Bí mật và sự khiêu khích của máy bay do thám U2

Thứ Năm, 05/04/2012, 10:48
Thường thì khi một tên gián điệp biết hành tung bại lộ hắn sẽ tìm cách "cao chạy xa bay" và sẽ chẳng bao giờ quay lại nơi đó nếu không được phép. Nhưng máy bay do thám U-2, một loại gián điệp người ta có thể nhìn thấy nhưng không thể nào bắt được.

Máy bay do thám

Sử dụng máy bay để trinh thám và chụp ảnh gián điệp bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ thế chiến thứ hai. Có điều, lúc ấy chưa có máy bay gián điệp chuyên dùng. Nhiệm vụ này do máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thông thường làm, hệ thống tác chiến trên máy bay buộc phải thay thế bằng hệ thống chụp ảnh. Đã không có vũ trang, lại phải bay ở tầm thấp để chụp ảnh nên rất dễ bị đối phương tấn công. Tất cả phi công đều sợ đảm nhận nhiệm vụ này.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới bước sang một cuộc chiến mới, "Chiến tranh lạnh" thực chất nó là cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc quân sự Liên Xô - Mỹ. Người ta tìm mọi cách, mọi hình thức để uy hiếp lẫn nhau, nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi nghe tin Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, nước Mỹ sống trong tâm trạng sợ hãi, người ta sợ "ưu thế” vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Năm 1953, Liên Xô cho nổ "quả bom khinh khí" đầu tiên càng làm cho tâm lý sợ hãi nhanh chóng tăng lên.

Ít lâu sau, nước Mỹ lại được tin Liên Xô đang tập trung nghiên cứu đẩy mạnh tầm bắn của tên lửa để có thể trực tiếp tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ. Để tăng thêm tâm lý "sợ Liên Xô" của dân chúng Mỹ, Liên Xô còn cố tình sử dụng một số biện pháp đánh lừa. Chẳng hạn, trong lễ duyệt binh lớn tổ chức ở Hồng Trường, họ cố ý ghi trên vỏ tên lửa số 19 và số 21, quan chức phương Tây thấy thế liền cho rằng tại một nơi nào đó chắc còn đang cất giấu tên lửa số 20. Kỳ thực hoàn toàn không có chuyện đó. Chính phủ Mỹ khổ nỗi không có biện pháp nào tốt hơn để kiểm tra tình hình thực tế.

Tổng thống Aixenhao cũng rất đau đầu về việc này. Năm 1954, trước mắt ông chợt loé ra một tia sáng - Bộ Không quân đã trình lên ông dự án chế tạo máy bay trinh sát tầng cao, nhưng đồng thời họ cũng cho rằng loại máy bay này “vĩnh viễn không thể chế tạo được". Với tầm mắt sắc sảo của một quân nhân chính hiệu, Aixenhao nhận ra ngay giá trị của loại máy bay này, đã chỉ thị ngay cho Alen Đalét - Cục trưởng Cục Tình báo Trung ương khi đó, lập tức bắt tay bí mật nghiên cứu chế tạo.

Dưới sự bảo vệ của hệ thống an ninh nghiêm mật, một chiếc máy bay với những đường nét sắc sảo và gọn ghẽ, cuối cùng đã được chế tạo. Sải cánh của nó dài, kết cấu thanh mảnh, nhìn nghiêng thân của nó thon dài, rất giống như cánh sau của chiếc tàu lượn. Để giảm trọng lượng của máy bay, cán bộ thiết kế tìm mọi cách cắt bỏ hết những gì có thể bỏ đi được. Vì sử dụng nhiên liệu đặc biệt nên nó có thể bay ở tầm cao 70 ngàn thước Anh, tốc độ bay mỗi giờ là 800 kilômét, đồng thời có thể bay liên tục mấy giờ liền. Chiếc máy bay thần kỳ này, chính là chiếc U-2 nổi tiếng thế giới sau này. Dùng mã số "U" cho loại máy bay đặc biệt này cũng lắm chuyện rắc rối, vì theo thông lệ của nước Mỹ, "U" chỉ đại diện cho máy bay nói chung. Có điều, nhân viên công tác nội bộ lại đặt cho nó một cái tên ngộ nghĩnh "Thiên sứ" để tỏ sự quý mến .

