Bí mật đặc vụ bảo vệ yếu nhân Trung Quốc

Thứ Sáu, 01/12/2017, 14:38
Trong dịp đến dự Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Ðà Nẵng cùng phái đoàn của mình. Tháp tùng ông là những quan chức cấp cao, và dĩ nhiên là những vệ sĩ phụ trách an ninh cho người đứng đầu Trung Quốc. Họ là ai?


7 nhóm

Theo tài liệu, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về an toàn của các lãnh đạo Trung Quốc trong các chuyến công du chính là Trung ương Cảnh vệ cục, hay còn gọi Đơn vị 8341.

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1949, tại Tây Bách Pha, Hà Bắc, Trung ương Cảnh vệ cục là một trung đoàn độc lập thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Mặc dù đóng quân ở trung tâm và vùng Tây Bắc Bắc Kinh nhưng lực lượng này không thuộc Quân khu Bắc Kinh mà trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.

Được thành lập năm 1949, Trung ương Cảnh vệ cục bao gồm một đơn vị gồm 3 trung đoàn, trong đó lớn nhất là Trung đoàn 4, Sư đoàn 2 của PLA. Trung đoàn 5 và Trung đoàn 6 thuộc các đơn vị PLA ở Sơn Đông và Đông Bắc Trung Quốc. Hai năm sau, đơn vị này được đổi tên thành Trung ương Cảnh vệ Sư, và Trung đoàn 4, 5 và 6 được đổi tên thành Trung đoàn 1, 2 và 3 tương ứng với Trung đoàn 1 là lớn nhất, tổng cộng hơn 1.000 quân.

Ngày 9-6-1953, đơn vị đã trải qua một cuộc cải tổ và tái tổ chức đáng kể nhất. Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 đã trở thành đơn vị độc lập tại Trung Nam Hải, có nhiệm vụ bảo vệ các yếu nhân.

Sức mạnh của đơn vị này là hơn 8.000 người, được tổ chức thành 7 nhóm với tổng cộng 36 phi đội; mỗi nhóm có nhiệm vụ riêng: Nhóm 1 chịu trách nhiệm về Trung Nam Hải và các khu vực xung quanh. Nhóm 2 trước đây chịu trách nhiệm cho Mao Gia Loan, nơi cư trú cũ của Lâm Bưu, bây giờ chịu trách nhiệm về các căn cứ trong đócó  một số doanh trại ở trung tâm và ở phía Tây Bắc Bắc Kinh gần Đồi phía Tây. 

Nhóm 4 chịu trách nhiệm cho Ngọc Tuyền Sơn và các khu vực xung quanh. Nhóm 5 chịu trách nhiệm Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài và các khu vực xung quanh. Nhóm 7 chịu trách nhiệm về việc cư trú của yếu nhân tại quận Bắc Đới Hà, và 2 nhóm còn lại là dự trữ lưu động. 

Phi đội đầu tiên của nhóm 1 có nhiệm vụ bảo vệ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, trong khi Phi đội thứ 3 của nhóm 1 có nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng. Sau cái chết của Lâm Bưu, nhóm thứ 8 được thành lập và được trang bị pháo phòng không, có nhiệm vụ phòng không, nhưng sau đó sớm tan rã.

Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 1949, đơn vị này đã bảo vệ tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong quá khứ: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Hua Guofeng, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình cùng gia đình của họ.

5 lớp

Trong các chuyến công du của các yếu nhân Trung Quốc, công tác an ninh luôn được triển khai 5 lớp bảo vệ dày đặc, cẩn mật. Vòng ngoài cùng là lực lượng cảnh sát hoặc lực lượng vũ trang địa phương. Vòng 2 là đội đặc cảnh địa phương, hoạt động trong bán kính nhỏ hơn so với cảnh sát vũ trang. Nhiệm vụ này thường do các cảnh sát cấp tỉnh đảm nhiệm nếu ở trong nước. Nếu ở nước ngoài, phía Trung Quốc sẽ bàn bạc với nước chủ nhà việc sắp đặt để đảm bảo an ninh, an toàn cho nguyên thủ.

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Anh vào tháng 10-2015, nước này đã triển khai hàng nghìn cảnh sát để đảm bảo an ninh cao nhất. Không chỉ vậy, nước chủ nhà còn phải chuẩn bị kỹ các bệnh viện ở địa phương nằm trong lịch trình chuyến thăm để đảm bảo một số vấn đề như dự trữ đủ lượng máu cần thiết, phòng trường hợp xấu xảy ra.

