Vụ bê bối tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras sắp tới hồi kết
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cũng bị tố cáo có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras. Ngày 1-10, khoảng 30 nghị sỹ đã yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha từ chức và ông từng là thủ lĩnh đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB), đảng liên minh chủ chốt với PT trong nội các của bà Dilma Rousseff, đã tuyên bố không hợp tác với Tổng thống (từ tháng 7) để đứng về phe đối lập.
Và yêu cầu của các nghị sỹ đã được Tổng Chưởng lý phê chuẩn sau khi phát hiện có những hoạt động bất chính trong 5 tài khoản của ông Eduardo Cunha và người thân tại ngân hàng Thụy Sĩ. Giới chức Thụy Sĩ đã phong tỏa các tài khoản này (khoảng 5 triệu USD), và gửi thông tin hữu quan cho Brazil. Theo giới truyền thông, Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha là một trong 50 chính trị gia, nghị sỹ, cựu bộ trưởng và cựu thống đốc bị tố cáo có liên quan tới vụ bê bối tại Petrobras.
Trước đó, Viện Kiểm sát cũng đã kiến nghị điều tra các Thượng nghị sỹ của PT là Jader Barbalho, Delcidio Amaral và Hạ nghị sỹ Anibal Gomes, thuộc đảng PMDB. 3 nghị sỹ kể trên đều bị tình nghi có liên quan tới vụ tham nhũng tại Petrobras và họ đang bị cáo buộc với các tội danh như nhận hối lộ và rửa tiền.
Được biết, Thượng nghị sỹ Delcidio Amaral đã bị bắt hôm 25-11 sau khi bị cáo buộc đưa hơn 13.000 USD/tháng cho gia đình cựu Giám đốc phụ trách đối ngoại của Tập đoàn Dầu khí quốc gia, ông Nestor Cervero, người đang bị tù bởi liên quan tới vụ bê bối tại Petrobras. Số tiền này được coi là "phí bịt miệng" để ông Nestor Cervero không khai ra những khoản tiền mờ ám trong thương vụ Petrobras mua lại Nhà máy lọc dầu Pasadena của Mỹ, khiến Chính phủ Brazil thất thoát tới 790 triệu USD. Và ông Delcidio Amaral đã nhận hối lộ 1,5 triệu USD trong phi vụ này.
Vụ việc của Thượng nghị sỹ Delcidio Amaral đã gây chấn động Quốc hội Brazil, bởi ông là quan chức cấp cao đầu tiên bị bắt giữ liên quan đến vụ bê bối tại Petrobras, khiến cơ quan này phải hủy cuộc bỏ phiếu về các dự luật quan trọng liên quan tới chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Tổng thống Dilma Rousseff.
Việc này diễn ra cùng thời điểm với vụ bắt giữ tỉ phú Andre Esteves, một trong những người giàu nhất Brazil (bị bắt tại nhà riêng ở Rio de Janeiro) và cảnh sát đã tịch thu nhiều tài liệu từ nhà riêng và tại ngân hàng của ông này. Cả 2 người này đều bị cáo buộc cản trở quá trình điều tra tham nhũng.
Ngay sau khi tiến hành vụ bắt giữ kể trên, cảnh sát đã công bố đoạn băng (do con trai của cựu Giám đốc phụ trách đối ngoại Petrobras bí mật ghi lại cung cấp), trong đó Thượng nghị sỹ Delcidio Amaral đề nghị ông Nestor Cervero không tiết lộ các bằng chứng liên quan đến ông và tỉ phú Andre Esteves. Đổi lại, ông Delcidio Amaral sẽ giúp ông Nestor Cervero (có quốc tịch Tây Ban Nha) đào tẩu tới châu Âu. Phe đối lập đang hối thúc Tổng thống Dilma Rousseff có ý kiến về vụ bắt giữ Thượng nghị sỹ Delcidio Amaral.
Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha. |
Vụ bắt giữ 2 người kể trên diễn ra sau khi cảnh sát bắt doanh nhân Jose Carlos Bumlai, người được cho là có quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva (từng làm cố vấn cho cựu Tổng thống về lĩnh vực công nghiệp chăn nuôi trong giai đoạn ông Luiz Inacio Lula da Silva nắm quyền).
Khi phát biểu với giới truyền thông hôm 24-11, cảnh sát cho biết, ông Jose Carlos Bumlai đang bị thẩm vấn vì bị cáo buộc có liên quan đến vụ thắng thầu không minh bạch một hợp đồng tàu thăm dò dầu khí của Petrobras, cùng những khoản nợ chưa được thanh toán, trong đó có khoản lớn nhất lên tới 3,3 triệu USD.
Thẩm phán Sergio Moro, Trưởng Ủy ban điều tra vụ tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva có dính líu tới vụ việc kể trên. Hơn 1 tháng trước (21-10), luật sư phe đối lập đã nộp kiến nghị lên Quốc hội để luận tội Tổng thống Dilma Rousseff nhằm lật đổ bà với cáo buộc giả mạo các tài khoản của chính phủ trong cuộc bầu cử hồi cuối năm 2014.
Bởi theo kết luận của Tòa Kiểm toán chi tiêu liên bang (TCU), chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff đã thao túng tài khoản công trong năm 2014 với số tiền vi phạm hơn 28,2 tỷ USD nhằm che giấu tình trạng thâm hụt ngân sách trong quá trình vận động tái tranh cử.