Buông lỏng kiểm soát vũ khí tại Mỹ làm gia tăng các vụ giết chóc ở Mexico

Thứ Ba, 12/05/2020, 15:19
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định đề xuất một cải cách mới nhằm giảm bớt sự kiểm soát việc xuất khẩu vũ khí của các nhà sản xuất Mỹ, đề xuất này có nguy cơ làm tăng vọt số lượng vũ khí (vốn đã rất cao) có nguồn gốc từ Mỹ được đưa vào sử dụng trong các hoạt động tội phạm ở Mỹ Latinh.

Cho thuê vũ khí nóng theo ngày

Vào tháng 9/2019, nhà chức trách Mexico phát hiện ra rằng ngay tại thủ đô Mexico, rất nhiều loại vũ khí nóng có thể thuê theo ngày, phần lớn những vũ khí này được nhập lậu từ Mỹ. 

Những loại vũ khí nhỏ, chẳng hạn như súng ngắn cỡ nòng 22 hoặc 25 ly có thể thuê được với giá từ 800 peso/ ngày (khoảng 40 USD), một khẩu súng lục ổ quay 38 ly có giá 1.800 peso (khoảng 90 USD) còn một khẩu súng trường bán tự động AR-15 thì được cho thuê tới 9.000 peso (khoảng 1.800 USD)/ ngày.

Những vũ khí này được vận chuyển lậu từ Mỹ vào Mexico hoặc được tuồn ra từ Sedena (Ban Thư ký Bộ Quốc phòng Mexico) nhưng khi đó số sê-ri sẽ bị xóa đi. Oscar, một người buôn lậu vũ khí đã cho biết như vậy. Oscar cũng nói thêm rằng các khách hàng không chỉ là những kẻ tội phạm mà còn có cả những công dân bình thường muốn tìm kiếm một công cụ để phòng vệ.

Esteban, một kẻ buôn vũ khí khác thì xem công việc của mình cũng chỉ như các việc kinh doanh bình thường khác. Chủ sở hữu của 11 vũ khí hạng nhẹ và hai khẩu súng trường tấn công, vào buổi sáng anh ta đem cho thuê chúng với giá dao động từ 500 đến 3.000 peso/ khẩu (khoảng từ 25 đến 155 đô la) và nhận lại chúng vào buổi tối. "Khách hàng có thể dùng nó để tấn công xe buýt, cướp cửa hàng hay giết người... tôi không quan tâm. Họ trả tôi tiền, thế là xong".

Theo báo cáo điều tra của tổ chức El Sol de Mexico, người ta có thể thuê vũ khí nóng ở khắp nơi trong thành phố Mexico, chẳng hạn như ở chợ El Salado ở Iztapalapa và chợ San Felipe de Jesús ở quận Doctores, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Chợ Tepito, ở ngay trung tâm thành phố, sào huyệt của một trong các tổ chức tội phạm hung bạo nhất của Mexico City. 

Cũng theo bản báo cáo của El Sol de Mexico, có một số lượng lớn vũ khí đang được lưu hành tại bang Mexico, người ta có thể dễ dàng tìm thấy chúng tại các khu nhà tư nhân ở các thành phố Naucalpán, Cuautitlán, Cuautitlán Izcalli, Tultepec và Tultitlán.

Vũ khí sản xuất tại Mỹ được thu hồi tại hiện trường một vụ án ở Mexico.

Hầu hết vũ khí đến từ Mỹ

Theo dữ liệu chính thức của Chính phủ Mexico, từ năm 2013 - 2018, 70% trong số 96.036 khẩu súng được Mexico thu hồi có xuất xứ từ Mỹ và đã được phía Mexico trao trả cho Văn phòng Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) của Mỹ để theo dõi.

Số lượng vũ khí được ồ ạt nhập lậu từ Mỹ vào Mexico đã biến nước này thành nước đứng thứ ba thế giới về số người bị sát hại vì súng đạn và đẩy nước này lún sâu vào vòng xoáy của bạo lực. 