Từ lớp an ninh thứ 3 trở đi sẽ do Đơn vị 8341 của Trung Quốc trực tiếp chịu trách nhiệm. Lớp an ninh này nằm trong phạm vi bán kính 150-3.000 m xung quanh các lãnh đạo, quan chức cấp cao.

Vòng bảo vệ 4 của các yếu nhân là Đội cận vệ 61889 (trực thuộc Trung ương Cảnh vệ cục). Đội cận vệ này phụ trách an ninh khu vực có bán kính từ 200-300m xung quanh lãnh đạo cấp cao mà họ bảo vệ.

Vòng bảo vệ thứ 5 là các vệ sĩ riêng. Những vệ sĩ này thường theo sát lãnh đạo mỗi bước không rời để kịp thời bảo vệ khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, những khu vực an ninh cao sẽ được khoanh vùng và đặt dưới các vòng bảo vệ bao gồm khách sạn nơi Chủ tịch Trung Quốc lưu trú, những nơi ông dự định tới thăm. Một lực lượng tay súng bắn tỉa cũng được triển khai chốt ở một số địa điểm quan trọng, thường là khu vực ngoài trời.

Bên cạnh đó, còn có một lực lượng mặc thường phục hòa trộn vào đám đông, làm nhiệm vụ quan sát, cảnh giới và bảo vệ một khi có biến cố bất ngờ xảy ra. Để đảm bảo việc di chuyển an toàn và suôn sẻ, địa phương tiếp đón sẽ chặn toàn bộ đường nơi đoàn xe sẽ đi qua.

Đơn vị 8341

Theo các tài liệu, Trung ương Cảnh vệ cục do cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thành lập năm 1949 ngay trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lực lượng này ban đầu có tên là “Trung Quốc Nhân dân Công an Trung ương Túng đội (tức “Cánh quân trung ương của Công an Nhân dân Trung Quốc”), Sư đoàn 2, Trung đoàn 4. Năm 1951, được đổi tên thành Trung ương Cảnh vệ Sư, cùng lúc, Trung đoàn 4 trở thành Trung đoàn 1. Năm 1953, nó được đổi tên thành Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương Trung Quốc, còn gọi là "Trung tâm 001". Vào cuối những năm 1950, lực lượng này đổi tên thành Trung đoàn 3747.

Năm 1964, cái tên Trung đoàn 8341 lần đầu tiên được sử dụng. Năm 1975, nó được đổi thành "Trung đoàn 57001", sau đó trở lại với tên gọi "Trung đoàn Đặc biệt 8341".

Năm 1976, sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông mất, trung đoàn lại đổi tên thành Trung đoàn 57003. Tháng 10-2000, nó được đổi thành Trung đoàn 61889; tuy nhiên, người ta vẫn quen gọi là Đơn vị 8341.

Dù trải qua nhiều lần “thay tên đổi họ”, nhưng cái tên được biết đến nhiều nhất của Trung ương Cảnh vệ cục Trung Quốc là Đơn vị 8341.

Xung quanh con số này có rất nhiều giả thuyết. Chuyện kể rằng, Mao Trạch Đông, người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, hiếm khi đến thăm các chùa chiềng, đền thờ vì ông rất kiên định với ý thức hệ vô thần của mình.

Theo Từ điển Bách khoa Wikipedia, vào năm 1948, trong một kỳ lễ của ngôi chùa Phật giáo Đại Uyên (Tayuan) 1.200 năm tuổi nằm trên núi Ngũ Thái Sơn (Wutai), Mao Trạch Đông đã đến vãn cảnh chùa.

Tại đó, ông cũng theo mọi người bốc một thẻ số và đã nhận được thẻ số 8341. Khi đó, một nhà sư đã nói một câu: “Một đời của ông với 8341 là có quan hệ”. Tuy nhiên, khi Mao Trạch Đông hỏi cụ thể vận mệnh như thế nào thì nhà sư một mực giữ im lặng. Và vì không biết được 8341 có ý nghĩa là gì, nên ông đã gọi bộ đội cảnh vệ của mình là “Bộ đội 8341”.

Mãi đến lúc Mao Trạch Đông lâm chung, những người thân cận của ông mới minh bạch ý nghĩa của con số 8341. Ông sinh năm 1893 và qua đời vào năm 1976, vào năm thứ 83 của cuộc đời. Ông đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng quân vào năm 1935, cho đến khi ông qua đời là 41 năm.

Truyền thuyết này đúng hay sai thật khó kiểm chứng, nhưng theo tờ Indian Express (Ấn Độ), nó đã khiến chùa Đại Uyên ở núi Ngũ Thái Sơn trở thành một điểm hành hương nổi tiếng. 

Thành Vĩnh
.
.
.