“Thiên sứ" bắt đầu cuộc đời gián điệp vào ngày 4 tháng 7 năm 1956, lần đầu tiên nó bay vào vùng trời Liên Xô. Sau đó, cứ thế liên tục làm chuyện đó. Vì Liên Xô khi đó chưa chế tạo được thứ vũ khí nào bắn rơi được máy bay gián điệp "tít trên chín tầng mây", đành "nhìn lên trời than thở", mặc cho "Thiên sứ tự do bay ngao du trên bầu trời của mình suốt 4 năm. Trong 4 năm đó, "Thiên sứ" thu thập được vô cùng nhiều những tin tức tình báo quý giá. Nhờ sự phát hiện của “Thiên sứ” mà Aixenhao mới có chứng cứ để tuyên bố dõng dạc rằng, về mặt vũ khí tên lửa hạt nhân, Liên Xô hoàn toàn không có cái gọi là "ưu thế”. Người Mỹ cũng vì thế mà dần dần trút được nỗi lo âu.

Ban đầu để tránh lỡ không may xảy ra sóng gió ngoại giao, Mỹ thuê một số phi công đã được thẩm tra và huấn luyện chu đáo để lái U2, thực hiện nhiệm vụ gián điệp. Một khi U-2 bị bắn rơi, Chính phủ Mỹ có thể phủ nhận thẳng thừng. Nhưng về sau Quốc hội lại e ngại mức độ trung thực của những người này, sợ rằng họ tiết lộ những điều cơ mật của nước Mỹ, nên lại giao cho phi công Mỹ đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát.

Sự mất tích bí ẩn

Sáng sớm tinh mơ ngày 1 tháng 5 năm 1960, phi công gián điệp Mỹ Francis Gary Powers nhận mật lệnh do thám trên lãnh thổ Liên Xô. Để che giấu hành trình của chuyến bay, người ta tạo cho nó một lệnh bay rất bình thường như thường lệ, xuất phát từ sân bay Peshawa của Pakixtan bay sang một sân bay nào đó trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực ra Francis Gary Powers đã nắm được lịch bay thực sự và kế hoạch bay từ trước. Ngay cả bộ phận tự động bay của chiếc U-2 cũng đã được cài đặt lịch trình bay ngay trước khi Powers cất cánh vài phút. Bay trinh sát tầm cao nội địa Liên Xô.

Việc bay do thám gián điệp như thế này Powers đã thực hiện vài lần. Những lần trước Powers đã từng bay đến những khu vực chỉ cách Mátxcơva vài dặm Anh, nhưng lần này Powers sẽ phải vào sâu hơn nữa, tới vùng trời eo biển Baren để chụp ảnh. Cấp trên yêu cầu Powers phải thực hiện nhiệm vụ bay đến ba mục tiêu quan trọng. Thứ nhất là Tairatham ở vùng sa mạc, ở đó có căn cứ tên lửa khổng lồ của Liên Xô, thứ hai là trạm phóng tên lửa Sphiêđrôpscơ, thứ ba là căn cứ không quân, hải quân Liên Xô Áckhanghem và Muốcmanscơ. Địa điểm chỉ định bay về là sân bay Pê tô, Na Uy. N

hưng Powers đâu có ngờ đây là chuyến bay gián điệp cuối cùng của cuộc đời hắn. Hắn không thể tin rằng mình sẽ bị bắt làm tù binh trong sứ mệnh bí mật này, bởi hắn quá tin tưởng vào khả năng vận hành cũng như độ cao 21.300m mà chiếc máy bay của hắn đạt được. Với độ cao như vậy không một loại tên lửa nào của Liên Xô có thể vươn tới được, còn những phản lực cơ chiến đấu cũng chỉ bay bên dưới hắn hàng chục ngàn mét nhìn lên mà nuốt hận.

