Bi hài "ăn quả lừa" thuốc làm sạch ... toilet

Thứ Hai, 21/11/2011, 09:45

Sau khi trao hàng chục triệu đồng cho những người lạ mặt và ôm về đống sản phẩm làm vệ sinh, nhiều người chắc mẩm phen này sẽ lãi to. Thế nhưng sự thật lại không ... huy hoàng như vậy. Hàng chục, thậm chí hàng trăm người phải ngậm đắng, nuốt cay khi ngồi ngắm đống thuốc làm sạch ... toilet, diệt muỗi nằm chình ình trong nhà mà trách mình sao nhẹ dạ, cả tin để mắc bẫy bọn lừa đảo chuyên nghiệp.

Thủ đoạn... xưa như trái đất

"Trời ơi! Chị biết từ lâu rồi sao em không nói ra để còn bị mất tiền", đấy là câu cửa miệng của nhiều người khi nghe em Trần Thị Hoa, một sinh viên chuyên ngành Kinh tế vừa tốt nghiệp, hiện đang sống ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nghe được khi em kể việc mình sập bẫy bọn lừa đảo. Bố mẹ Hoa vừa xây một ngôi nhà bề thế, có kiến trúc đặc trưng của nhà người Thái vùng Tây Bắc. Nhà em có mặt tiền rộng, lại ở ngay con đường lớn nên nhìn vào ai cũng biết, đấy là cơ ngơi của gia đình có tiền có của. "Không chỉ nhà to đẹp đâu, trước sân nhà em còn rất nhiều cây cảnh nữa. Hàng ngày, có nhiều người vào để ngắm cây, mua cây", Hoa nói về gia thế của mình để lý giải, vì sao bọn lừa đảo lại nhằm vào em.

Hôm đó, Hoa đang ở nhà với người bác thì có hai người, một nam, một nữ tuổi hơn 30 đi vào. Nghe giọng nói, Hoa đoán đấy là người dưới xuôi. Họ đặt vấn đề với em muốn thuê mặt tiền để đặt biển quảng cáo, mỗi tháng sẽ trả cho gia đình 1 triệu đồng. "Chẳng tốn kém gì, lại được trả 1 triệu/tháng nhưng em không dám quyết mà bảo với họ phải hỏi ý kiến bố mẹ. Nghe vậy, họ bảo hôm sau sẽ quay lại. Trước khi đi, họ bảo em cho dán nhờ tờ rơi quảng cáo ở cổng và em đồng ý", Hoa nói.

Ngày hôm sau, trong số những người vào nhà Hoa xem cây cảnh có một nam thanh niên và 1 phụ nữ trung niên làm như vô tình nhìn thấy tờ quảng cáo này. Họ cho biết đang cần mua nhiều sản phẩm này để làm vệ sinh cho cơ quan. Nhẩm tính, sẽ lãi được 15.000 đ/đối với một sản phẩm nên Hoa liền gọi theo số điện thoại đăng trên tờ quảng cáo. Rất nhanh chóng, người bán chuyển hàng đến và nhận 7,5 triệu của Hoa. Hoa gọi điện cho người đặt mua hàng, vừa nhẩm tính phen này chắc lãi gần 2 triệu đồng nhưng đầu dây bên kia tò tí te! Chột dạ, cô gọi lại cho người bán hàng thì đầu dây bên kia cũng là những tiếng tò ti te vô cảm. Liên hệ với tổng đài Viettel, cô được biết tất cả các số điện trên đều là thuê bao trả trước. Đến lúc này, cô buộc phải thừa nhận mình bị lừa.

Hoa vô cùng ngạc nhiên khi thấy những người nghe cô kể lại vố lừa mình mắc phải đều cho rằng, cô không phải cá biệt. Có anh, nhà cách nơi cô ở chừng 10km còn bị lừa hơn 20 triệu. Còn người hàng xóm cũng mất mấy chục triệu với thủ đoạn y chang cô. "Nếu như việc này được cảnh báo trên đài phát thanh của huyện, trên đài truyền hình tỉnh và phổ biến tại khu dân cư thì ít người bị sập bẫy", Hoa tâm sự. Khi tra cứu thông tin trên mạng internet, cô còn tá hỏa khi biết, rất nhiều các nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành "dính chưởng" giống mình. Số tiền 7,5 triệu cô bị mất là quá ít so với con số cả trăm triệu đồng những nạn nhân khác đưa cho kẻ lừa đảo. Trường hợp chị Trần Thị Hương, phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định là một ví dụ.

