Bí mật của người góp phần quyết định trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới

Thứ Sáu, 22/11/2013, 16:00

Đúng 70 năm trước (23/8/1943), trận chiến vĩ đại tại vòng cung Kursk đã kết thúc. Trận đánh kéo dài một tháng rưỡi với quân đội Xô Viết đã khiến cho 500 nghìn quân Đức chết và bị thương, 1.500 tăng và 1.700 máy bay bị phá huỷ. Quân đội Đức sau thất bại nặng nề này đã không gượng dậy nổi: Đức bắt đầu lùi bước trên toàn bộ mặt trận phía Đông.

Trên thực tế chiến thắng của chúng ta đã được bảo đảm từ ngày 12/4/1943, khi mà tình báo Liên Xô đã đặt lên bàn của Stalin bản kế hoạch cho chiến dịch sắp tiến hành với tên gọi "Citardel", bản này đã được toàn bộ các tướng lĩnh quân đội Đức ký - bản thân Hitler chỉ nhìn thấy bản kế hoạch này... vào 3 ngày sau đó. Chính nhờ chiến công này của tình báo Xô Viết mà Liên Xô đã có được sự chuẩn bị kỹ càng cho trận chiến tăng lớn nhất lịch sử và giáng cho kẻ thù một đòn thảm bại. Cho đến nay, danh tính của các điệp viên của chúng ta trong hàng ngũ xung quanh Hitler và lấy được bản kế hoạch cho chiến dịch Citardel vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Chúng ta mới chỉ biết bí danh của họ là Verter và Olga.

Điệp viên giàu nhất- Liuxi với mạng lưới 200 điệp viên

Theo nhận định thì người đóng vai trò quyết định trong việc lấy được bản kế hoạch tuyệt mật Citardel là chủ một xưởng in nhỏ "Vitar-Nova" Rudol Rossler. Đó là một người Đức 45 tuổi, sống lưu vong ở Thuỵ Sỹ sau khi Hitler lên nắm chính quyền. Tháng 11/1942 đã tự xin phục vụ cho Cục Tình báo trung ương thuộc Bộ tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô và nhận được bí danh là Liuxi. Rossler đã chuyển cho Liên Xô không chỉ bản kế hoạch Citardel mà cả những bản vẽ kỹ thuật xe tăng "Con báo" được Đức sử dụng trong chiến dịch và nhiều thông tin giá trị khác.

Tiếc một điều là khác với nhiều điệp viên Xô Viết ở nước ngoài, Rossler không phải người theo chủ nghĩa cộng sản - ông làm việc thuần tuý là vì tiền và được coi là điệp viên được trả lương cao nất trong lịch sử của tình báo Xô Viết. Không ai rõ con số chính xác nhưng báo chí phương Tây khẳng định là với bản kế hoạch "Citardel", Rudolf Rossler đã nhận được gần nửa triệu USD.

Rossler - đó là một nhân vật rất bí hiểm trong lịch sử gián điệp thế giới - Ditric Mains nhà nghiên cứu lịch sử đến từ thành phố Basel của Thuỵ Sỹ đánh giá "Từ ngay khi quân Đức bắt đầu tấn công vào châu Âu, Rossler đã bắt đầu bán thông tin, như là bán cà chua ở chợ, những thông tin bí mật cho đặc nhiệm của Anh, Thuỵ Sỹ, Mỹ, còn sau đó ông quyết định giúp đỡ cả  Liên Xô. Theo lời của ông thì "chỉ có Liên Xô mới có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này". Đáng ngạc nhiên là trước tháng 5/1944, tình báo Liên Xô thậm chí còn không biết tên thật của ông. Đã từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông đã quen với rất nhiều sỹ quan cao cấp của quân đội Đức.

Có giả thuyết rằng Liuxi có những mối quan hệ mật thiết với Bộ tham mưu của Hitler,  gần  200 điệp viên(!) hoạt động trong mạng lưới của ông: Verter người cung cấp bản kế hoạch chiến dịch của phát xít Đức, Olga, Anna (làm việc trong Bộ Ngoại giao Đức), Teddi và Bill. Mặc dù nhiều lần Moscow đã yêu cầu thông báo tên thật của các điệp viên trong mạng lưới nhưng Rudolf Rossler đã cương quyết từ chối.

Có thông tin là chỉ ngay trước lúc chết (11/12/1958), ông mới thông báo tên tuổi những người này cho Cục Tình báo trung ương Liên Xô - thông tin này các cơ quan đặc nhiệm của chúng ta không bình luận. Thậm chí 70 năm trận chiến vòng cung Kursk tài liệu lưu trữ về công việc của điệp viên Liuxi vẫn được giữ kín. Và điều này đã làm dấy lên rất nhiều các giả thuyết khác nhau: Điệp viên Verter, người đã chụp bản kế hoạch "Citardel" và chuyển về Thuỵ Sỹ qua Olga trên thực tế là ai? Và... có tồn tại một người như thế hay không? Tạp chí "Spiegel" của Tây Đức năm 1967 đã đăng tải một phóng sự điều tra, trong đó khẳng định rằng: Ở Berlin chỉ có một điệp viên duy nhất làm việc cho Rossler, tất cả những người còn lại là do ông ta tự bịa ra để tăng giá trị cả mình và để "moi được tiền nhiều hơn từ những người Nga".