Sau này, khi đã phải ngồi gặm bánh mỳ khô uống nước lã nhiều năm, Powers mới biết qua báo chí về nhiệm vụ mà hắn thực hiện vào cái ngày định mệnh của hắn. Đó là khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận được thông tin về một quả tên lửa đạn đạo kiểu mới do Liên Xô chế tạo, theo tin tình báo thì quả tên lửa này to gấp đôi tên lửa đạn đạo Apôlô I của Mỹ và có tầm bắn xa mà chưa một loại tên lửa nào có thể đạt được. Ngay lập tức giới chức Lầu Năm Góc lệnh cho Cục Tình báo Trung ương phải có được ngay tấm ảnh thật sự của tên lửa đạn đạo này.

Ngày 1 tháng 5 hôm ấy, thời tiết rất phù hợp cho việc chấp hành nhiệm vụ của Powers, trời nhiều mây, không khí có độ ẩm khá cao, những cơn gió còn sót lại của mùa đông mang theo khí lạnh gặp thời tiết ấm áp mùa hè tạo cho vùng trời một màn mây khá dày. Thời tiết khô ráo, trong xanh sẽ rất có lợi cho việc chụp ảnh trinh sát nhưng dễ bị đối phương phát hiện, điều đó cũng chẳng hề gì, vì Powers tin chắc người Liên Xô sẽ chẳng có cách nào hạ được anh ta.

Để phối hợp với hành động của Francis Gary Powers, một chiếc U-2 khác cất cánh từ Thổ Nhĩ Kỳ, bay dọc theo biên giới Liên Xô. Mục đích là thu hút sự chú ý của các trạm ra đa Liên Xô. Phi công trên chiếc U-2 này còn được lệnh dùng vô tuyến điện phát đi tín hiệu liên lạc vu vơ để gây nhiễu và yểm trợ cho chiếc U-2 của Powers bay sâu vào nội địa Liên Xô.

Powers điều khiển máy bay lao thẳng vào sâu trong vùng trời Liên Xô. Từ khoang máy bay, hắn nhìn xuống Sphêđốpscơ, cảm giác hơi căng thẳng lúc lên máy bay đã tiêu tan hết. Thậm chí hắn ta còn thấy khoái chí, vì khi đã vào quá sâu các rađa của đối phương mới phát hiện ra vị khách không mời là hắn. Từng tốp máy bay đánh chặn lồng lộn bên dưới hắn như những con cá mập đói mồi.

Tất cả những phi công đã từng lái U-2 đều cảm thấy rất quen với việc bay đến trung tâm tên lửa này của Liên Xô, họ đều gọi mạng lưới tên lửa đầu tròn ở phía dưới kia là "Trại David”. Powers lơ đãng kiểm tra hệ thống dẫn bay tự động rồi chuyển hướng bay về phía Muốcmanxcơ.

Thời gian đến điểm đã định theo lịch trình còn khoảng hai giờ nữa. Trong những chuyến bay như thế này Powers thường cố nghĩ chuyện gì đó để giết thời gian, hắn nghĩ về gia đình, về bạn bè, về bản thân… Mà kể cũng lạ, từ bé hắn chưa bao giờ nghĩ rằng hắn sẽ là một phi công lái máy bay, mà lại là một phi công gián điệp như bây giờ. Đúng là cuộc đời chẳng thể biết trước được điều gì!

Đã từng lái vài loại máy bay nhưng Powers thấy chiếc U-2 này là khó điều khiển nhất nhưng lại là chiếc có thiết kế độc đáo và nhiều tính năng đáng khâm phục. Nó được thiết kế và chế tạo để có trọng lượng khung tối thiểu, khiến không còn nhiều chỗ cho sai sót. Đa số máy bay đều là các phiên bản một chỗ ngồi, chỉ có năm chiếc phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi từng biết có tồn tại. Những biến thể U-2 đầu tiên sử dụng động cơ turbin phản lực Pratt & Whitney J57. Các biến thể U-2C và TR-1A sử dụng động cơ turbin phản lực Pratt & Whitney J57 mạnh hơn. Các biến thể U-2S và TU-2S còn sử dụng động cơ turbin cánh quạt General Electric F118 mạnh hơn nữa.