Năm 2017 đã trở thành năm chết chóc nhất ở Mexico khi con số tử vong vì súng đạn được ghi nhận là cao nhất tính từ năm 1997, năm mà người ta bắt đầu thống kê hiện tượng này. Số ca tử vong vì bạo lực đã tăng trở lại vào năm 2018 và đạt đến mức độ chưa từng có vào cuối năm 2019.

Không chỉ tăng về số lượng, khả năng sát thương của các loại vũ khí nhập lậu này cũng tăng lên. Vào cuối tháng 7-2019, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard đã tuyên bố rằng số lượng vũ khí tấn công và súng trường tự động bị bắt tại hiện trường các vụ án ở nước này đã tăng thêm 122 đơn vị, tức là gần 63% so với năm 2018.

Tại thị trấn biên giới Tijuana, theo báo cáo của cảnh sát trưởng thành phố thì "gần như tất cả vũ khí bị cảnh sát thu giữ từ năm 2016 đều đến từ Mỹ" và Tijuana đã trở thành một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới bởi nơi đây đã trở thành chiến trường của các cuộc chiến đẫm máu giữa các nhóm đối thủ để chiếm quyền kiểm soát việc bán ma túy tổng hợp, như methamphetamines và fentanyl.

Hiện tượng vũ khí Mỹ được ồ ạt chuyển giao vào tay các băng nhóm tội phạm Mexico tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Thị trường vũ khí Mỹ quá dồi dào sản phẩm, đặc biệt là các loại súng cỡ nòng lớn nhưng lại thiếu một cơ chế kiểm soát vũ khí chặt chẽ, trong khi giới tội phạm Mexico thì luôn luôn cần tới những loại vũ khí này.

"Các băng đảng tội phạm ở Mexico luôn cần tới vũ khí để trấn áp mọi mưu toan muốn tác động đến nền kinh tế tội ác của chúng cũng như để thách thức quyền kiểm soát lãnh thổ của các băng đảng khác", John Lindsay-Pologne, nhà nghiên cứu của tổ chức Global Exchange, cho biết.

Cách thức phổ biến nhất để mang vũ khí vào Mexico là các băng đảng sẽ thuê những người Mỹ đứng ra mua bán vũ khí một cách hợp pháp từ các đại lý được ủy quyền rồi sau đó chuyển lậu qua biên giới vào Mexico. Các vũ khí thường được tháo rời ra giấu trong các thiết bị điện tử hay những vật dụng khác để qua mặt các cơ quan chức năng.

Thực tế, khả năng phát hiện ra vũ khí bất hợp pháp giấu trong các kiện hàng của lực lượng an ninh và hải quan ở biên giới như "tìm ra một chiếc kim trong đống cỏ khô". Họ thiếu các nguồn lực để có thể kiểm tra kỹ lưỡng một lượng khổng lồ hàng hóa và các phương tiện qua lại biên giới mỗi ngày. Tình trạng tham nhũng hối lộ và sự thiếu hợp tác giữa các bộ phận chức năng càng làm suy giảm các nỗ lực muốn ngăn chặn dòng vũ khí chuyển lậu qua biên giới từ Mỹ vào Mexico.

Từ năm 2013 đến năm 2018, 70% trong số 96.036 khẩu súng được Mexico thu hồi có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ.

Những khoảng trống và gót chân Asin

Việc các băng đảng nhờ người đứng ra mua vũ khí hợp pháp rồi chuyển lậu về Mexico không phải là con đường duy nhất để vũ khí đến được tay các băng đảng Mexico. Mỹ hiện nay là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, hệ thống các nhà phân phối được ủy quyền trải rộng khắp thế giới, nhưng cơ chế để Mỹ có thể kiểm soát việc sử dụng vũ khí của các đối tác hay việc phân phối vũ khí của các đại lý này cho đến nay đã hoàn toàn thất bại.

