quá lơ là, bỏ bê các nhà máy hóa hữu cơ. 

“Nước Đức đã quá đề cao giá trị thị trường toàn cầu khi cho rằng không cần nghĩ tới sự độc lập quốc gia bởi vì thị trường luôn được đáp ứng. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Bây giờ không có thị trường toàn cầu. Nước nào cũng đóng cửa biên giới và đấu đá nhau để giành giật khẩu trang và thuốc men”, Giáo sư Laufer nói.

Giờ đây, thuốc kháng sinh, thuốc cao huyết áp, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống HIV/AIDS, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt... đều cần đến những thành phần có nguồn cung từ Trung Quốc. Đây cũng là nước sản xuất lượng lớn thuốc đồng dạng. 

Theo Phòng Thương mại xuất nhập Thuốc và Sản phẩm Y tế Trung Quốc, năm 2018, nước này xuất khẩu hơn 30 tỷ USD thuốc và thành phần dược phẩm. Trong khi đó, 80% thành phần dược phẩm được sử dụng tại Mỹ là hàng nhập khẩu, phần lớn đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Bộ Thương mại Mỹ cho biết năm ngoái, nước này nhập khẩu 95% ibuprofen, 91% hydrocortisone, 70% paracetamol, 40 đến 45% penicillin và 40% heparin từ Trung Quốc.

Nói một cách hình ảnh như chuyên gia Rosemary Gibson của Viện Hastings, Mỹ, thì “tất cả mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc”. Trung Quốc đã trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm. 

Đáng nói hơn nữa là Trung Quốc nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện giờ không còn được bào chế nữa. Chẳng hạn, Trung Quốc sản xuất tới 97% dược liệu và hóa chất cần thiết để sản xuất kháng sinh đồng dạng tiêu thụ tại Mỹ. 

Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách di dời ngành công nghiệp dược phẩm của phương Tây song suy cho cùng thì nền sản xuất Ấn Độ cũng không thoát được cảnh phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế.

Theo ông Bruno Bonnemain, chủ tịch một nhóm làm việc về việc gián đoạn chuỗi cung ứng, tại Viện Dược phẩm Quốc gia Pháp, từ 10 năm nay, các nhà nghiên cứu đã gióng những hồi chuông báo động về việc Pháp mất quyền tự chủ về dược phẩm do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ. 

Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, Học viện Dược Pháp đã cảnh báo 80% các chất hoạt tính dược sử dụng tại Pháp và châu Âu đều được sản xuất ngoài khu vực kinh tế châu Âu, mà một phần lớn là tại châu Á, so với tỷ lệ 20% cách nay 30 năm. 

Năm 2018, Học viện Dược Pháp ghi nhận 868 báo động căng thẳng hay gián đoạn nguồn cung thuốc, tăng gấp 20 lần so với năm 2008, liên quan đến các loại thuốc điều trị ung thư, kháng sinh, vắc-xin, các loại thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim hay thần kinh…

Theo Học viện Dược Pháp, nguyên nhân chính của nguy cơ khan hiếm thuốc men và trang thiết bị y khoa là do hiện tượng toàn cầu hóa. Năm 2018, một báo cáo của học viện cho rằng “toàn cầu hóa ngành công nghiệp dược đã làm xáo trộn chu trình sản xuất thuốc”. 

Đợt dịch COVID-19 đã phơi bày sự lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc và nhiều nước châu Á, có thể gây nguy hại cho vấn đề an ninh y tế công cộng của quốc gia. 

Cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, Pháp cũng như châu Âu bị lệ thuộc nhiều vào một số loại nguyên liệu hiếm. Năm 2016, tại Pháp chỉ còn có 92 nhà xưởng bào chế hoạt chất so với con số hàng nghìn tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhìn sang nước Mỹ, theo báo Le Figaro, ''có một sự tỉnh thức đầy đau đớn''. Dịch COVID-19 đã khiến người Mỹ nhận ra sức khỏe của họ phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào. 

Mặc dù Mỹ vẫn duy trì sản xuất những hoạt chất chính và các nhà máy vẫn bào chế dược phẩm, nhưng Trung Quốc vẫn thống trị thị trường Mỹ về dược liệu và các hoạt chất chính để sản xuất thuốc đồng dạng và kháng sinh đồng dạng. 

