Bí mật trong ngành năng lượng điện gió

Thứ Hai, 27/02/2012, 11:40

Trong thế giới đang phát triển, nơi mà nhiều hệ thống tuốc-bin gió đang được xây dựng một cách nhanh chóng, thế nhưng điện gió thường biến đổi năng lượng sạch thành một ngành kinh doanh bẩn thỉu.

Xung đột giữa trang trại điện gió và nguồn đất đai

Cũng giống như các giàn khoan dầu đã trở thành một biểu tượng của thời đại Công nghiệp, thì những tuốc-bin gió với sải cánh quạt khổng lồ cũng đang trở thành một hình ảnh của điện sạch toàn cầu. Không còn là một giấc mơ viển vông cho các nhà hoạt động môi trường nữa, bởi điện gió đã trở thành một ngành kinh doanh lớn: Kể từ khi ký kết Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu vào năm 1998, năng suất tạo ra điện năng từ gió đã tăng gấp 20 lần: từ nguồn điện chỉ đủ nhu cầu cho 2 thành phố cỡ như New York cho đến công suất lên tới 200.000 Megawatt như ngày hôm nay - đủ điện năng tiêu thụ cho 6 vùng đất cỡ như nước Anh.

Đi kèm với những hy vọng về năng lượng sạch thì cũng đang bắt đầu có sự manh nha, xâm nhập của các ngành công nghiệp vào việc khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tại thế giới đang phát triển. Theo ông Dan Kammen, một học giả nghiên cứu về năng lượng tái tạo tại Berkeley thuộc Đại học California, người vừa rời khỏi Ngân hàng thế giới (WB), cho biết: "Tại thời điểm này đang xảy ra những xung đột gay gắt trên cơ sở chiếm hữu đất đai. Những cột tháp tuốc-bin thường có sải cánh quạt khá lớn và chúng thường được xây dựng thành các cụm tháp gió lớn hình thành nên các trang trại điện gió, và đòi hỏi phải tốn kém nhiều diện tích đất đai. Việc mua lại các thửa đất để lắp đặt tháp điện gió đã vô hình trung tạo nên khái niệm "cuốn gió".

Điện gió đang quét trên bề mặt địa cầu: Nó là năng lượng sạch, nhưng vẫn tồn tại những diện mạo dơ bẩn của một ngành kinh doanh đang va chạm mạnh tại thế giới đang phát triển.

"Dân đen" bị chơi xỏ trên các bản hợp đồng điện gió

"Nhiều vùng tại châu Phi, châu Á Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh hiện đang bùng nổ nhu cầu lắp đặt các nhà máy điện gió".

Ông James Anaya, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền của các dân tộc ít người, từng chiến thắng trong một vụ kiện tiêu điểm tại Toà án liên Mỹ về nhân quyền vào năm 2001 trong đó liên quan đến quyền lợi của người nghèo khổ tại Nicaragua và kể từ đó người dân bản địa có quyền lợi chính đáng trong vùng đất của họ.

Ông James tiết lộ rằng quy trình thường là chính phủ hoặc công ty điện gió đề nghị được lấy đất nhưng lại qua quá trình thương lượng bất bình đẳng, trong đó người dân địa phương hầu như không có được thông tin phù hợp hoặc sự lựa chọn theo ý mình. Đàm phán từ các hợp đồng điện gió là rất phức tạp. Thường tại thế giới đang phát triển, các cộng đồng phần lớn là ít học hoặc mù chữ do đó họ không hiểu thông được bản chất đen tối của hợp đồng. Họ trở nên bất lực qua việc đàm phán. Đất đai của họ dần bị hủy hoại trong suốt quá trình xây dựng các tuốc-bin.

Vào năm 2010, một trường hợp bất công đã xảy ra tại Dhule (Ấn Độ), nơi có đến 2.000 cư dân bộ lạc bị buộc phải chấp thuận chung sống với hàng trăm tuốc-bin gió ngay trên vùng đất truyền thống của mình. Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã trao vùng đất này cho Suzlon, một công ty điện gió. Tuy nhiên, quyền sở hữu đất đai đã không được đối xử một cách công bằng. Ở Honduras, một công ty điện gió gần đây đã cưỡng ép người dân bản địa Lenca để nhường đất cho họ xây dựng một trang trại gió và chỉ trả cho mỗi nông dân số tiền khoảng 80 USD/năm, đây được xem là số tiền trả cho việc thuê đất.

Trong các trường hợp này, nhiều chủ đất hoặc là bị ép buộc đối với bản hợp đồng hoặc là họ không hiểu là mình đang phải ký cái gì, gây lo lắng cho các nhà hoạt động nhân quyền địa phương. Khi điện gió tiếp tục bùng nổ thì quyền sở hữu đất đai vẫn tiếp tục là vấn đề nóng của cư dân địa phương. Gió đã vào tay người khác. "Các bộ lạc không còn mấy mặn mà với các dự án kinh doanh điện gió nữa khi mà các lợi ích mà họ muốn nhận đang vuột ra khỏi tầm tay của mình, đẩy những bộ lạc vào đời sống khốn cùng"

Văn Chương (theo CSMONITOR)

.
.