Theo thu thập của chúng tôi, chị Hương là nạn nhân gần đây nhất sập bẫy bọn lừa đảo. Sự việc xảy ra vào ngày 2/11. Hôm đó, có một người tên Thủy đến cửa hàng cắt tóc của chị đề nghị đặt biển quảng cáo sơn Alex, giá thuê 5 triệu/tháng. Trước khi về, họ xin dán 1 tờ giấy ghi báo giá 9 sản phẩm làm vệ sinh và được chị đồng ý. Hôm sau, một phụ nữ tên Hà đến cửa hàng xin học việc cho em chị ta. Trò chuyện xong, chị này ra về và thấy bảng báo giá nên muốn mua 20 gói thuốc thông cống trị giá 600.000đ, đặt cọc 100.000đ và hẹn 2h chiều sẽ đến lấy hàng.

Trưa hôm đó, chị này lại gọi điện thoại và bảo đang làm ở bệnh viện, ngày mai bệnh viện có đợt thanh tra nên cần mua 1.000 gói thuốc diệt muỗi. Vì  đang đi công tác ở Ninh Bình nên chị ta không đến đặt cọc trước. Tin tưởng, chị Hương gọi điện cho người bán hàng tên Thủy và 11h có người mang hàng đến và trả 60 triệu đồng. Nghĩ rằng, sẽ bán lô hàng này được 75 triệu, tính ra lãi những 15 triệu nên chị Hương rất vui. Chị gọi điện cho người mua đến nhận hàng nhưng càng gọi, càng mất tăm. Lúc đó, chị mới biết mình bị lừa.

Đơn tố cáo bọn lừa đảo của người tiêu dùng.

Nhắm vào người có tiền

Tất cả các nạn nhân từ Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Yên, Nam Định... mà chúng tôi biết đều là người có sẵn tiền mặt. Hẳn là nhóm đối tượng lừa đảo đều đã nhắm từ trước nên không phải ngẫu nhiên, chúng tiếp cận với những nạn nhân và cũng chính là các chủ cửa hàng đang kinh doanh phát đạt. Ví dụ như trường hợp anh Phạm Ngọc Vũ, ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên phản ánh. Gia đình anh Vũ có một cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược.

Ngày 1/10/2010, một người tự xưng là An, nói giọng miền Bắc nhận là nhân viên của Công ty Hóa chất Mặt trời đỏ, văn phòng đại diện ở thành phố Buôn Mê Thuột vào cửa hàng đặt vấn đề thuê đặt biển quảng cáo, giá 1 triệu đồng/ tháng với mẹ anh. Dù mẹ anh không đồng ý cho thuê nhưng người này vẫn dán một bìa quảng cáo nhỏ và nói, nếu ai có nhu cầu đặt hàng thì gọi vào số điện thoại đăng kèm.

7 ngày sau, có hai người, một nam, một nữ vào mua thuốc tân dược. Làm như vô tình, người nữ nhìn thấy mẫu sản phẩm diệt côn trùng trên tờ quảng cáo và đặt vấn đề mua 100 gói Pesmer 35 EC. Người này cho rằng, do cần mua cho cơ quan nên mới mua số lượng lớn như vậy. Mẹ anh tin nên gọi cho người đàn ông tên An và một lúc sau người này mang đến 100 gói. Liền sau đó, người phụ nữ kia lại gọi cho mẹ anh, báo mua thêm 600 gói nữa. Lúc đó, người đàn ông tên An bảo rằng, đang đi giao hàng nên có sẵn số lượng này trên xe nên đưa luôn. Tổng cộng, mẹ anh phải đưa cho An 42 triệu nhưng do không còn tiền nên đưa cho hắn một phần là 26 triệu. Không chỉ vậy, hắn còn chào hàng 16 gói thông cống, giá 25.000đ/gói nên mẹ anh phải đưa thêm 400.000đ.