Nhà văn Helmut Rover viết trong cuốn sách của mình "Những gián điệp Đức và Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai" đã gọi Rossler là "người hoang tưởng": đại ý Rover muốn nói rằng Rudolf rất muốn moi được tiền thưởng nên đã "cắt gọt" thông tin từ những... tờ báo thường ngày để gửi về Moscow. Tuy nhiên cả "Spiegel" lẫn Rover đều khó giải thích được là "kẻ hoang tưởng" đó lại lấy được những bản vẽ kỹ thuật của xe tăng "Con báo" và bản kế hoạch "Citardel"? Bởi vì thậm chí ngay cả Thượng tướng Alfred Yotdell, lãnh đạo lực lượng phản ứng nhanh của Bộ tổng Tham mưu quân đội Đức tuyên bố trong quá trình xét xử tại tòa án Nuerberg :“Stalin đã nhận được những tài liệu về cuộc tấn công của chúng tôi tại Kursk thậm chí trước khi những tài liệu đó có ở trên bàn làm việc của tôi”.

Nam nhân kế

Ông Sandor Rado - Người đứng đầu nhóm tình báo Xô Viết mang tên “Dora” tại Thụy Sỹ vào thời gian đó cũng rất ngạc nhiên: Làm thế nào mà Rossler có thể lấy một cách nhanh chóng như vậy những thông tin từ tổng hành dinh của Hitler?- nhà báo Thụy Sỹ Pier Lomier chia sẻ- Sau này trong hồi ký của mình, ông này ghi nhận: cần phải có một vài người chuyên vận chuyển tài liệu, di chuyển ngày đêm giữa Berlin và Lusern (thành phố của Thụy Sỹ), mà như vậy thì về sức lực không ai chịu nổi.

Trong căn hộ của Rossler không có điện đài và anh cũng không được trang bị kỹ năng của một điện báo viên. Có thể là Verter và Olga đã chuyển điện từ Berlin cho người thân tín của mình ở Thụy Sỹ, người này lại chuyển cho Rossler và sau đó những tài liệu này được “Dora” chuyển về Moscow. Người Đức khi quan sát thấy công việc của những điệp viên Xô Viết ở vùng biên giới Đức đã nổi cơn thịnh nộ. Năm 1943 họ đã sử dụng một âm mưu tinh quái: Họ cử đến Thụy Sỹ một điệp viên của mình tên là Gans Peter. Anh chàng đẹp trai này có biệt danh là “sỹ quan giường chiếu”.

Có biệt tài tán tỉnh phụ nữ một cách chuyên nghiệp, Peter đã không mấy khó khăn, nhanh chóng quyến rũ được nhân viên điệp báo của mạng lưới “Dora” - cô gái 23 tuổi Magarita Bolli. Trong đêm say đắm mặn nồng với anh chàng đẹp trai Peter, nữ điệp báo viên này đã kể thông thốc về những cuốn sách được sử dụng để mã hóa, - “Tất cả bắt đầu từ tháng 9”. Ngày 13/10/1943, Bolli đã bị cảnh sát Thụy Sỹ bắt giữ và vào tháng 5/1944 thì chính quyền đã bắt chính bản thân Rudolf Rossler…

Chính quyền Đức Quốc xã đã sùi bọt mép để yêu cầu chính quyền Thụy Sỹ trao trả khẩn cấp Liuxi cho các cơ quan mật vụ của Đức. Đức nóng lòng muốn biết tên tuổi của điệp viên Verter, người đã làm nên thất bại của quân đội phát xít tại Kursk. Tuy nhiên, trong các cuộc hỏi cung, Rudolf tuyệt đối im lặng, trong khi đó tại chiến trường quân đội Đức ngày càng yếu thế hơn. Thêm vào đó Thụy Sỹ lại hoàn toàn không có quan hệ với Liên Xô - vì thế chỉ sau vài tháng Rossler đã hoàn toàn được trắng án và khôi phục. Margarita Bolli nhận được hình phạt nhẹ - 9 tháng tù treo và phạt 500 frank.

Trong 3 ngày tôi đã cố để tìm Margarita ở Basel, nơi mà bà đã chuyển đến ở với chồng từ năm 1956. Đến nay bà ấy có thể đã 93 tuổi. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn không rõ người nữ điệp báo ấy còn sống hay không, nhưng truyền thông không có thông tin về cái chết của bà. Và tôi đã không thể tìm được địa chỉ của bà tại Cơ quan dữ liệu thành phố Basel - có thể là bà đã sống dưới một cái tên khác. Cần nói thêm là Bolli là người duy nhất (ngoài Rudolf Rossler) của nhóm “Dora” biết được tên tuổi và chức vụ của điệp viên Verter tại Berlin

“Tôi không mảy may nghi ngờ về sự tồn tại của con người này. Nhưng có quỷ mới biết được, anh ta là ai? - Georgi Zotov, phóng viên Báo Luận chứng và Sự kiện"

Quốc Hùng
.
.
.