Cánh tỷ lệ lớn (dài trên rộng) khiến chiếc U-2 có một số đặc điểm kiểu tàu lượn, với tỷ lệ lực nâng trên lực cản ước tính ở mức cao 20s. Để duy trì trần hoạt động 70,000ft, các model U-2A và U-2C (không còn hoạt động nữa) phải bay ở gần mức tốc độ tối đa. Tuy nhiên, tốc độ chòng chành  của chiếc máy bay ở độ cao này chỉ là 10knot dưới tốc độ tối đa của nó. Sự chênh lệch này  không đáng kể. Trong 90% thời gian thực hiện một chuyến bay thông thường chiếc U-2 chỉ bay trên tốc độ chòng chành có 5knot, nó có thể dẫn tới một sự giảm độ cao khiến máy bay bị phát hiện, và ngoài ra có thể tạo ứng suất quá lớn cho khung máy bay được chế tạo quá nhẹ.

Hệ thống điều khiển của chiếc U-2 được thiết kế theo tính năng và độ cao bay thông thường mà chiếc máy bay được dự định hoạt động, hệ thống điều khiển cung cấp phản ứng phản hồi điều khiển nhẹ ở độ cao hoạt động. Tuy nhiên, ở những độ cao thấp với mật độ không khí cao và sự thiếu hụt hệ thống trợ lực điều khiển khiến chiếc máy bay rất khó. Hoạt động điều khiển phải rất lớn để có được phản hồi mong muốn trong cao độ bay, nên những phi công có thể chất tốt và cơ bắp như Powers mới được lựa chọn để điều khiển chiếc máy bay này.

Chiếc U-2 rất nhạy cảm với gió ngang, cùng với khuynh hướng lơ lửng trên đường băng của nó, khiến chiếc U-2 có tiếng là khó hạ cánh. Khi máy bay tiếp cận đường băng, lớp đệm không khí do các cánh có lực nâng lớn tạo ra trong hiệu ứng mặt đất lớn tới mức chiếc U-2 sẽ không hạ cánh trừ khi cánh chòng chành hoàn toàn.

Powers thấy việc hạ cánh là khó nhất khi điều khiển chiếc máy bay này, thay vì một bộ bánh đáp ba cụm thông thường, gồm một bánh mũi và hai bánh chính phía sau nằm hai bên cánh, nhưng đằng này chiếc U-2 lại chỉ có hai bộ bánh sử dụng kiểu cấu hình xe đạp, với bộ phía trước của bánh đáp chính nằm ngay sau buồng lái và bộ phía sau nằm phía sau động cơ, cùng với đuôi lái để điều khiển khi chạy trên đường băng. Chính vì thế mà Power đã phải mất vài tháng để học cách hạ cánh kiểu chòng chành này.

Để hỗ trợ phi công, chiếc máy bay khi hạ cánh được chỉ đạo tốc độ bởi một chiếc xe Pontiac GTO với một người hỗ trợ "thông báo" phi công hạ cánh bằng bộ đàm chiều cao đang giảm của chiếc máy bay theo feet khi nó giảm tốc độ. Để bảo vệ cánh khi hạ cánh, mỗi đầu cánh có một sống trượt bằng titan. Sau khi máy bay ngừng lại, đội hỗ trợ mặt đất sẽ lắp lại các bánh phụ.

Khi cất cánh mọi chuyện đơn giản hơn một chút vì nó được lắp thêm hai bánh phụ để duy trì độ cân bằng. Chúng được lắp vào các hốc dưới mỗi cánh ở khoảng giữa cánh, và rơi xuống đường băng khi máy bay cất cánh.

Còn điều Power thấy khó chịu nhất là phải mặc bộ quần áo bay kiểu quần áo vũ trụ, nhưng hắn biết bộ đồ này cung cấp khí ôxy và bảo hộ khẩn cấp cho hắn trong trường hợp mất áp suất không khí khi bay ở độ cao lớn. Để ngăn giảm ôxy trong máu và khả năng bị ảnh hưởng do giảm áp hắn phải mặc bộ quần áo điều áp hoàn toàn và bắt đầu thở 100% ôxy một giờ trước khi thực hiện nhiệm vụ để loại bỏ nitơ trong máu, trong khi di chuyển ra máy bay phải thở bằng một bình cung cấp ôxy cầm tay.