Tình trạng này tạo ra sự suy yếu chiến lược nghiêm trọng cho nước Mỹ vì Trung Quốc cung cấp tới 97% lượng kháng sinh tiêu thụ tại Mỹ. Nhà nghiên cứu Rosemary Gibson của viện Hastings nhấn mạnh dịch COVID-19 càng khiến Mỹ có ý thức về sự phụ thuộc nói trên.

Các hãng dược phẩm Ấn Độ cũng phụ thuộc 70% nguyên liệu của Trung Quốc.

Cần sự thay đổi chiến lược trong ngành dược phẩm

Đầu tháng 3/2020, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu 26 thành phần dược liệu và loại thuốc, bao gồm cả Paracetamol, một trong những thuốc giảm đau phổ biến nhất trên thế giới, sau khi Trung Quốc ngưng và giảm cung cấp nhiều nguyên liệu sản xuất thuốc. Các nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc tới 70% nguyên liệu.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu thuộc EU cho biết nhiều thành phần dược phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất thuốc, cũng như sự ổn định nguồn cung các thành phần thuốc này. 

Theo ước tính, Trung Quốc không chỉ cung cấp các loại nguyên liệu cần thiết cho bào chế thuốc, mà quốc gia này còn sản xuất đến 60% thuốc paracetamol, 90% thuốc penicilline và hơn 50% thuốc chống viêm ibuprofen cho thế giới. 

Tình hình này có thể dẫn tới tình trạng thiếu thuốc trên toàn thế giới. Theo Hiệp hội Dược phẩm EU (PGEU), kết quả cuộc khảo sát được 24 nước thành viên EU thực hiện hồi cuối năm ngoái cho thấy toàn bộ các nước thành viên đều trải qua tình trạng thiếu hụt thuốc chữa bệnh trong năm 2019.

Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Vera Jourova đã chỉ trích EU và gọi đây là “sự phụ thuộc đáng buồn” của khối này. Đồng thời, bà Jourova cho rằng: “Đây là điều khiến chúng ta dễ bị tổn thương và cần phải thay đổi triệt để. Chúng ta sẽ đánh giá lại chuỗi cung ứng, và tìm cách đa dạng hóa chúng và lý tưởng là sản xuất càng nhiều càng tốt tại châu Âu. Đây là bài học lớn cho chúng ta”. 

Theo một quan chức cấp cao của EU, khối này đang đánh giá tác động của hoạt động vận chuyển thuốc từ châu Á bị gián đoạn do COVID-19 khi Pháp cảnh báo nước này quá phụ thuộc vào Trung Quốc với 40% dược chất để bào chế thuốc của nước này là nhập từ Trung Quốc.

Phần lớn thuốc bán ở châu Âu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Lãnh đạo y tế các bang của Đức cho rằng Nhà nước cần cho tái thiết nền công nghiệp dược phẩm, quay lại bào chế các hoạt chất chính. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia về hồ sơ này đều lưu ý về những khó khăn liên quan đến thời hạn, chi phí, kiến thức hiểu biết để tái lập nền sản xuất. 

Theo Giáo sư Stefan Laufer, cựu Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Quốc gia Đức, việc này sẽ phải mất nhiều năm, các quy trình sản xuất hóa học tinh khiết rất phức tạp, nhất là phải sáng chế ra các công nghệ riêng để đảm bảo tôn trọng tiêu chuẩn xanh. 

Việc này đương nhiên sẽ phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu, bởi vì các nước không thể sản xuất toàn bộ chỉ trong nước họ. Tất cả những điều trên đòi hỏi có sự thay đổi thực sự trong tư duy.

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết gần 1/4 thuốc và 30% thành phần dược liệu tại Mỹ được nhập khẩu từ Ấn Độ. Vì vậy, đầu tháng 3/2020, Ủy viên FDA Stephen Hahn cho biết cơ quan này đang xem xét về mức độ ảnh hưởng tới nguồn cung thuốc ở Mỹ từ quyết định hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ. 

Thời gian qua, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về sự phụ thuộc của nước này vào các thành phần dược phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, nhất là trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài. 

Chuyên gia Boynton cho rằng dịch COVID-19 sẽ buộc các công ty Mỹ tư duy lại về tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc. "Với nhiều công ty Mỹ, việc các nhà máy Trung Quốc đóng cửa là lời cảnh báo nghiêm khắc", chuyên gia của Albright Stonebridge nhấn mạnh.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.