Tháng 2/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện kiểm toán nội bộ và cho thấy Phòng Kiểm soát Buôn bán Vật liệu Quốc phòng (DDTC) không thể đảm bảo được rằng các pháp nhân đứng đơn xin cấp phép xuất khẩu vũ khí sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định như là những điều kiện tiên quyết để phê duyệt đơn của họ.

Trong số 21 đơn xin giấy phép xuất khẩu vũ khí đã được kiểm toán từ tháng 12/2017 đến tháng 8/2018, báo cáo của Văn phòng Tổng Thanh tra cho thấy các quan chức Bộ Ngoại giao đã phê duyệt 20 đơn "mặc dù các quan chức này không có đủ những thông tin cần thiết".

Ngoài ra, theo luật hiện hành, Bộ Ngoại giao phải thông báo cho Quốc hội Mỹ về những hợp đồng mua bán vũ khí trị giá trên 1 triệu USD. Tuy nhiên, theo báo cáo, Quốc hội chưa bao giờ nhận được thông báo về 17 hợp đồng xuất khẩu vũ khí vượt quá ngưỡng 1 triệu USD đã được Bộ Ngoại giao chấp thuận trong hai năm vừa rồi. 

Báo cáo kiểm toán nhấn mạnh đến mức thu nhập thấp kém của nhân viên, sự cắt giảm nhân lực và tình trạng không được đào tạo thường xuyên như là một trong những lý do khiến Mỹ thất bại khi tìm cách áp đặt việc kiểm soát cơ chế phân phối vũ khí của các đối tác hay các đại lý được ủy quyền. Tháng 7/2018, số nhân lực tại Vụ Giám sát các hợp đồng mua bán vũ khí đã giảm 28% và cũng chưa có được một "chương trình đào tạo chuẩn" nào dành cho các thanh tra vũ khí.

Những thiếu sót trong quá trình này có thể có hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2015 đến 2017, Hoa Kỳ đã xuất khẩu vũ khí với trị giá gần 123 triệu USD sang Mexico, theo dữ liệu thương mại của Cục Thống kê Thương mại Mỹ mà tổ chức The Intercept đã thu thập được .

Trong những năm qua, nhiều binh lính Mexico đã bị buộc tội có liên quan tới hàng loạt các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm cả những vụ giết người phi pháp. "Súng được xuất khẩu hợp pháp từ Hoa Kỳ đã được sử dụng trên quy mô lớn trong các vụ thảm sát, bắt cóc trong đó có sự thông đồng giữa các thành viên của lực lượng an ninh với các nhóm tội phạm ở Mexico", báo cáo của Intercept cho biết.

Tình trạng nhân viên hải quan thông đồng với các băng đảng buôn lậu vũ khí đã khiến Chính phủ Mexico sử dụng các binh sĩ kiểm soát cửa khẩu.

Một viễn cảnh tồi tệ hơn?

Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng Mỹ có đầy đủ khả năng thực hiện các chiến lược khác nhau để giảm số lượng vũ khí được chuyển lậu từ Mỹ vào Mexico thông qua đường biên giới phía nam mà vẫn có thể duy trì việc bán vũ khí quốc tế hợp pháp.

Ở cấp tiểu bang, việc thực hiện kiểm tra gắt gao lý lịch và đặt ra giới hạn về số lượng súng được sở hữu, đặc biệt là súng nòng dài, cũng có thể làm giảm số lượng vũ khí được sử dụng ở Mexico để thực hiện các tội phạm bạo lực.

Nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã tỏ rõ không sẵn sàng giải quyết vấn đề kiểm soát súng đạn của nước Mỹ. Hơn nữa Tổng thống Trump còn đang dự định đề xuất một cải cách nhằm đơn giản hóa việc kiểm soát xuất khẩu vũ khí của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ - một dự án đã được ông Trump đề cập tới nhiều lần - nếu đề xuất này được thông qua, có thể nó sẽ trở thành một "trận tuyết lở" những vũ khí nhập lậu mới đổ vào Mexico và ở các nước Mỹ Latinh khác.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.