Chiếc máy bay mang theo nhiều cảm biến trong mũi, Q-bay (phía sau buồng lái, cũng được gọi là khoang camera), hay các kén trong cánh. Chiếc U-2 có khả năng đồng thời thu thập dữ liệu, hình ảnh và mẫu không khí. Các cảm biến trinh sát hình ảnh gồm ảnh phim ướt hay quang điện hay ảnh radar - ảnh rađa được thu thập bởi hệ thống Raytheon ASARS-2. Nó có thể sử dụng cả các đường kết nối dữ liệu line-of-sight và beyond-line-of-sight. Một trong những thiết bị bất thường nhất trong phiên bản mới nhất của U-2 là video camera Sony off-the-shelf hoạt động như một sự thay thế số cho viewsight hoàn toàn quang (một thiết bị quan sát kiểu kính viễn vọng lộn ngược) đã từng được sử dụng trên các biến thể cũ để có cái nhìn chính xác về địa hình bên dưới chiếc máy bay, đặc biệt khi hạ cánh.

Đang miên man chợt Power nhìn ra bên ngoài, hắn có cảm giác bất ổn, những chiếc phản lực cơ chiến đấu không còn bám theo hắn nữa, quang cảnh bên dưới nhìn rõ hơn bằng mắt thường… Hắn nhìn vào đồng hồ hiển thị độ cao… Không! Hắn vẫn đang ở độ cao 21.200m. Hắn tự nhủ có lẽ trời hôm nay trong xanh hơn mọi khi nên có thể nhìn được như vậy! Chỉ còn mười lăm phút nữa là hắn sẽ đến mục tiêu do thám đầu tiên. Đang định thư giãn một vài phút chợt Power thấy ánh lửa sáng lòa ngay phía trước, theo bản năng hắn kéo mạnh cần lái nghiêng cánh sang bên trái. Nhìn ra bên ngoài hắn thấy những quả tên lửa đang lao thẳng vào mình như những mũi giáo với cái đuôi màu tím ngắt. Thôi chết rồi – hắn thảng thốt kêu lên.

Vừa kịp thông báo về trung tâm đang bị tên lửa đối phương tấn công thì một tiếng nổ dữ dội làm hắn tối tăm mặt mũi, chiếc U-2 cắm thẳng đầu xuống đất quay như chong chóng. Power chẳng còn nghĩ gì đến mệnh lệnh phải nhấn nút hủy máy bay trước khi nhảy dù, lúc này hắn chỉ còn nghĩ đến việc duy nhất là cứu lấy mạng sống của hắn.

Nhưng Power đâu có ngờ mạng lưới ra đa phòng không Liên Xô sớm đã theo dõi chặt máy bay của Powers, khi thời cơ tới những quả tên lửa "SAM-2" liên tiếp gào rít bay lên. Cùng với tiếng nổ của quả tên lửa thứ 14, máy bay của Power tan xác.

Quyết công phá U-2

Thực ra, ngay từ tháng 7 năm 1956, khi lần đầu tiên Mỹ cho U-2 bay vào lãnh thổ Liên Xô trinh sát, quân đội Liên Xô đã phát hiện ra vị khách không mời mà đến này. Nhưng do không có hoả lực đạt tới tầng cao như vậy, họ đành chỉ "nhìn trời than thở". Sau đó, để hạ được một chiếc U-2, hạ gục uy thế của đối phương, quân đội Liên Xô đã bỏ ra không biết bao công sức.

Trước khi xảy ra vụ Power không lâu, Mỹ đã ba lần cho máy bay U-2 bay tới trạm phóng tên lửa Sphêđrốpscơ. Lần thứ nhất vì thời tiết xấu không thể nào chụp ảnh được, bay đến nửa đường đành quay về,lần thứ hai cũng vì "không nhìn thấy gì" mà toi công, lần thứ ba vào ngày 9 tháng 4, U-2 đã chụp được những tấm ảnh quan trọng về trung tâm tên lửa Tairatham, khi quay về bị quân đội Liên Xô phát hiện. Cho nên ngày 1 tháng 5 khi Power hành động, quân đội Liên Xô đã sẵn sàng đón đánh, họ bố trí chu đáo mạng lưới hỏa lực, chỉ còn chờ U-2 dẫn xác đến.