Sau này, mẹ anh cảm thấy có chuyện bất thường nên gọi lại cho An và người phụ nữ đặt mua hàng nhưng cả hai đều không nghe máy. Anh Vũ cho biết, nếu lúc đó có sẵn 42 triệu đồng thì số tiền mẹ anh bị lừa đảo sẽ lớn hơn con số 26.400.000đ. "Bọn chúng đã nghiên cứu kỹ về khu vực, nhắm vào đối tượng mới ra tay hành sự. Mẹ tôi là người cẩn thận, thế mà vẫn bị chúng lừa bịp", anh Vũ chia sẻ.

Biển số xe 29 (Hà Nội) mà đối tượng lừa đảo sử dụng - chị Trần Thị Hương cung cấp.

Trường hợp của ông Trần Văn Vi, ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cũng tương tự. Ông Vi có cửa hàng kinh doanh đồ nhu yếu phẩm nên "được" nhóm đối tượng lừa đảo "ghé thăm". Chúng đóng vai là người bán hàng, người mua hàng nhuần nhuyễn đến mức, ông tin tưởng để đóng vai làm đại lý bán buôn. Sau khi nhận số tiền 25 triệu đồng và nhận 500 gói thuốc muỗi. Thế nhưng khi có hàng trong tay thì người đặt hàng của ông đã cao chạy xa bay, trả hàng lại thì cũng không được vì người này đã hô biến.

Giải thích nguyên nhân mình bị lừa, em Trần Thị Hoa, ở Sơn La cho rằng: Thứ nhất, mình sẵn có tiền trong tay. Thứ đến phải kể đến tâm lý thích làm kinh tế. Em vừa học kinh tế ra, các đối tượng này lại chào mời mua, bán hàng số lượng lớn nên chạm đúng "chỗ ngứa". Những nạn nhân chúng tôi nêu trên đều là người có cửa hàng kinh doanh hoặc nhà cửa bề thế. Việc có trong tay số tiền vài chục triệu đối với họ là... chuyện đương nhiên. Hơn nữa, họ đang làm kinh doanh nên cũng dễ dàng tính được số lợi nhuận sẽ thu được. Bọn lừa đảo đã đánh vào tâm lý hám lợi của các tiểu thương. Cũng vì lợi ích trước mắt nên nhiều nạn nhân đã đẩy mình vào tình cảnh phải khóc cười cùng các sản phẩm làm sạch ... toilet, diệt côn trùng còn khá xa lạ với nhiều người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tình trạng lừa đảo với thủ đoạn nêu trên đang có diễn tiến phức tạp, rộng khắp trên toàn quốc. Để tránh rơi vào bẫy của bọn lừa đảo, người tiêu dùng cần phải cảnh giác trước những lời mời gọi hấp dẫn để không rơi vào tình cảnh phải ôm đống sản phẩm trời ơi và mất số tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, cơ quan Công an cũng cần xác minh, xử lý đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn nêu trên.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó TTK Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam:

Gần đây có khá nhiều người tiêu dùng phản ánh về tình trạng lừa đảo bán các sản phẩm thuốc thông cống, làm sạch toilet, diệt côn trùng... Thủ đoạn như nhau nhưng địa bàn hoạt động lại khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Rất có thể đây là một nhóm người, chúng liên tục di biến động. Ngoài việc người tiêu dùng cảnh giác, cơ quan Công an cũng sớm vào cuộc để lật tẩy chân tướng, bắt giữ kẻ phạm pháp. Ở góc độ người tiêu dùng, tôi khuyến cáo mọi người cần phải cảnh giác, liên tục cập nhật thông tin để tránh bị mắc bẫy và cảnh báo cho mọi người biết. Khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, cần thông quá đến cơ quan Công an nơi gần nhất.

Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà - Hà Nội):

Hành vi "Giả mạo giấy báo giá" và "bố trí người giả vờ đến các đại lý trên đặt mua hàng số lượng lớn với giá cao hơn giá chào hàng" là hành vi gian dối để đánh lừa các chủ cửa hàng bán lẻ nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Các hành vi này đã cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự. Theo điều luật này, "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác có giá trị từ hai triệu đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và có thể phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù với hình phạt thấp nhất 6 tháng tù và cao nhất là tù chung thân.

Cao Hồng
.
.
.