Vũ khí chính của lưới hoả lực quân đội Liên Xô là tên lửa đất đối không "SAM-2". Tên lửa này được bắt đầu nghiên cứu chế tạo vào cuối những năm 40, quân đội được trang bị vào giữa những năm 50, năm 1957 lần đầu tiên triển lãm ở Mátxcơva. Cánh trước, cánh chính, khoang và cánh đuôi của tên lửa phối trí theo hình chữ thập dùng động cơ tên lửa cố định. Khi tác chiến, mục tiêu bị phá huỷ nhờ vào 3600 mảnh vỡ với tốc độ ban đầu 3000m/giây do sức nổ tạo ra. "SAM-2" là vũ khí phòng không mũi nhọn tiên tiến nhất khi ấy của Liên Xô.

Nhưng, tầm bắn xa nhất của "SAM-2" vẫn không đạt tới độ cao của máy bay U-2 Mỹ. Cho nên, dù đã đem nó trang bị cho bộ đội phòng không khi U-2 bay vào Liên Xô, thì cũng ích gì. Bởi vậy, sau khi phát hiện máy bay U-2 liên tục trinh sát các căn cứ quân sự tên lửa của mình, dự đoán U-2 còn tiếp tục xâm nhập nữa, nên phía Liên Xô quyết tâm tìm cách ngăn chặn các cuộc thâm nhập của người Mỹ và gây ra sự hồ nghi khiến cho người Mỹ không dám tiếp tục các vụ do thám trên không bằng một kế hoạch đặc biệt mà mãi tới bốn năm sau người ta mới biết được chân tướng của sự việc.

Trong thời gian dài ấy, người ta vẫn thắc mắc không hiểu nổi: Máy bay của Power bị rơi là do trục trặc kỹ thuật hay là người Liên Xô đã có được loại tên lửa có thể bắn hạ U-2? Điều bí ẩn này mãi tới năm 1960 mới được phơi bày sau khi một điệp viên cao cấp Liên Xô là Patolesky phản bội. Lúc đó người Mỹ mới biết bộ phận hiển thị độ cao trên chiếc máy bay của Power đã bị điệp viên của Liên Xô gắn thiết bị đặc biệt gây ra sự sai lệch về chỉ số trên chiếc đồng hồ đo độ cao.

Còn bản thân Power khi đó thì vẫn đinh ninh cho rằng anh ta bị bắn hạ khi đang bay ở độ cao trên 20.000m.

Sau khi đã yên vị trong trại giam, Power tỏ ra rất hợp tác với hy vọng sớm được trở về nước. Bản thân hắn cũng biết được rằng hoạt động gián điệp thường bị tuyên phạt rất nặng, có thể là tử hình, nhất là trong tình trạng quan hệ giữa hai nước đang cực kỳ căng thẳng. Thái độ hợp tác bất ngờ của Power khi bị thẩm vấn, khiến ngay cả người Liên Xô cũng vô cùng kinh ngạc. Xác chiếc U- 2 và lời cung khai của Power khiến Chính phủ Mỹ rơi vào tình cảnh vô cùng bối rối. Các nước nhao nhao chỉ trích hành động khiêu khích bằng máy bay gián điệp này. Các đồng minh phương Tây tuy giữ thái độ im lặng nhưng trong lòng cũng thấy không vui, lo rằng những chiếc máy bay trinh sát tầm cao này có khi cũng đã từng tới thăm vùng trời của nước mình mà không bị phát hiện.

Power bị xử 10 năm tù, giam ở nhà lao Rubianca của K.G.B. Nhưng, chỉ một năm sau hắn đã được tha cho về nước sau một vụ trao đổi tù binh. Sau khi về nước Power bị tống cổ ra khỏi quân đội bởi những hành động hèn nhát

.
.
.